Tàu Halong Express: "đắp chiếu" chờ "an táng"

Vận hành được chưa đầy 2 tháng sau ngày khai trương, đoàn tàu HaLong Express đã phải đắp chiếu. Suốt hơn 1 năm nay, con tàu  từng được mệnh danh là “Boeing mặt đất” tá túc tại khuôn viên Cty xe lửa Gia Lâm làm bạn với nắng mưa và cỏ dại…

Vận hành được chưa đầy 2 tháng sau ngày khai trương, đoàn tàu HaLong Express đã phải đắp chiếu. Suốt hơn 1 năm nay, con tàu  từng được mệnh danh là “Boeing mặt đất” tá túc tại khuôn viên Cty xe lửa Gia Lâm làm bạn với nắng mưa và cỏ dại…

Cái chết được báo trước

Đoàn tàu khách chất lượng cao mang tên HaLong Express được Cty đường sắt Dongrim (Hàn Quốc) đầu tư vốn 100%. Tận dụng những toa xe tàu điện ngầm (metro) đã sử dụng trên 20 năm tại Hàn Quốc, Cty Dongrim đã đưa sang VN lô đầu tiên gồm 6 toa xe chạy trên khổ đường 1.435 mm. Sau đó, Dongrim đã thuê Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT thiết kế cải tạo hết 70.000 USD (đã thanh toán 20.000USD), thuê Cty xe lửa Gia Lâm hoán cải toa xe hết 300.000 USD.

Con tàu “triệu đô” đã gấp rút khai trương trong tháng 4/2009 để kịp quảng bá và đón khách dịp 30/4- 1/5/2009. Được giới thiệu là “Boeing đường sắt” với toàn bộ các toa xe được nhập từ Hàn Quốc, trong toa có màn hình LCD âm thanh nổi, máy điều hòa không khí siêu êm, khu vệ sinh lịch sự, quầy mini bar sang trọng, “Boeing đường sắt” còn được quảng bá thân thiện với môi trường, du lịch tốc độ cao và “siêu an toàn”, nên trong giai đoạn đầu sau khai trương, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, tàu HaLong Express đã thu hút khá đông khách du lịch. Thế nhưng ngay trong dịp “đắt khách” hiếm hoi đó, không ít khách hàng đã phàn nàn về chất lượng dịch vụ không như quảng bá.

Thêm vào đó là sự bất tiện khi sử dụng phương tiện này bởi nếu đi ôtô từ Hà Nội- Quảng Ninh chỉ mất hơn 2 giờ nhưng đi bằng tàu Ha Long Express phải mất tới 5 giờ, chưa kể hành khách phải đi từ Hà Nội sang ga Gia Lâm, hoặc đến Hạ Long phải mất thời gian bắt ô tô đi  Tuần Châu, Bãi Cháy. Tàu chất lượng cao nên giá vé cũng không bình dân, nhất là có sự phân biệt giữa khách nước ngoài với khách trong nước (15 USD với người nước ngoài và 5 USD với người Việt) trong khi khách du lịch chủ yếu là người nước ngoài. Số lượng hàng khách cứ thế thưa dần, tàu có sức chứa 300 khách song có chuyến chỉ có 3-4 khách. Kết cục, “Boeing đường sắt” đã không cầm cự được đến dịp lễ 2/9 - sau 35 chuyến hoạt động kể cả chạy thử, HaLong Express phải ngừng hoạt động.


Xã hội hóa - Không dễ!

Luật Đường sắt VN có hiệu lực từ năm 1996, cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác vận tải đường sắt. Từ đó đến nay đã có gần 20 đầu mối tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác vận tải trên đường sắt theo chủ trương xã hội hóa. Sự có mặt của họ đã tạo sự cạnh tranh và đem đến nhiều thành công tại nhiều tuyến đường sắt như: SaPa, Nha Trang, Vinh, Hải Phòng...

Tuy nhiên, là vận tải đường sắt lĩnh vực kinh doanh khó, đặc thù và đòi hỏi đầu tư lớn (chỉ riêng chi phí đóng hoặc cải tạo một toa xe đã vào khoảng từ 2-4 tỷ đồng), thêm vào đó, các đoàn tàu phải phụ thuộc vào quy trình nghiêm ngặt trong khi cơ sở hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế…  Việc HaLong Express thất bại cũng không phải là chuyện bất ngờ.

Mổ xẻ việc đầu tư này, một số chuyên gia kinh tế vận tải đường sắt cho rằng Cty Dongrim quá “ảo tưởng” về dự án khai thác 300 toa xe đã thanh lý tại Hàn Quốc để đưa vào sử dụng tại VN. Rõ ràng công tác nghiên cứu thị trường của Dongrim là bài học quý cho các nhà đầu tư sau này. Nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi không có các nghiên cứu độc lập mà lại dựa vào kết quả các dự án nghiên cứu về chiến lược GTVT trước đó với những con số trên giấy về nhu cầu hành khách đi lại trên tuyến đường sắt phía Đông (Hà Nội- Quảng Ninh). Mục tiêu đón đầu lượng hành khách du lịch từ Hà Nội xuống Hạ Long đã không thể thành hiện thực khi dự án tuyến đường sắt được quảng bá là hiện đại nhất VN (Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân) cứ kéo dài năm này qua năm khác, không biết khi nào thì có thể đưa vào khai thác trong bối cảnh thiếu vốn, nhà thầu rút quân hoặc thi công cầm chừng như hiện nay.

Không thể "an táng"

Để tàu lăn bánh, mỗi chuyến Dongrim phải trả phí thuê đầu máy kéo 20 triệu đồng, chưa kể chi phí trả lương cho nhân viên và nhiều chi phí khác… Phương án mà nhà đầu tư này chọn là “đắp chiếu”. Hiện tại “Boeing đường sắt” vẫn đang tá túc tại  Cty xe lửa Gia Lâm với chi phí 7 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí 8.000 USD/tháng cho việc thuê văn phòng, thuê trông 6 toa xe, thuê phiên dịch... Cũng đã có nhiều gợi ý phương án cứu con tàu “triệu đô” này, như Cty Dongrim có thể hoán cải ép trục bánh xe từ 1435mm thành xe 1000mm để hoạt động sang tuyến khác có hiệu quả hơn, chẳng hạn Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Huế.... Song tất cả đều “bó tay” khi Cty mẹ của Cty Dongrim không có tiền để bơm thêm vốn trong khi cũng không đồng ý cho “con” được tuyên bố phá sản.

Phương án được xem là hợp lý hơn cả là cho Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội thuê để khai thác trên các tuyến hiện đang đông khách, thế nhưng khi số nợ 350.000 USD (trả cho Cty Tư vấn Đầu tư và Xây dừng GTVT và Cty xe lửa Gia Lâm) chưa được giải quyết thì Cty Dongrim rõ là không tài nào đem được đoàn tàu ra khỏi cổng nhà máy… 

Câu chuyện đoàn tàu HaLong Express gợi nhớ tới câu chuyện tàu Hoa Sen của Vinashin. Thiệt hại của nhà đầu tư đã rõ, song không phải TCty Đường sắt VN không mất gì. Nhìn vào “tấm gương” xã hội hóa này người ta có thể thấy còn lâu dịch vụ vận tải đường sắt VN mới được cải thiện…

Tô Tô
 

Đọc thêm