Từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật
Chúng tôi bước chân vào phòng làm việc của Trung tá Trịnh Tuấn Toàn, Giám đốc Trung tâm giám định sinh học pháp lý khi anh đang tất bật xử lý các yêu cầu giám định từ nhiều nơi gửi đến. Dù bận rộn, nhưng anh vẫn vui vẻ tạm gác lại công việc để đưa chúng tôi đi tham quan các phòng làm việc.
Có cảm giác nơi đây giống như một Viện nghiên cứu khoa học thu nhỏ, với đủ những máy siêu âm, bàn khám bệnh, máy soi, máy chụp chiếu, ống nghiệm, kính hiển vi… Các công nghệ mới, máy móc, hóa chất dành cho công tác giám định của Trung tâm liên tục được cập nhật, nhằm bắt nhịp với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Với hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, công nghệ giám định gen tự động, hệ thống giải trình tự gen, phân tích gen…, các kết quả phân tích đạt độ chính xác gần như tuyệt đối.
Hiện nay, ngoài Trung tâm giám định sinh học pháp lý ở Hà Nội, Viện KHHS đã triển khai phòng giám định ADN ở Phân viện KHHS tại TP Hồ Chí Minh và Phân viện KHHS tại Đà Nẵng với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định gen trong công tác điều tra tội phạm cũng như nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, Trung tá Trịnh Tuấn Toàn cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù được đánh giá là hiện đại bậc nhất trong khu vực nhưng trang thiết bị, phương tiện, hóa chất hiện có vẫn chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu giám định so với các nước phát triển, nhất là đối với các vụ giám định dấu vết có chất lượng kém. Không ít vụ án đi vào bế tắc do việc thu mẫu và bảo quản mẫu gen ở hiện trường chưa được chú trọng.
“Giám định gen là một lĩnh vực hiện đại, công nghệ luôn luôn đổi mới. Do đó, bất cứ ai khi đã đặt chân vào làm việc tại Trung tâm đều phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ chiến sĩ của Trung tâm phải tự học tập kinh nghiệm như thông qua các buổi hội thảo, trao đổi thông tin quốc tế qua các vụ án cụ thể, hoặc trong những buổi làm việc với các chuyên gia nước ngoài”, anh Toàn khẳng định.
Trung tâm hiện có cả thảy 25 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 1 PGS, 3 TS và nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ. Họ là những người có năng lực chuyên môn, có kiến thức nghiệp vụ và pháp luật, có kỷ luật cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Hầu hết đều thông thạo ngoại ngữ, có nhiều sáng kiến và bề dày nghiên cứu khoa học, từng được đào tạo ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nga, Úc, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore...
“Nếu như trước đây phải sử dụng Benzidin (một loại hóa chất rất độc hại, có thể gây ung thư, triệt sản nếu sơ sảy) để xác định có phải dấu vết máu hay không, thì 5 năm trở lại đây, trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới, Viện KHHS đã thực hiện nghiên cứu đề tài sử dụng dung dịch Phenolphthalein thay thế, có hiệu quả tương đương nhưng không gây độc hại nhiều như Benzidin”, Thiếu tá Lê Viết Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý chia sẻ.
Phụ trách đoàn công tác của Viện KHHS tham gia khám nghiệm hiện trường vụ thảm án tại Quảng Ninh, Thiếu tá Lê Viết Việt cho biết, nhờ có kit phát hiện dấu vết máu do các giám định viên sản xuất trong điều kiện phòng thí nghiệm của Trung tâm, lực lượng khám nghiệm hiện trường đã kịp thời phát hiện dấu vết máu ở hiện trường và dấu vết máu trên các đồ vật tại nhà đối tượng Doãn Trung Dũng, giám định đủ căn cứ khoa học để cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Dũng và nhanh chóng bắt giữ hung thủ sau hơn 2 ngày lẩn trốn.
Trong vụ án sát hại 4 người tại Tương Dương (Nghệ An), cũng nhờ kit phát hiện dấu vết máu này mà lực lượng kỹ thuật hình sự đã thu được chứng cứ vật chất (dấu vết máu của nạn nhân) trên đồ dùng của đối tượng Vi Văn Hai khi đối tượng trở về nhà tìm cách phi tang trước khi bỏ trốn.
Máy giải trình tự gen thế hệ mới thuộc loại hiện đại nhất thế giới |
Theo các cán bộ chiến sĩ làm khoa học tại Trung tâm, cái khó và cũng là nỗi lo thường trực của họ là việc nhiễm mẫu tế bào. Những mẫu tế bào được đưa vào giám định thường có kích cỡ rất nhỏ như tế bào da, tế bào niêm mạc miệng, tinh trùng, gốc tóc, lông… vì vậy trong quá trình làm giám định, nếu không có sự cẩn trọng thì rất có thể sẽ dẫn tới việc nhầm lẫn với các mẫu tế bào từ chính… một cái ho hoặc một cái cái hắt hơi của các cán bộ nghiên cứu.
