Tản mạn về chữ 'Phúc' ngày xuân

(PLO) - Trong quan niệm cổ truyền của gia đình người Việt, chữ “phúc” có vị trí quan trọng hàng đầu. “Nhà có phúc” là ước vọng, là niềm vinh dự của người Việt. Vì lẽ đó, cứ Tết đến, xuân về, người xưa lại viết chữ “phúc” trên một tờ giấy đỏ vuông dán ngoài cửa và xem như là một lá bùa chúc tụng điều may. Nay, chữ “phúc” có thể thấy ở khắp nơi như trên quả dưa hấu, hộp bánh mứt… 
Tản mạn về chữ 'Phúc' ngày xuân

Có mỗi một chữ thôi thế nhưng biểu hiện ra không biết bao nhiêu dạng thức. Lại nữa, “thế nhân đa cầu” nên phúc được cộng thêm nhiều biểu tượng khác để chúc tụng nhau trong những dịp lễ lạt. Chẳng thế mà, cụ Nguyễn Công Trứ khi xưa có đôi câu đối hóm hỉnh nhưng không kém phần tinh tế: “Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng “Bần” ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông “Phúc” vào nhà”.

Chiết tự về chữ “phúc”

Bàn về lối thực hành câu chữ, “phúc” cũng có đủ loại, thiên biến vạn hóa phong phú. “Phúc” viết theo lối chân, thảo, triện, lệ đã đành, lại còn có lối vuông (phương phúc tự), chữ tròn (đoàn phúc tự) hay có nhiều đồ án biểu tượng “Ngũ phúc lâm môn” (Ngũ phúc này hàm ý là Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh) cho đến “Bách phúc” (100 chữ phúc). 

Về mặt tâm linh, thời phong kiến, vào dịp đầu xuân, nhà nhà thường dán bốn chữ “Thiên quan tứ phúc” (天观四福) tại nơi trang trọng nhất, nghĩa là “Trời ban phúc cho mọi người vào đêm Nguyên tiêu 15 tháng Giêng âm lịch”. Có người còn dán trước cửa ra vào một tấm trang kim màu đỏ in bốn chữ “Ngũ phúc lâm môn”, có nghĩa là: năm điều hạnh phúc đã đến nhà.

 Sách “Tân luận” của Hoàn Đàm đời nhà Hán bên Trung Quốc có cắt nghĩa rằng: “Ngũ phúc” người ta thường nói gồm thọ, quý, an lạc (yên vui), tử tôn chúng đa (đông con nhiều cháu). Ngoài ra, cũng có ý kiến khác nói, ngũ phúc là sống lâu, giàu có, khang ninh, đức lâu bền, tận hưởng tuổi trời. 

Sự thiên biến vạn hóa của chữ này còn thấy được trong tự điển Hán ngữ. Từ điển này ghi chép hơn 100 từ có chữ “phúc” đứng đầu ghép với hai, ba, bốn chữ khác tạo thành danh từ hay thuật ngữ rất phong phú nói về con người, sự vật, thế gian… Vì vậy, trong dân gian xưa nay “phúc” được rất được ưa chuộng, có thể đứng đầu hoặc đứng giữa để đặt tên cho đình chùa, đền miếu, làng xã, địa phương, cửa hàng buôn bán, kinh doanh qua các cái tên kiểu Thiên phúc tự (Chùa Thiên Phúc), làng Vạn Phúc, Phúc Yên… 

Hành trình khiến “phúc” biến hoá thành phước

Ngày nay, trên nhiều vùng miền nước ta, đặc biệt khu vực phía Nam không ít người đều gọi phúc thành “phước”. Nói cách khác, phúc và phước là đồng nghĩa dị âm. Chính âm là phúc. Biến âm thành phước. Xét về sự biến âm này phần nào có thể thấy trong lịch sử. Theo đó, nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận hiện tượng “viết chệch, đọc lệch” xuất hiện do kiêng húy. 

