Cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú đều thống nhất, sẽ quy định cần tạm trú liên tục trong 2 năm tại thành phố thì mới được nhập hộ khẩu vào nội đô (quận).
Lượng người dồn về nội đô các thành phố trực thuộc TƯ quá lớn, gây ra nhiều vấn đề xã hội như thiếu việc làm hay tắc đường, kẹt xe... Ảnh minh họa |
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sáng nay trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Nổi lên trong đó là quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như trên, vì cho rằng đây là những hành vi phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú; việc bổ sung nghiêm cấm các hành vi này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những người có hành vi trái pháp luật về cư trú. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra này cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về các hành vi bị nghiêm cấm.
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu |
Về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương được dự thảo luật quy định như sau.
Công dân có một trong các điều kiện: có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên. Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên.
Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Về điều kiện này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Để hạn chế bớt số lượng người thường trú tại các quận nội thành thì nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo Luật là hợp lý.
Ngoài ra, có ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, về lâu dài cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc trung ương.
Theo An ninh Thủ đô