Ngoài ra, các dụng cụ làm việc, các trang bị cá nhân như găng tay, quần áo đều phải được xử lý, vô trùng một cách tuyệt đối bởi đây cũng là nguồn lây nhiễm tế bào.
“Hàng ngày, anh em phải tiếp xúc với các mẫu máu, mẫu phủ tạng người và những loại hóa chất độc hại như formol, xylen, axit HCL, cồn có nồng độ cao… Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ cao cả, tập thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc được giao, góp phần vào thành tích chung của Viện KHHS”, Thiếu tá Lê Viết Việt chia sẻ.
Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho Viện KHHS như Huân chương Hồ Chí Minh; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì… có phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ chiến sĩ Trung tâm giám định sinh học pháp lý.
Truy tìm thủ phạm giấu mặt
“Đã là lính khoa học hình sự và pháp y công an, ngoài kiến thức, niềm yêu thích, lòng tự trọng, sự tận tụy, kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm với công việc đang gắn bó, còn phải biết đau với nỗi đau của người bị hại và thân nhân của họ, luôn đứng về lẽ phải và đấu tranh không khoan nhượng với cái Ác”, Trung tá Trịnh Tuấn Toàn nhấn mạnh.
Trên tinh thần ấy, để có những bản giám định và cũng chính là căn cứ pháp lý để kết tội hoặc trả lại sự thanh sạch cho ai đó, các anh đã làm công việc của mình với sự đam mê của người làm khoa học, với tinh thần vì nhân dân phục vụ của chiến sĩ công an.
Lật lại những trang hồ sơ, Trung tá Trịnh Tuấn Toàn nhớ lại vụ gã con nuôi tàn độc giết cha rồi chôn xác dưới sàn nhà ở phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Bằng tinh thần làm việc công tâm, trách nhiệm, các anh đã xác định chính xác danh tính nạn nhân và nguyên nhân tử vong, giúp CQĐT nhanh chóng phá án, buộc kẻ thủ ác phải đền tội.
Cuối tháng 12/2004, khi đang tiến hành đào đường ống ở khu vực công trình phụ, để thay đường ống khác cho nhà của vợ chồng ông Trần Bá Khanh tại phường Văn Chương, nhóm thợ bàng hoàng phát hiện một bộ hài cốt còn nguyên vẹn, nằm dưới tấm bê tông. Người chết mặc áo sơ mi cộc tay, quần màu đen, toàn bộ quần áo dính bùn. Trong túi quần có ví, bên trong có giấy phép lái xe hạng A1 mang tên Vũ Xuân Trường, trú tập thể Kim Liên, Đống Đa, cùng 170.000 đồng.
Vụ cháy tòa nhà ITC nhìn từ trên cao |
Qua rà soát, CQĐT nắm thông tin ngày 20/7/2002, người nhà ông Vũ Xuân Trường đã báo chính quyền về sự mất tích bí ẩn của ông. Để xác định chính xác lai lịch của bộ hài cốt, CQĐT đã trưng cầu giám định ADN từ Trung tâm giám định sinh học pháp lý, Viện KHHS. Kết quả cho thấy, mẫu xương của bộ hài cốt trùng khớp kiểu gen với mẫu tóc của chị ruột ông Trường. Việc giám định cũng cho thấy trên sọ của ông Trường có nhiều vết tổn tương, nghi là do bị đánh, thời gian chết đã hơn 2 năm.
Một cuộc điều tra được mở, các trinh sát xác định Trần Văn Tùng, từng sống tại căn nhà phát hiện bộ hài cốt này, vào thời điểm ông Trường mất tích. Ngày 20/12/2004, Tùng bị bắt tại nhà riêng ở tỉnh Quảng Ninh.
Theo lời khai của Tùng, năm 1997, hắn từ Quảng Ninh lên Hà Nội làm thợ hàn, thuê ngôi nhà này. Làm cùng ông Trường nên hắn được nhận làm con nuôi. Một năm sau, cả hai rời công ty nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân tình.
Khoảng 23h30’ ngày 17/7/2002, ông Trường đến chỗ Tùng chơi thì phát hiện cậu ta đang chuẩn bị sử dụng heroin. Ông giằng lấy gói ma túy, không cho sử dụng và lựa lời khuyên giải. Đáp lại ý tốt này, Tùng dùng vũ lực để cướp lại “thuốc”. Nhân lúc ông Trường sơ ý, anh ta dùng chốt cài cửa đánh vào đầu khiến cha nuôi tử vong.