Chữ phúc bị kiêng, thoạt tiên từ thời Tây Sơn. Trong cuốn Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) có đoạn: “Xã tôi xưa gọi là Long Phúc, vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, nên đổi gọi là Long phú”. Vậy là phúc biến thành phú, tức thay hẳn cả chữ lẫn nghĩa. Còn phúc biến thành phước thì giữ nguyên chữ nghĩa, chỉ đổi âm, thực sự phổ biến kể từ năm Quý Mùi 1883 - thời điểm một vị hoàng tử tên Ưng Đăng lên ngôi vua nhà Nguyễn, chọn niên hiệu Kiến Phúc.

Dù đây không phải là trọng húy được triều đình chuẩn định ban bố, song từ hoàng thân quốc thích đến quan quân, thứ dân thảy đều gọi kiêng. Dòng họ Nguyễn Phúc được đọc lệch ra là Nguyễn Phước. Sự kiêng húy này còn ăn sâu bám rễ hơn thông qua cách biến đổi Phúc - Lộc - Thọ biến thành Phước - Lộc - Thọ của dân gian. 

May phúc thành may phước. Phúc đức thành phước đức. Diễm phúc thành diễm phước… Tuy nhiên, do không phải trọng húy mà chỉ là khinh huý, nên sự biến âm đã diễn ra không triệt để. Vì thế, trong Việt ngữ hiện nhiều trường hợp phước đều có thể thay thế hoàn toàn cho phúc. Ví dụ, hạnh phúc, phúc đáp, phúc âm…

Riêng về “phúc”, trong dân gian cũng có muôn hình, muôn vẻ chuyện kể lưu truyền. Chẳng hạn, ở Trung Quốc từ xưa đến nay luôn có tục treo chữ “phúc” ngược gọi là “phúc đảo”. Bởi họ quan niệm, cụm từ “phúc đảo” đồng âm với “phúc đáo”, tức “phúc đến nhà”. Đó là sự cầu mong quan trọng vào dịp năm mới.

Truyền thuyết này ghi lại rằng: Có một ông vua vào đêm 30 tháng chạp vi hành xem xét cảnh dân tình ăn Tết ra sao, thấy nhà nọ treo lồng đèn kéo quân trên đó vẽ cảnh tượng chế nhạo hoàng hậu. Vua giận lắm, bèn với tay treo ngược chữ “phúc” trước nhà người ấy, cốt đánh dấu đặng sáng mai sai quân cấm vệ đến bắt tội.

Khi trở về cung, hoàng hậu thấy vua có sắc mặt giận bèn gạn hỏi. Vua không giấu được liền kể lại sự việc. Hoàng hậu là người nhân từ nên sau đó truyền cho đám thái giám ra khỏi hoàng cung, bắt mọi nhà đều treo chữ “phúc” ngược lại. Chính nhờ đó, sáng ra quân cấm vệ không tìm được ai là người chơi đèn kéo quân nhạo báng hoàng hậu. Câu chuyện này được coi là khởi đầu của tục treo chữ phúc ngược. 

Kết

Người Việt mỗi dịp Tết thường chúc nhau câu “nhà có phúc” là ngầm mong cầu nhà có được cuộc sống bình yên, thanh thản, đặc biệt là có hậu vận tốt. Dĩ nhiên, đó là nỗi mong cầu nhưng để đạt được nó phải có quá trình tu dưỡng nhất định. Chẳng hạn, muốn được đức phải có phúc và ngược lại đức sẽ đem lại phúc, đó là quy luật. 

Ngày nay, khi kinh tế có chiều khởi sắc, dường như người ta ít đặt, hay lãng quên chữ phúc trong mối quan hệ với “đức” hay “thiện” (phúc đức, phúc thiện) mà thường đặt phúc trong mối quan hệ với chữ “đạt” (thành đạt) hay “lợi” (phúc đạt, phúc lợi). Hi vọng rằng dù lịch sử có thay đổi như thế nào đi nữa thì quan niệm về chữ phúc của dân tộc, của mỗi gia đình, của mỗi người Việt sẽ mãi mãi là “mã di truyền” tốt đẹp.