Tết đốt vàng mã – 'người âm' có nhận được không?

“Chúng ta sống hiếu thảo với tiên tổ, với ông bà cha mẹ là tốt. Nhưng đã là Phật tử thì chúng ta biết đốt vàng, đốt mã thực sự không có lợi ích! Chúng ta biết nó không có lợi ích nhưng do tập tục, ta đốt một tí cũng không sao. Đừng lạm dụng nó, đừng hiểu sai về nó là được”.
Tết đốt vàng mã – 'người âm' có nhận được không?

Những ngày lễ Tết không chỉ là khoảng thời gian gia đình được quây quần, sum họp sau một năm làm việc vất vả mà còn là dịp con cháu được báo hiếu gia tiên, tiền tổ, mong muốn những người đã khuất được về ăn Tết, đón mừng năm mới. Vào ngày 30 Tết, cả gia đình sẽ làm lễ cúng tất niên mời gia tiên về nhà ba ngày đón Tết cùng con cháu. Đến ngày mùng Ba, gia đình sẽ làm lễ hóa vàng để tiễn các cụ lại trở về nơi “âm cảnh”. Tuy nhiên tục lệ đốt vàng mã cho gia tiên dưới “suối vàng” được sử dụng có phải là cách báo hiếu đúng đắn không? Liệu người đã khuất có nhận được đồ chúng ta “gửi” hay không?.

Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thời vua chúa xa xưa, khi nhà vua sống thì có kẻ hầu, người hạ; đến lúc vua băng hà thì hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ, cho đến tiền của, vàng bạc, châu báu cũng phải chôn theo. Vì họ quan niệm rằng: khi sang thế giới bên kia thì vẫn làm vua và sống một cuộc đời như trên trần thế. Sau này, khi xã hội tiến bộ, văn minh hơn người ta đã nghĩ ra người giả gọi là hình nhân làm bằng giấy, đất sét, các chất bồi lên và ghi tên lên người hình nhân này để thay thế cho người sống.

Họ lấy tre, nứa đan thành thỏi vàng, làm vàng bạc châu báu rồi dán giấy vàng lên. Sau đó chôn số vàng bạc giả cùng người hình nhân này theo người chết. Một thời gian sau, họ thấy chôn như vậy không phù hợp thì lại nghĩ ra cách đốt, hóa những hình ảnh tượng trưng được làm bằng giấy. Từ đó tập tục đốt hóa vàng mã đã ra đời.

Đối với việc đốt vàng mã, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải theo quan điểm của nhà Phật: “Chúng ta sống hiếu thảo với tiên tổ, với ông bà cha mẹ là tốt. Nhưng đã là Phật tử thì chúng ta biết đốt vàng, đốt mã thực sự không có lợi ích! Chúng ta biết nó không có lợi ích nhưng do tập tục, ta đốt một tí cũng không sao. Đừng lạm dụng nó, đừng hiểu sai về nó là được”.

Theo lời Đại đức chia sẻ thì cách để người mất nhận được hưởng lợi ích là mỗi thành viên trong gia đình nên thực hành theo lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng: không sát sinh cúng tế sẽ được lợi ích. Trong ngày cúng Tất niên, cúng giao thừa, và cúng trong 3 ngày Tết, mỗi nhà nên làm mâm cơm cúng chay, làm phước, cúng dường Tam Bảo và hồi hướng cho ông bà tiên tổ thì các cụ được phước báu từ những việc làm lành thiện ấy.

Đọc thêm