Nhằm phi tang tội ác, Tùng cậy gạch lát nền, đào hố chôn xác. Hôm sau, Tùng mua 15kg xi măng trộn cát, đổ bê tông lên mặt hố, rải một lớp nilon lên rồi xếp gạch lát nền lại như cũ. Tùng ở lại đây đến năm 2002 mới chuyển đi nơi khác.
Một vụ án khác cũng được Trung tá Trịnh Tuấn Toàn lưu vào “bộ nhớ” của mình. Anh kể, tháng 5/2010, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được tin tại khúc sông Phó Đáy, người dân phát hiện một bộ hài cốt bị chôn vùi dưới lớp cát. Qua tiến hành rà soát, các trinh sát nắm được thông tin về một người đàn ông tên Phan Văn Thu, trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương bỗng nhiên mất tích vào năm 8/2007 khi đi thu mua nứa ở xã kế bên. Người thân đã báo cáo lên cơ quan chức năng nhưng vài năm sau đó vẫn không hề có thông tin gì.
CQĐT đã trưng cầu Trung tâm giám định sinh học pháp lý, Viện KHHS tiến hành giám định gen. Kết quả giám định đã khẳng định chính xác bộ xương trên là của anh Phan Văn Thu. Các dấu vết từ bộ xương cho thấy nạn nhân đã bị một vật sắc nhọn (dao) đâm vào người và đầu. Qua đó, Ban chuyên án khẳng định đây là vụ giết người có chủ ý. Hung thủ vùi nạn nhân xuống cát hòng phi tang.
Khi đang truy tìm dấu vết của hung thủ, các trinh sát nhận được thông tin từ lực lượng Công an xã Liên Hòa: Trước thời điểm tìm thấy bộ hài cốt khoảng một năm, công an viên trong một buổi trực đêm có nhận một cuộc điện thoại nặc danh. Giọng của người đàn ông nói rằng nếu có phát hiện trường hợp mất tích nào thì đó là một vụ giết người.
CQĐT xác định người gọi điện thoại nặc danh là Nguyễn Tiến Bắc (26 tuổi, trú xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, Bắc đã bỏ vào tỉnh Bình Dương làm ăn từ lâu. Đến ngày 11/6/2010, các trinh sát mới tìm được Bắc. Qua đấu tranh với Bắc, CQĐT đã xác định nghi phạm giết chết anh Thu chính là Phạm Văn Mão (23 tuổi, ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch), em rể của Bắc, làm nghề lái đò qua sông Phó Đáy.
Sau khi sát hại anh Thu, Mão kể với Bắc và nhờ tiêu thụ hộ chiếc xe máy chiếm đoạt được. Cuộc truy lùng hung thủ bắt đầu được tiến hành. Ngày 11/6/2010, một tổ công tác mật phục tại nhà Mão. Biết bị bao vây, Mão nhảy xuống sông trốn nhưng không thoát.
Theo lời khai của Mão, tối 28/5/2007, anh Thu đi qua quán nước của gia đình, nguồi uống nước rồi nhờ chở đò qua sông. Thấy anh Thu có nhiều tiền, đi xe máy mới, lại ở khu vực khúc sông vắng vẻ nên Mão đã nảy sinh ý định sát hại để cướp của. Chở nạn nhân ra giữa sông, Mão dùng dao chém nhiều nhát khiến anh Thu tử vong ngay tại chỗ.
3 năm trôi qua Mão nghĩ rằng mọi việc đã bị chôn vùi dưới lớp cát sâu trong lòng sông Phó Đáy. Nhưng hắn không ngờ, trước những chứng cứ khoa học và sự sắc sảo của các điều tra viên, tội ác “trời không dung, đất không tha” của hắn đã bị phơi bày.
Hung thủ Phạm Văn Mão |
Trả lại tên cho những người xấu số
Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về điều tra phá án, giám định ADN còn tham gia giải quyết khắc phục hậu quả, tìm kiếm, xác định tung tích nạn nhân trong các thảm họa, thiên tai… Vụ giám định gen cho 60 người chết trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình.
Buổi trưa ngày 29/10/2002, tòa nhà ITC chìm trong biển lửa khi bên trong đang có khoảng 1.000 người Việt Nam và nước ngoài làm việc, mua sắm, trong đó lượng người tập trung đông nhất là ở nhà hàng dự đám cưới và lớp tập huấn nhân viên của một công ty bảo hiểm.
