Tây Nguyên mùa con ong làm mật…

(PLVN) - Tháng ba là thời điểm đẹp nhất của Tây Nguyên. Trời xanh trong vắt như đáy mắt nàng thiếu nữ Ê đê xinh đẹp; nắng và gió thì dịu dàng mà hào phóng như tâm hồn khoáng đạt của những người con nơi đại ngàn. 
Bạt ngàn rẫy cà phê trổ bông trắng muốt, thơm ngát đất trời Tây Nguyên
Bạt ngàn rẫy cà phê trổ bông trắng muốt, thơm ngát đất trời Tây Nguyên

Mọi năm thời điểm này khi mùa màng đã xong, các dân tộc ở Tây Nguyên tưng bừng vào mùa lễ hội. Năm nay dù các lễ hội không được tổ chức, Tây Nguyên e dè, thu mình ứng phó trước đại dịch nhưng không vì thế mà ngăn cản được những bước chân những du khách lẻ say đắm với vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn…

Đến thời điểm này, có thể nói Tây Nguyên vẫn an toàn, an nhiên trước đại dịch Covid-19 trong khi các địa phương đang căng mình chống dịch. Du lịch Tây Nguyên vẫn có khách ghé thăm. Vùng đất Tây Nguyên bao la, bạt ngàn nắng gió với không khí tuyệt vời của thời tiết chớm hạ mát mẻ, trong lành. 

 

Tây Nguyên là vùng đất huyền thoại, vùng đất của thơ và nhạc. Tháng ba Tây Nguyên được mệnh danh là mùa con ong đi lấy mật. Hiểu theo nghĩa bóng bẩy thì đây là mùa của ngọt ngào, mùa của hạnh phúc - tình yêu. Nhưng thực tế, câu này cũng nhằm tả thực.

Tháng ba về, Tây Nguyên bạt ngàn hoa cà phê trắng muốt khắp các sườn rẫy, các thung lũng. Đất trời Tây Nguyên như được ướp làn hương thanh mát, trong trẻo của hoa cà phê. Đây là thời điểm các đàn ong mật  chăm chỉ miệt mài làm mật...

Tại Đắk Lắk, ngoài những vườn cà phê ngát hương, còn có cây Kơ-nia cổ thụ nổi tiếng trong bài hát “Bóng cây Kơ-nia” ngay tại Buôn Ma Thuột. 

Và hoa cà phê bát ngát các triền rẫy cho những đàn ong say sưa làm mật
Và hoa cà phê bát ngát các triền rẫy cho những đàn ong say sưa làm mật  

Tháng ba cũng là mùa hoa gạo ở Tây Nguyên, có điều, đồng bào Tây Nguyên không gọi là hoa gạo hay mộc miên như người Kinh mà gọi mùa hoa Pơ-lang nở.

Cùng với cây Kơ-nia, Pơ-lang dường như đã trở thành biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, được  đi vào thi ca, nhạc họa nhiều nhất. Có thể kể đến những bài ca đi cùng năm tháng như bài Quê hương ơi, Tây Nguyên ơi, Đăkrong mùa xân về, Em là hoa Pơ-lang…

Hoa Pơ-lang huyền thoại loài hoa đặc trưng của tháng ba cao nguyên
Hoa Pơ-lang huyền thoại loài hoa đặc trưng của tháng ba cao nguyên  

Hoa pơ-lang là biểu tượng về người con gái Tây Nguyên khỏe khắn, rạng ngời của vùng đất ba zan màu mỡ. “Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”…

Khu du lịch Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) cũng là một điểm đến hút khách mùa này. Buôn Đôn với nghề nuôi dưỡng và thuần chủng voi, hay Buôn Ako Dhong - một không gian văn hóa truyền thống với những lời ca, điệu nhạc đầy hấp dẫn, mang đậm nét đẹp của đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ. 

Vùng đất huyền thoại này cũng hấp dẫn du khách bởi những dòng thác hùng vĩ, thơ mộng
Vùng đất huyền thoại này cũng hấp dẫn du khách bởi những dòng thác hùng vĩ, thơ mộng  

Tây Nguyên là miền đất sở hữu nhiều thác hùng vĩ bậc nhất của Việt Nam. Một địa điểm du khách không nên bỏ lỡ là thác Krong Kmar nằm dưới chân dãy núi Chư Yang Sin, cách trung tâm huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) chừng khoảng 2 cây số có 3 tầng, những khối đá chất chồng lên nhau tạo ra những tầng bậc và kết nối tạo thành những hồ chứa nước ở mỗi tầng. Thỉnh thoảng, có vài chú voi nhà đi ngang qua và thong thả dừng lại uống nước.

Cuộc sống hoang sơ, trong lành dường như diễn ra rất chậm… Bỏ lại những lo âu, bất an vì bệnh dịch rình rập, và biết bao những bộn bề lo toan, những áp lực của cuộc sống, nhịp sống chậm giữa đại ngàn là một trải nghiệm quý giá mà bất cứ ai cũng phải ước mơ…

Đọc thêm