Tăng cường ƯDCNTT trong phổ biến, GDPL: “Một mũi tên trúng nhiều đích”

(PLO) - Gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Vì vậy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT) trong công tác PBGDPL mang tính tất yếu khách quan và sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.
Ảnh minh họa

Ngày càng chú trọng ƯDCNTT

Những năm qua, công tác PBGDPL luôn được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, coi đây là bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng, khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị với rất nhiều chủ trương, chính sách mới. Nhờ thực hiện tốt các chương trình, đề án về PBGDPL, quá trình đưa Luật PBGDPL vào cuộc sống được thúc đẩy, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, xây dựng lối sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội...

Nội dung PBGDPL ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu cuộc sống, với các vấn đề được quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Hình thức PBGDPL được đổi mới với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được chú trọng hơn như khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến... Tất cả các bộ, ngành đều có chuyên trang, chuyên mục phổ biến thông tin pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử.

Ở địa phương, có tới 49 Sở Tư pháp xây dựng, vận hành chuyên mục PBGDPL trên Trang thông tin điện tử của Sở và 4 Sở có riêng Trang thông tin điện tử PBGDPL độc lập. Một số bộ, địa phương (Công Thương, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Nam) đã tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; Bộ Y tế, tỉnh Đồng Tháp, một số đại biểu Quốc hội còn sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng facebook, fanpage để tăng tính tương tác...

Nhờ vậy, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác PBGDPL được thuận lợi, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo ra phương thức làm việc mới, lan tỏa đến đông đảo người dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật. Người dân cũng dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận thông tin về pháp luật, khai thác, sử dụng pháp luật để tham gia quản lý xã hội, thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc ứng dụng còn chậm; chưa tận dụng triệt để thành tựu của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để kết nối, khai thác, chia sẻ thông tin và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL trên môi trường mạng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư cho công tác này. 

Phấn đấu nhiều mục tiêu về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Nhằm khắc phục những bất cập trên, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành xây dựng Đề án “Đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021”. Theo Dự thảo Đề án đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Cụ thể là quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL và yêu cầu đổi mới, gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin phục vụ công tác PBGDPL; xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL; đa dạng hóa các hình thức, phương pháp PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...  

Từ đó phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu như đạt tỷ lệ 90% trở lên các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai các hoạt động PBGDPL chuyên ngành trên môi trường mạng; 100% các cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL chuyên ngành đều xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử hoặc xây dựng chuyên mục PBGDPL trên Trang thông tin điện tử; xây dựng các phần mềm đăng tải 100% các báo cáo, thống kê, số liệu về PBGDPL...

Bộ Tư pháp cho rằng, nếu triển khai thực hiện tốt được Đề án này, sẽ đem lại nhiều lợi ích mà nổi bật là giúp tích hợp, kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin pháp luật phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội, đảm bảo sự tương tác, thiết lập mạng xã hội - chính quyền để  người dân tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật, thiết thực giảm tải chi phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong công tác PBGDPL.

Góp ý vào Dự thảo Đề án, bà Mai Hà Uyên (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) nhận xét, nếu quy định các bộ, ngành xây dựng các cổng/trang riêng sẽ là quá nhiều, do đó cần lồng ghép hoặc có cơ chế liên thông giữa các cổng/trang này. Nhất trí với quan điểm này, đại diện Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, điểm hạn chế nhất hiện nay là khả năng kết nối các bộ, ngành với nhau nên mong Bộ Tư pháp có giải pháp để kết nối, liên thông được các cổng/trang thông tin điện tử.

Đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng phòng Pháp chế Nguyễn Đình Thơ quan niệm, điều cốt yếu vẫn là nội dung tuyên truyền, phổ biến, còn công nghệ thông tin chỉ là cách để truyền tải. Dẫn chứng một số bộ phim rất nóng hiện nay như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… chính là nhờ mạng xã hội, ông Thơ khuyến nghị cần tận dụng lợi thế mạng xã hội (twitter, zalo, face bool), “chứ nếu đưa lên Cổng/Trang thông tin điện tử các bộ, ngành sẽ ít người truy cập”.