Tạo mạng lưới đưa thành quả phát triển đến mọi người dân

(PLVN) - Bộ LĐTBXH phải tăng cường phối hợp, điều phối không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị mà đặc biệt với các tổ chức xã hội, DN, cá nhân có lòng hảo tâm để tạo thành mạng lưới đưa thành quả của sự phát triển đến được với mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành LĐTBXH đã có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường xuyên. Ảnh: Đình Nam/VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành LĐTBXH đã có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường xuyên. Ảnh: Đình Nam/VGP

Đây là một trong những yêu cầu được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021, sáng 11/1.

Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả Bộ LĐTBXH đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua là rất toàn diện, đáng khích lệ. 

Là cơ quan mang tính đầu mối, Bộ LĐTBXH có vai trò vô cùng quan trọng trong phát hiện, tổng hợp, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, “điểm tựa kết nối” tất cả các lực lượng cùng chung tay xây dựng và triển khai chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, phát triển nguồn nhân lực…

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam duy trì tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới, và đáng quý hơn là chúng ta dành thành quả phát triển cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người có công.

Phó Thủ tướng nhắc lại, từ năm 2015, khi Việt Nam tham gia Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 với 17 nhóm mục tiêu, 169 mục tiêu cụ thể, từ duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường đến đầu tư và chăm lo cho con người… Những điều đó rất gần với lý tưởng, đường lối xây dựng Chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Kể từ khi Liên Hợp Quốc khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 88. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68. Năm 2018 là đứng thứ 57. Năm 2019 đứng thứ 54. Và với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người đang đứng thứ ngoài 100. Đây là thành quả nỗ lực phấn đấu liên tục hàng chục năm của chúng ta. Và càng ngày thế giới càng thấy rõ định hướng phát triển theo con đường Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là rất đúng.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành LĐTBXH đã có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường xuyên. Điển hình là việc đổi mới trong xét công nhận hồ sơ người có công. “Đây là việc rất nhân văn. Bởi vì chiến tranh đã qua rất nhiều năm nhưng có những hồ sơ về liệt sĩ đã hy sinh gần 100 năm. Hay lần đầu tiên Bộ LĐTBXH đã xây dựng cổng thông tin về liệt sĩ, sắp tới sẽ mở rộng ra người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ của Bộ LĐTBXH", Phó Thủ tướng nói.

Ngành LĐTBXH cũng rất chủ động giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh, đặc biệt trong năm 2020 với những vấn đề “chưa có trong tiền lệ” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và đón người hết hạn về nước; góp phần giữ ổn định ở mức tương đối hoạt động sản xuất của các DN; đưa những gói hỗ trợ của Nhà nước đến những đối tượng bị ảnh hưởng nhanh nhất có thể; khắc phục hậu quả “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ở miền Trung trong tháng 10, tháng 11/2020.

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021.
 Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng thêm lòng tin của người dân vào các chính sách nói riêng, vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Bên cạnh các nguồn lực, chương trình mục tiêu, chính sách, chế độ thường xuyên hàng năm, gói hỗ trợ đột xuất của Nhà nước, còn có sự đóng góp không thể thiếu của các tổ chức xã hội, những người có tấm lòng thiện nguyện.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, tới đây, Bộ LĐTBXH phải tăng cường phối hợp, điều phối không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị mà đặc biệt với các tổ chức xã hội, DN, cá nhân có lòng hảo tâm… để tạo thành mạng lưới đưa thành quả của sự phát triển đến được với mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rà soát lại toàn bộ các chương trình, chế độ, chính sách, từng bước nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên, không thường xuyên; mở rộng diện chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện; xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý từ đó “lọc ra chính sách mới”.

Nhấn mạnh yêu cầu “đất nước muốn phát triển tốt phải có hệ thống an sinh xã hội tốt”, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.

“Từ kinh nghiệm giao chỉ tiêu cho địa phương như khi phát triển bảo hiểm y tế, hay thí điểm kết hợp với Bưu điện đã cho kết quả bước đầu rất tốt. Có nghĩa nếu chúng ta mạnh dạn thì có thể làm được. Quan trọng là phải thay đổi thói quen của người dân từ tự tiết kiệm sang tham gia hệ thống bảo hiểm từ những gói bảo hiểm có giá trị thấp trong một số năm”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Từ câu chuyện về thứ hạng giáo dục phổ thông của Việt Nam xếp dưới 40, giáo dục đại học đứng thứ 67, Phó Thủ tướng mong muốn lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đà đổi mới, tiến bộ những năm vừa qua. “Làm sao giáo dục nghề nghiệp phải đuổi kịp giáo dục đại học. Đây là việc rất khó nhưng các đồng chí phải đặt mục tiêu quyết tâm trong nhiệm kỳ mới”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường nhìn vào chất lượng nguồn nhân lực, từ công nhân lành nghề, kỹ sư đến những người làm ở phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu…

Để thực hiện được điều đó, Bộ LĐTBXH phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng, thực hiện hàng loạt chính sách như phân luồng từ bậc THCS; cơ chế để học sinh, sinh viên trường nghề có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học; tháo gỡ vướng mắc để những chuyên gia, lao động lành nghề có thể tham gia giảng dạy…

Điểm cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTBXH phải đổi mới mạnh mẽ công tác cai nghiện, đặc biệt là khi cả thế giới vẫn chưa có liệu trình điều trị, cai nghiện hiệu quả đối với người nghiện ma túy tổng hợp về mặt y học một cách chính thống; siết chặt quản lý các cơ sở cai nghiện tập trung. “Các đồng chí phải đổi mới rất mạnh mẽ công tác cai nghiện nếu không sẽ có di hại rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Đọc thêm