Tên đường và tầm nhìn quy hoạch

(PLVN) - Dư luận những ngày qua bàn tán sôi nổi câu chuyện tên đường. Khởi nguồn từ chuyện Sở VH&TT TP HCM đưa ra báo cáo tại địa phương này có 38 con đường sai tên. 
Tên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 đúng ra phải là Ngô Thì Nhậm.

Nguyên nhân có nhiều: Từ phương ngữ mỗi địa phương khác nhau, sơ suất khi làm biển tên, hay thậm chí sai chính tả… Sở VH&TT đề xuất chỉ sửa lại cho “chuẩn” 19 tên đường, còn 19 tên đường dù có sai sót nhưng đã tồn tại đã lâu, đã đi vào tiềm thức người dân, thì cứ cho cái tên sai ấy tồn tại.

Các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, chuyên gia đô thị, người dân sôi nổi vào cuộc bàn tán. Người đồng tình, người phản đối. Nhưng có một chi tiết ít được dư luận chú ý đến. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu tên đường đã đưa ra một con số: Trong 3 năm, nhóm đã rà soát gần 1400 tên đường tại TP HCM và hiện địa phương này còn có tới 1700 con đường hoặc chưa có tên, hoặc được đặt “tên tạm”, “vô thưởng vô phạt”…

Nói cách khác, TP HCM có ít nhất 3000 con đường đã hoặc cần phải đặt tên. Như vậy liệu có đủ số danh nhân để làm tên đường? Hay rồi sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng đau đầu tìm nhân vật lịch sử đủ điều kiện đặt làm tên đường? Cũng rất có thể xảy ra việc lấy những tên người còn có tranh cãi lịch sử, dẫn đến những tranh luận không cần thiết.

Nhìn ra nước ngoài, ở Mỹ, đường phố ít lấy tên các anh hùng, danh nhân. Tại Washington, người ta chia TP này làm tư, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc và Đông Nam bằng hai trục đường cắt ngang đồi Capitol. Chỉ cần nói rằng nhà anh ở phía nào, đã mường tượng ra được một cách tương đối.

Ở cả hai phía theo hướng Đông - Tây, các con phố được đánh theo số thứ tự từ bé tới lớn tính từ trục cắt tòa nhà Quốc hội. Còn theo hai hướng Nam - Bắc, các con phố được đánh thứ tự theo ABC cũng tính từ trục cắt qua nhà Quốc hội.

Cách đánh tên đường ấy giúp cho ai đó đang đứng ở giữa ngã tư của đường H với phố 12 có thể biết rằng phố 20 là ở phía trước mặt họ và phố 5 là ở sau lưng (hoặc ngược lại).  

Khi đã sử dụng hết bảng chữ cái, thì những đường phố gắn với những cái tên cụ thể nào đó cũng theo thứ tự ABC, như sau phố W là phố Adam, rồi Bryant, Channing...

New York, TP không ngủ với hệ thống đường phố chằng chịt cũng có quy tắc đánh tên đường tương tự. Trong lịch sử, cách đặt tên đường bằng chữ số và chữ cái từng bị phản đối là đơn điệu, cứng nhắc, nhưng thực tế nhiều thập kỷ qua đã cho thấy sự tiện lợi của nó, muốn lạc đường cũng khó.

Ở nước ta, trong quy chế đặt, đổi tên đường phố ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP, mục đích được nêu ra là “thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội”; và “đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế”. Trong quy chế này không thấy nhắc đến việc đặt tên đường là số, hay cụm chữ và số, nên xưa nay tên đường “chuẩn” ở Việt Nam đều là tên người, có khi rất khó nhớ nếu không phải là một danh nhân anh hùng thực sự nổi tiếng.

15 năm đã qua từ khi quy chế trên ra đời. Thực tế nhiều đô thị ở nước ta phát triển nhanh như vũ bão, cũng đặt ra vấn đề có cần phải học hỏi những kinh nghiệm hay trong quản lý đô thị của nước ngoài, ngay từ cách đặt tên đường? Đừng nói tên đường là “chuyện nhỏ”. Đó thậm chí là một khía cạnh tầm nhìn quy hoạch.