Tâm, tài và đạo

(PLO) -Sáng 3/1 vừa qua, sau hơn 1 năm để trống, “chiếc ghế” Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được trao cho ông Trần Sỹ Thanh.

Việc ông Thanh về ngồi “ghế nóng” PVN ở thời điểm này trở thành một sự kiện khiến nhiều người quan tâm. Bởi, mấy đời chủ tịch gần nhất của tập đoàn này đều đã bị dính vào vòng lao lý. Hơn 20 cán bộ, nguyên lãnh đạo trong ngành này dính vào vòng lao lý, bị khởi tố vì “cố ý làm trái”, “buông lỏng quản lý”, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cá nhân trong đó lạm dụng chức vụ, tham ô tài sản.

Đau xót trên mọi phương diện, mọi góc nhìn. Tại sao vậy?

Chúng ta nói mãi về “cán bộ là gốc của công việc”. Ngày xưa ta “nhập khẩu” tiêu chí nên hay dùng khái niệm “vừa hồng vừa chuyên”... nay do hội nhập, hiện đại hơn nên thay bằng khái niệm “tâm và tầm”. Đã có rất nhiều “quy trình”, sau mỗi kỳ Đại hội, trong các diễn văn bế mạc bao giờ cũng có câu “bầu ra được những cán bộ tiêu biểu cho đạo đức và trí tuệ” nhưng cán bộ hư hỏng (kể cả cao cấp của cao cấp) đã và đang diễn ra làm “giật thột” xã hội. Tại sao vậy, chắc chắn là “quy trình” có vấn đề, hoặc người người vận dụng “quy trình” tâm địa xấu xa nên luôn biết “lách” quy trình. “Lạng”, “lách”... luôn là một “ưu việt” nổi trội trong “bản sắc Việt”.

Gần đây, ngày 4/8/2017, Bộ Chính trị có Quyết định số 89-QĐ/TW  quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Theo quyết định này, về đạo đức, lối sống, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi... tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. 

Nhớ lại đại án ở Vinashin trước đây, một lái xe của ông Phạm Thanh Bình nói với người viết bài này: “Anh Phạm Thanh Bình chỉ “hư” khi tiền được dồn về Vinashin nhiều quá”. Vâng, trước sự cám dỗ của đồng tiền, thời đồng tiền đang “quay cuồng” như một “tôn giáo” thì “không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi” như “khung tiêu chí” là vô cùng khó.

Ở đây có 2 vấn đề, ngoài sự tự đấu tranh với chính mình, hàng ngày, hàng giờ trong bản thân những người lãnh đạo cấp cao còn phải có cơ chế, kiểm tra hữu hiệu của tổ chức quản lý họ. Cả hai nội dung chúng ta đều đang yếu, nếu như không muốn nói “rất yếu”.

Tại Singapore hiện nay, quan chức, cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Còn tại Việt Nam, dù đã có nhiều cố gắng song công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.  Đây đang là câu hỏi đau lòng.