Tết của những cụ già mê lao động

17h chiều, cụ Nguyễn Trung Khánh (Thanh Oai, Hà Nội) loạng choạng đạp chiếc xe cà tàng trở về nhà sau buổi chợ ế ẩm. Tết năm nay bán chậm, ông lão 84 tuổi tính cố giải phóng nốt số chuối trong nhà để 28 Tết nghỉ.

17h chiều, cụ Nguyễn Trung Khánh (Thanh Oai, Hà Nội) loạng choạng đạp chiếc xe cà tàng trở về nhà sau buổi chợ ế ẩm. Tết năm nay bán chậm, ông lão 84 tuổi tính cố giải phóng nốt số chuối trong nhà để 28 Tết nghỉ.

17h chiều, cụ Khánh mới tan buổi chợ ế ẩm. Ảnh: Bình Minh.
17h chiều, cụ Khánh mới tan buổi chợ ế ẩm. Ảnh: Bình Minh.

Vẫn dáng vẻ lom khom, chân đất và bộ quần áo nâu, cụ Khánh (thôn bãi Trung Việt, xã Cao Viên, Thanh Oai) run rẩy với chiếc xe buộc hai chiếc sọt. Nhảy xuống để phanh xe lại, cụ lắc đầu ngán ngẩm: "Bán cố mãi mới hết".

Khác với ngày thường, cận Tết cụ không phải tất bật đi cắt chuối ở các vườn cách đó vài cây số. Trước đó cụ đã cắt sẵn rồi để trong bếp bán dần. Trời nóng, chuối chín nhanh nên cụ phải bán tháo để không lỗ vốn. Cụ tiếc rẻ, nếu trời lạnh, chuối giấm lâu sẽ ngọt hơn.

Ngồi xuống ghế nghỉ, cụ Khánh chia sẻ, buổi chợ hôm nay cụ mang đi 45 nải chuối, cả vốn lẫn lời chỉ được một triệu đồng. Chuối bán rẻ, có nải 100.000-150.000 đồng nhưng cũng có nải chỉ 30.000 đồng. Mọi năm, cụ đi chợ chuối xanh từ trước Tết khá lâu, nhưng năm nay mãi 24 tháng chạp âm lịch cụ mới túc tắc chở hàng đi bán.

Năm ngoái, chuối được giá nên trung bình mỗi buổi chợ cụ kiếm được khoảng 3-4 triệu cả vốn lẫn lời. Tiền bán chuối, cụ thoải mái sắm sửa và mừng tuổi các cháu.

Số chuối xanh này cụ định cố bán nốt để 28 Tết nghỉ. Ảnh: Bình Minh
Số chuối xanh này cụ định cố bán nốt để 28 Tết nghỉ. Ảnh: Bình Minh

Cụ Khánh tâm sự, mỗi dịp Tết, tiền sắm đồ của cụ cũng ngót nghét 3-4 triệu đồng. Con cái đủ đầy và muốn bố nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già nhưng ông lão vẫn muốn tự mình kiếm tiền để không làm phiền con cháu. Nhiều lần, con trai ở Hà Nội đón cụ lên phụng dưỡng nhưng chỉ được vài hôm, buồn chẳng có việc gì làm, cụ đòi về để đi bán chuối. Mỗi lần muốn đón bố, anh con trai này phải đặt lịch trước cả tuần bởi cụ phải dừng chặt chuối và sắp xếp buổi chợ.

Năm nào cũng vậy, cụ chỉ nghỉ vài ngày Tết. Đến mùng 4-5, cụ đã lại đạp xe lên Thanh Xuân, Hà Nội, bán chuối.

Không được "sung túc" như cụ Khánh, bà Nguyễn Thị Tính ở khu Trại Nhãn (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) vẫn lo ăn từng bữa. 27 Tết, nhà bà chưa sắm được thứ gì ngoài hai chiếc bánh chưng hàng xóm cho. Trong gian nhà chật hẹp, đứa con trai bệnh tật nằm đắp chăn, cháu trai ngồi gặm bánh còn bà ngồi nghỉ sau khi đi nhặt rác về.

Tết nên các cửa hàng thu mua phế liệu đóng cửa, bà đành chất số giấy vụn, lon bia một chỗ để ra giêng bán. Bà lão cho hay, không khác mọi năm, Tết năm nay bà chỉ dám mua vài lạng thịt rang mặn, nửa con gà để ăn qua ba ngày Tết và phải đợi 29 Tết mới mua. Số tiền độc giả VnExpress tặng, bà gửi tiết kiệm để phòng lúc con trai đi viện.

Bà Tính cùng hai đứa cháu trong căn nhà chưa có Tết. Ảnh: Bình Minh.
Bà Tính cùng hai đứa cháu trong căn nhà chưa có Tết. Ảnh: Bình Minh.

Sau bài viết "Bà lão 70 tuổi nhặt rác nuôi cháu ngoại" được đăng tải trên VnExpress, nhiều độc giả đã tới chia sẻ với bà Tính. Số gạo, mì tôm độc giả biếu, bà dặn con cháu không ăn lãng phí. Mùa đông năm nay, bà và con cháu ấm áp hơn khi được tặng chăn, quần áo. Bà vẫn áy náy khi chưa gửi lời cảm ơn tới "các bác, các cô, các chú" đã tới thăm, tặng quà.

28 Tết, căn lều không cửa của cụ Vũ Văn Chanh ở xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gió lùa vào se sắt. Cụ ông 93 tuổi ngồi co ro trên chiếc phản cũ cúi rạp tấm lưng còng, đôi bàn tay run run lần dở đùm gạo nếp mua cách đây ít ngày để chuẩn bị gói bánh chưng.

Hơn tuần nay, cụ Chanh vẫn ngày quảy gánh đồ nghề lên thành phố mài dao, tối về lại cặm cụi dọn dẹp nhà cửa. Căn lều nhỏ hai gian vốn là nền chuồng lợn cũ là nơi trú ngụ của cụ Chanh nhiều năm nay. Vài bộ quần áo cũ được cụ cẩn thận giặt sạch sẽ từ mấy ngày trước để mặc chơi Tết.

"Mình dù đói rách nhưng phải sống cho sạch không người ta cười chê cho. Cả năm bận rộn, nhếch nhác rồi, có vài ngày Tết cũng phải lo tươm tất để khỏi xấu hổ với xóm làng", cụ Chanh tâm sự.

Cụ Chanh chuẩn bị gạo để gói bánh. Ảnh: Lê Hoàng.
Cụ Chanh chuẩn bị gạo để gói bánh. Ảnh: Lê Hoàng.

Cụ Chanh bảo, năm nay ăn Tết tươm hơn những năm trước vì có chút tiền từ bạn đọc hảo tâm ủng hộ. Số tiền ấy được con cháu dành dụm gửi tiết kiệm cho cụ hưởng tuổi già. Gần đây, cụ ốm đau liên miên, thi thoảng lại vào viện điều trị. Song cứ khỏe hơn chút, cụ lại lên phố mài dao.

Tết Quý Tỵ này, cụ Chanh quyết định gói dăm tấm bánh chưng, mua thêm vài cân thịt và chút rượu ngon để mời mấy ông bạn già trong xóm qua xông đất rồi ăn Tết luôn.

Theo VnExpress

Đọc thêm