Hiện, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đã kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai, gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương. Các địa phương cũng có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, tại Quảng Bình, bão số 13 gây mưa to kèm gió lớn đã làm 14 người bị thương khi tham gia gia cố, chằng chống nhà cửa, cơ quan công sở. Đặc biệt, sức gió rất mạnh của cơn bão đã khiến 1.900 nhà bị tốc mái, hư hỏng (huyện Bố Trạch 1.197 nhà; thị xã Ba Đồn 666 nhà…).
Ngoài ra, có 15 điểm trường học, 10 nhà văn hóa, 1 trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng. Bão cũng làm 15 tàu đánh cá bị chìm và hư hỏng; hơn 1.000m kè ở huyện Quảng Trạch và 1.000m kè ở huyện Bố Trạch bị sạt lở; đập Hồ Khe Nậy thuộc thị xã Ba Đồn bị hư hỏng nặng…
Tại Quảng Trị, bão làm bị thương 7 người, hư hỏng hơn 600 trạm biến áp (tại 55 xã), làm gián đoạn cung cấp điện; hơn 700 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; nhiều cây xanh gãy đổ (trong đó có gần 60 ha cao su).
Bão số 13 cũng đã gây sạt lở, kéo sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân ven biển thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Rất may thời điểm đó người dân đã kịp thời sơ tán tránh bão. Theo người dân khu vực này thì chưa khi nào xảy ra một đợt sạt lở lớn như vậy vì chỉ sau 1 đêm, khoảng 6km bờ biển Gio Hải (gồm cả kè biển) đã bị cuốn trôi
Với sức gió rất mạnh, bão số 13 đã khiến hơn 1.000 ngôi nhà cùng nhiều trường học tại Thừa Thiên - Huế bị tốc mái và nhiều cây xanh ngã đổ. Các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi bão số 13 quét qua. Chỉ riêng tại huyện Phú Vang, đã có 2 tàu bị đứt neo và 9 tàu bị sóng đánh chìm.
Hiện người dân cùng lực lượng tại địa phương đang tích cực khắc phục sự cố tàu mắc cạn. Đến hôm qua, một số nơi của tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn có mưa trên diện rộng. Lũ trên các sông lớn như sông Hương, sông Bồ vượt trên mức báo động 2. Nhiều vùng vừa bị bão tác động, lại chịu thêm nguy cơ ngập lụt gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt, đời sống của người dân…
Trước những thiệt hại nặng nề liên tiếp xảy ra với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 3 địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ (Quảng Nam 20 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế 20 tỷ đồng; Quảng Trị 40 tỷ đồng).
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để phân bổ, quản lý sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để cùng với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, trong ngày 17/11, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đã cơ bản xử lý, khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của bão số 13 để cấp điện trở lại cho người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão.
Trước đó, các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện khôi phục toàn bộ phụ tải bị ảnh hưởng, cấp điện trở lại cho khách hàng bị ảnh hưởng bão số 13. Đến sáng 17/11, chỉ còn 4 xã/phường tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chưa được cấp điện trở lại.
* Hướng về khúc ruột miền Trung khó khăn, tan hoang sau trận bão lũ, rất nhiều tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền đất nước vẫn tiếp tục quyên góp, sẻ chia với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ngày 17/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận số tiền trên 50 triệu, nâng tổng số tiền quyên góp tới thời điểm này lên 15 tỷ đồng.
Cùng ngày, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác của Bộ Công an đã đến trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam thăm hỏi, đồng thời hỗ trợ 1,5 tỷ đồng trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân cho tỉnh Quảng Nam.
Nhân dịp này, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng - Bộ Công an cũng đã trao tặng 200 triệu đồng hỗ trợ người dân Quảng Nam khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời tiếp nối chuỗi hoạt động Vì miền Trung thân yêu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa có chuyến công tác và ủng hộ miền Trung vào trung tuần tháng 11/2020.
Tới Quảng Bình, đoàn công tác đã hỗ trợ cho tỉnh 800 triệu đồng và 500 tấn xi măng. Riêng tại xã Tân Hóa, đoàn đã trao 100 suất quà (mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt) và nhu yếu phẩm cho 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Để hỗ trợ nhân dân Hà Tĩnh khắc phục khó khăn sau lũ lụt, đoàn công tác và các đơn vị tài trợ đã trao tặng tỉnh Hà Tĩnh 800 triệu đồng và 500 tấn xi măng; trao 100 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng lũ lụt.
Tại Nghệ An, đoàn công tác và các đơn vị tài trợ đã trao hỗ trợ huyện Thanh Chương 500 tấn xi măng; trao quà cho khu dân cư thôn 1, xã Thanh Lâm và 100 hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt ở các xã Thanh Lâm, Thanh Giang.
Cũng tại Nghệ An, Công ty CP Eurowindow đã phối hợp cùng Hội Doanh nhân Thanh Chương và Câu lạc bộ Sao Đỏ trao tặng 700 suất quà với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở 7 xã trên địa bàn huyện, với mong muốn san sẻ một phần khó khăn, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.