Mỗi khi Tết, xuân về, tâm trạng trông ngóng người thân, những đứa con xa nhà trở về sum họp luôn thường trực đối với bậc làm cha làm mẹ….
Vui vầy đón xuân mới. Ảnh minh họa |
Đã mấy năm rồi vắng bóng con
Bất kỳ ai đang làm cha, làm mẹ có những người con đang xa nhà đều mong đến Tết để được đón con cái trở về nhà. Chị Nguyễn Thị Duyên (phường Hồng Hà, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) có hai người con, một trai, một gái. Trong khi cô chị làm kế toán tại một Cty nước ngoài tại Hà Nội thì cậu em nối nghiệp bố vào ngành đường sắt, rong ruổi theo các chuyến tàu vào Nam, ra Bắc. Cả hai hầu như ít có thời gian về thăm nhà vào những ngày cuối tuần nên may ra chỉ có Tết là thời gian quý báu nhất cho cả gia đình sum họp.
Chị Duyên kể: “Đứa đầu thì thi thoảng còn về nhà được chứ thằng thứ hai thì chỉ điện thoại về thôi. Nhà vắng tiếng người vì cả ngày hai vợ chồng đi làm, tối về cũng chỉ có hai vợ chồng nên nhớ các con lắm!”. Chị Duyên tâm sự thêm: “Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ những 9 ngày, cả hai đứa đều gọi điện về bảo sẽ về nhà sớm hơn dự kiến. Đứa nào cũng bảo cuối năm nhiều việc lắm, thôi thì biết chúng nó đang thỏa chí ở bên ngoài, chỉ biết động viên các con cố gắng và giữ gìn sức khỏe mà thôi”.
Cũng giống tâm trạng của chị Duyên, bác Nguyễn Thị Hoa (trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn) có ba người con thì hai người con trai thường xuyên xa nhà, cô út đi học dưới Hà Nội. Tết này, bác chỉ mong các con đông đủ để mâm cơm tất niên đầm ấm: “Thằng lớn là chiến sĩ biên phòng đóng ở Ma Li Pho, Lai Châu, đã mấy Tết rồi có được ăn Tết nhà đâu, phải trực chiến nên không trách nó được. Thằng thứ hai lại là cán bộ của Viettel, hay đi theo các công trình xây lắp hạ tầng.
Vừa mới đây lại xung phong sang Haiti, hôm trước điện về bảo thuộc diện cán bộ được về nước ăn Tết nên tôi mừng quá. Đã mấy năm rồi mâm cơm tất niên thiếu cả hai thằng anh nên chỉ có vợ chồng tôi cùng cái út cúng ông bà tổ tiên. Có Tết thấy tôi khóc vì nhớ con, ông ấy lại mắng bảo có gì mà khóc, chúng nó lớn cả rồi, phải hoàn thành nhiệm vụ với Đảng và Nhà nước chứ. Biết là vậy nhưng làm mẹ, cả năm chúng nó đi công tác biền biệt, tôi không nhớ, không mong sao được”.
Câu chuyện “điển hình” của hai người phụ nữ là thế nhưng chắc hẳn, còn rất nhiều những người mẹ, người vợ khác mong ngóng chồng con trở về, sum họp gia đình sau bao ngày bôn ba, lặn lội làm ăn, công tác xa nhà.
Bữa cơm sum họp. Ảnh minh họa |
Òa khóc vì Tết này được về với mẹ
Tôi nhận được điện thoại của một người bạn thân công tác tại miền Nam cách đây vài ngày. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi ấy, cô bạn như gào lên vì vui sướng khi đã mua được vé tàu về quê ăn Tết sớm hơn dự kiến rất nhiều. Tôi rất hiểu niềm vui ấy của cô bạn vì năm nào cũng vậy, để sở hữu một tấm vé ra Bắc trong dịp Tết, không ít người phải ăn chực nằm chờ rất vất vả.
Chiếc vé của cô bạn tôi càng ý nghĩa hơn khi đã 3 năm nay, cô mới có thể về Tuyên Quang sum họp với gia đình. Tốt nghiệp một trường đại học ngoài Bắc, Hải xin gia đình vào Nam lập nghiệp. Vào làm tại một Cty liên doanh của Hà Lan, hai Tết liền cô khóc nhớ nhà vì bất ngờ thuộc diện phải đi công tác sang bên nước bạn. Hà Lan không có tết âm lịch như của ta nên bố mẹ ở nhà chỉ biết động viên Hải cố gắng.
Tết này được về nhà, Hải khoe với tôi: “Tớ đã đặt một chậu mai nhỏ, bọc hoa để nở đúng dịp Tết biếu bố mẹ rồi. Nó là quà đặc trưng của miền Nam. Hôm qua gọi điện về cho mẹ, báo là mình được về Tết sớm, cả hai mẹ con cứ khóc qua điện thoại, nói không nên lời”.
Trên trang facebook cá nhân của mình, một số cư dân mạng cũng chia sẻ cảm giác Tết đến gần và chuẩn bị được về sum họp với gia đình. Một bạn có tên gọi Én Xuân viết: “Cảm giác được về nhà chuẩn bị Tết cùng gia đình rất thích. Đây là năm đầu tiên mình xa nhà nên lại càng mong về nhà hơn”.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - một cán bộ của FPT - cũng bộc bạch: “Tết cổ truyền luôn chứa đựng nhiều nét văn hóa và truyền thống của dân tộc ta; trong đó, luôn đề cao chữ hiếu của con cái đối với bố mẹ. Được về quê ăn tết, sum họp với gia đình là điều ai cũng mong muốn. Càng đến những ngày như vậy, cảm giác đó càng thôi thúc bất cứ ai. Tết Nguyên đán cũng là dịp nghỉ lễ dài nên mọi người có thể thu xếp được công việc và thời gian nên không khí xuân, không khí Tết có lẽ nằm ở chỗ đó”.
Tại Cty của Tuấn Anh, vào những ngày cuối năm, tuy không khí làm việc hết sức khẩn trương và tập trung nhưng những lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi, chủ đề mua sắm quà Tết về biếu bố mẹ, ông bà luôn luôn được nhắc đến. Mọi người còn thảo luận nhiều điểm du lịch để đưa cả gia đình đi chơi, hái lộc cầu may.
Bạn Lê Thị Hà (Sinh viên Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì tâm sự: “Nhà có ba chị em thì cả ba đều đã thoát ly ra ngoài đi làm và đi học. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là bố mẹ lại gọi điện hỏi bao giờ thì được nghỉ, khi nào sẽ về nhà nên chúng em cũng mong ngóng về bên gia đình lắm! Năm nay, bọn em được nghỉ hơn chục ngày, về bên mẹ, thích nhất vẫn là được gói bánh chưng”….
Kết
Còn rất nhiều, rất nhiều những tâm trạng háo hức về bên gia đình mà chúng tôi không thể ghi chép hết được. Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc vì thế có một vị trí đặc biệt trong tâm linh của biết bao người con, biết bao thế hệ người Việt hàng ngàn năm nay, lưu giữ những mạch nguồn trong trẻo của đạo hiếu, của truyền thống đạo lý. Và ngoài kia, xuân đang về ấm áp trên khắp nẻo, nơi nơi…
Ghi chép của Uyên Lê