Tết này được ghi nhận sẽ là thời gian không vui đối với nhiều nhân viên các công ty chứng khoán.
|
Tái cơ cấu thị trường chứng khoán, hàng trăm nhân viên có nguy cơ mất việc. Ảnh chỉ có tính minh họa |
Phụ trách nhân sự cũng… thất nghiệp
Có thâm niên gần chục năm làm phụ trách nhân sự của Cty Chứng khoán L., chị H. đã chứng kiến nhiều cuộc thăng trầm trên thị trường chứng khoán. Chị cũng đã từng nỗ lực “giành giật” nhân sự khi thị trường chứng khoán phát triển nóng, Cty chứng khoán mọc nhanh như nấm mà nhân sự thì cung không đủ cầu. Chị cũng đã từng đau đầu nghĩ phương án “nói lời chia tay” thế nào với những nhân viên sẽ phải từ giã Cty khi thị trường ảm đạm.
Thời điểm giữa năm, ngay trước khi nguyên tổng giám đốc bị bắt vì lạm dụng quyền hạn gây tổn thất cho Cty, chị H. đã phải thực hiện một lộ trình mà theo tâm sự của chị là “đầy tâm trạng” khi rút số lượng nhân viên của công ty từ khoảng 100 người xuống còn 20 người.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, Cty chứng khoán hầu như không còn hoạt động gì suốt cả năm, chị H. đã từng nhận được nhiều lời mời chào thoát ra khỏi “con thuyền đang đắm”, nhưng chị chia sẻ, là một người phụ trách nhân sự, hơn ai hết, chị phải cùng Cty giải quyết tồn tại này cho êm thấm trước khi “rút đi”. Sau khi lỗ thêm gần 13 tỷ đồng trong năm 2012, Cty Chứng khoán L. vừa công bố sẽ lấy ý kiến cổ đông để rút nghiệp vụ môi giới, xin thôi tư cách thành viên hai thị trường. Giờ đây, khi Tết nguyên đán đã cận kề, người mẹ của hai đứa con nhỏ lại đang phải đối mặt với tình trạng sẽ thất nghiệp từ ngay thời điểm nghỉ Tết.
Doanh nghiệp rời thị trường, người lao động đi đâu?
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2013, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin không vui về kết quả kinh doanh của ngành Chứng khoán. Trong số đó, có nhiều công ty chứng khoán thua lỗ liên tiếp và rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu kéo dài, báo hiệu nhiều khả năng ngay trong quý I này không ít Cty chứng khoán phải “rời” thị trường.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy, trong hơn 100 công ty chứng khoán trên thị trường, riêng năm 2012 có tới hơn 50% các Cty chứng khoán bị thua lỗ, nếu tính lỗ lũy kế thì con số lên trên 70%. Ủy ban đã đưa 11 Cty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 Cty vào diện kiểm soát. Đáng chú ý, có 4 Cty chứng khoán đã bị rút nghiệp vụ môi giới, mà đối với Cty chứng khoán, điều đó đồng nghĩa với rút giấy phép hoạt động, và Cty chứng khoán lúc này chỉ còn tồn tại pháp nhân để xử lý các khoản nợ.
Ngày 23/1 vừa qua, Chứng khoán Liên Việt (LVS) đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị, theo đó công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về việc chấm dứt tư cách thành viên trên hai Sở Giao dịch HoSE và HNX trong thời gian tới. Trước đó, Chứng khoán Âu Việt (AVSC) cũng đã thông qua nghị quyết của hội đồng quản trị về việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2013, trong đó có nội dung về việc xin hủy niêm yết và giải thể công ty...
Ước tính, nếu lộ trình tái cơ cấu tới đây thực hiện đúng theo kế hoạch mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra, thì ít nhất khoảng một nửa số Cty chứng khoán nhỏ và tầm trung được đưa vào “tầm ngắm”, và hàng trăm nhân viên các Cty này có nguy cơ mất việc làm khi Cty không còn hoạt động.
Bách Nguyễn