Người “tìm lại” thư pháp từ chính mình
Từ nhỏ, ông Lê Thiên Lý - Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán Nôm học đã học thuộc Tam Tự Kinh, học chữ Nho, học viết thư pháp và ông sớm bộc lộ niềm đam mê cũng như tài năng. Thế nhưng, tuổi trẻ của ông lại là nghiệp cầm súng ra chiến trường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi hòa bình, những sóng gió cuộc đời khiến bàn tay ấy chai sạn đi. Việc tập viết lại thư pháp là điều khó vô cùng, dù trong thâm tâm ông vẫn luôn thôi thúc.
Một bước chuyển lớn vào năm 1998 khi ông dự cuộc triển lãm tranh của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa tại Văn Miếu. Những bức thư pháp rất đẹp của cụ Hòa đã làm ông nhớ lại những ngày nhỏ cùng cha học chữ Nho, luyện thư pháp và ông chợt nhận ra rằng, lúc trước những bức thư pháp ông vẽ cũng đẹp không thua những bức ông đang xem là bao. Ông biết trước đây ông vẫn chưa luyện tập một cách thực sự say mê và cần mẫn.
Khi về nhà, ông bỏ công lên tận Lạng Sơn, Móng Cái để tìm những cuốn sách quý về chữ Hán, về thư pháp và luyện tập ngày đêm. Ông kể, vì thư pháp mà ông sẵn sàng quên ăn, quên ngủ. Chuyện ngày bỏ ra 16, 17 tiếng để học và luyện thư pháp đã trở thành bình thường.
Công sức và sự đam mê đã không phụ lòng ông. Những bức tranh thư pháp ông vẽ ngày càng đẹp hơn. Tên tuổi của ông đã được những người đam mê thư pháp thừa nhận qua hai cuộc triển lãm tại Festival Huế năm 2006 và 2008. Hai bức thư pháp viết theo lối chữ triện “Chiếu dời đô” và “Nam Quốc Sơn Hà” hiện đang được để tại Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý cũng rất nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Coi trọng sự học, sự sáng tạo
Điều ông Lê Thiên Lý trọng nhất là sự học. Ông được nhiều nhà phê bình đánh giá là nhà thư pháp hàng đầu của Việt Nam hiện nay vì chính ông là người sáng tạo ra hai thể thư pháp riêng: Nhân diện và Hoa điểu. Hai thể chữ mới này gây xôn xao giới thư pháp vì ngoài việc miêu tả nghĩa còn miêu tả được thần thái của vật, người. Nghĩa là, với tên mỗi người là phải hiện lên được thần thái của người đó; với tên mỗi vật, người ta có thể hình dung vật đó như thế nào. Ông có cái tài nhận biết được hồn của mỗi người từ gương mặt, cách nhìn, giọng nói để thể hiện hình dáng mỗi người qua những nét chữ tài hoa. Vì vậy, khách thập phương mến mộ ông, thường tìm đến ông để nhờ ông viết chữ.
Ông viết cho họ như thể đặc tả cuộc đời của họ qua nét vẽ. Ông Lê Thiên Lý đã viết nhiều chữ tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng già của dân tộc đã từng nói với ông khi xem ông viết: “Chú viết giỏi hơn tôi nhiều”. Lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông đã viết rất nhiều câu đối, mỗi chữ ông viết đều toát lên thần thái của tướng Giáp.
|
Ông Lê Thiên Lý đã viết nhiều chữ tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Không chỉ đam mê thư pháp, ông Lê Thiên Lý còn là người vực lại nét văn hóa học chữ Hán Nôm ở Hải Phòng. Ông mải miết cho chữ ở Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 2007 đến nay. Lãnh đạo TP.Hải Phòng không ai không biết công lao của ông khi gây dựng việc cho chữ cho học sinh ở đây để những người đến đây thấy Đền Trạng có nét không khí học hơn. Ông cũng chính là người khởi xướng lễ hội khai bút đầu năm ở Hải Phòng.
Lễ hội năm nay bước vào mùa thứ 3. Cứ vào mùng 6 Tết là lễ hội khai bút lại được tổ chức ở khu tưởng niệm các vị vua vương triều Nhà Mạc ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Mỗi năm ông Lê Thiên Lý tổ chức được 2 lớp học Hán Nôm và thư pháp. Lớp học của ông rất đặc biệt vì từ ông già 80 tuổi đến đứa trẻ cũng có thể đến học. Mọi người đến học chỉ cần mua bút, vở và những đồ dùng cần thiết chứ không phải đóng góp gì hơn.
Trong thời gian qua, tại Văn miếu - Quốc Tử Giám có tổ chức kỳ thi sát hạch các ông đồ trước thực trạng nhiều người được tiếng là ông đồ nhưng lại viết sai chữ, gian lận trong khi thi. Về điều này, ông Lê Thiên Lý chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc “sát hạch” ông đồ trước khi được ngồi cho chữ tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Việc làm này rất đáng hoan nghênh bởi giống như một bác sỹ phải có bằng mới được khám bệnh và tiêm thuốc thì ông đồ cho chữ, thu tiền ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng tương tự như vậy”.
Ông nói thêm: “Bản thân tôi cũng đã có một năm lên cho chữ ở “phố ông đồ”. Tuy nhiên, tôi chỉ ngồi đó có vài chục phút rồi về vì nhiều thị phi quá, nhất là có nhiều ông đồ rởm cạnh tranh không lành mạnh. Không chỉ vậy, nhiều người chẳng biết một chữ Hán nào nhưng nhờ tài “khua môi, múa mép” vẫn rất đông khách”.