Dân gian có câu “Nhất thủy, nhì hỏa” để nói lên sức tàn phá khủng khiếp do “giặc lửa” gây ra. Chỉ trong vòng vài chục phút, “bà hỏa” đã khiến cho 60 người chết, 70 người bị thương và 50 văn phòng của các doanh nghiệp, tổ chức đặt trụ sở tại đây bị thiêu rụi – những con số đau thương và đầy ám ảnh. Đây là vụ hỏa hoạn được xem là gây thiệt hại về người và tài sản lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
60 xác chết bị lửa thiêu biến dạng nên rất khó khăn trong việc nhận dạng, có xác chỉ còn là nắm xương cháy đen. Phương án giám định bằng mẫu tóc của các nạn nhân không áp dụng được bởi nhiều người bị cháy hết tóc, tế bào bị biến dạng do nhiệt. Trước tình hình ấy, tổ công tác kỹ thuật đã quyết định lấy mô ở lồng ngực hoặc xương đùi làm mẫu để giám định ADN. Sau hơn một tháng làm việc miệt mài, 60 thi hài đã được trả về đúng địa chỉ, trong sự mong mỏi và lòng biết ơn của bao thân nhân.
Trong vụ cháy kinh hoàng vào 4/2009 tại kho hàng ga Giáp Bát, 4 tử thi phải dùng đến biện pháp giám định AND do sức nóng của ngọn lửa đã gây biến dạng toàn bộ cơ thể không thể nhận dạng được. Tuy nhiên với sự vào cuộc của Trung tâm giám định sinh học pháp lý, những con người xấu số này đã được trả lại tên.
Một vụ việc khác không chỉ khiến cán bộ chiến sĩ Trung tâm giám định sinh học pháp lý phải tốn nhiều mồ hôi công sức mà còn làm cho các anh đau quặn từng khúc ruột. Chúng tôi đã chứng kiến đôi mắt hoe đỏ của Trung tá Trịnh Tuấn Toàn khi nhắc lại vụ chìm tàu Vân Đồn 2 và tàu Phú Tân, cướp đi sinh mạng của hàng chục thuyền viên cùng thủy thủ.
Không thể phụ lòng mong đợi của thân nhân người xấu số, ngay sau khi thi thể các anh được trục vớt, cán bộ chiến sĩ Trung tâm giám định sinh học pháp lý đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện ngay công tác giám định và đã xác định chính xác kiểu gen của các nạn nhân có quan hệ huyết thống với gia đình có người gặp nạn và trao cho họ chính xác hài cốt của người thân mang về quê hương an táng.
“Những vụ chìm tàu xảy ra không chỉ thiệt hại lớn về người và vật chất mà còn gieo nỗi đau vô bờ bến trong lòng những người ở lại. Nước mắt có thể ngừng rơi, nhưng nỗi đau trong lòng thì rất khó nguôi ngoai. Hiểu mong muốn đến quặn lòng của những người đang chờ được nhận diện con em họ, chúng tôi đã làm việc liên tục, không ngừng nghỉ để nhanh chóng trả lại danh tính cho các nạn nhân. Đó cũng là cách giúp thân nhân những người xấu số vơi bớt phần nào nỗi đau thương, mất mát…”, Trung tá Toàn xúc động tâm sự.
Theo anh, ngoài xác định danh tính các nạn nhân mất tích, các nạn nhân không thể nhận dạng được thì giám định hài cốt liệt sỹ thông qua phương pháp ADN cũng rất quan trọng. Bộ Công an hiện đang chỉ đạo việc lập và phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp giám định ADN xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, Tổng cục Cảnh sát chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Dự án “Đầu tư nâng cấp cơ sở giám định gen tại Viện Khoa học hình sự phục vụ xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”.
Phần lớn các liệt sỹ hi sinh cách đây đã lâu, được chôn cất trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên hài cốt liệt sỹ đang phân hủy từng ngày. Trong khi đó thân nhân liệt sỹ ngày một già yếu mất đi, nên việc thu mẫu thân nhân để giám định ADN ngày càng khó khăn.
Giám định ADN giúp xác định quan hệ huyết thống cũng là một mảng mang đầy ý nghĩa nhân văn |
Do vậy, để có thể thực hiện mục tiêu Đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”, việc thu thập hài cốt liệt sỹ, giám định gen để xác định thông tin đang được đẩy nhanh tiến độ, tiến hành khẩn trương.
Ngoài ra, Trung tâm giám định sinh học pháp lý cũng thực hiện giám định ADN mà các tổ chức, cơ quan nhà nước và công dân yêu cầu. Đó là những giám định ADN mang tính dân sự, phục vụ việc truy nguyên con người, giúp xác định quan hệ huyết thống. Đây cũng là một mảng mang đầy ý nghĩa nhân văn.
Việc xác định được huyết thống cha con, mẹ con, anh chị em và các thành viên trong gia đình giúp cho xóa đi những hoài nghi, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Kết quả giám định đã giúp những thành viên bao năm thất lạc nhau nay tìm gặp lại được gia đình, người thân của mình.