Ngày ấy khi xuống tàu tập kết ra Bắc, rất nhiều cán bộ miền Nam trong đó có ba má tôi đã giơ hai ngón tay hẹn ngày trở về sau 2 năm nữa. Nhưng sự phũ phàng của chiến tranh, thế cuộc đã biến con số 2 ngắn ngủi đó thành những tháng ngày dài đằng đẵng của…
20 năm, với bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu hoài niệm của những người con miền Nam trên đất Bắc và của những ông bố, bà mẹ miền Nam khóc chờ con đến mờ cả mắt.
Má tôi nhớ bà ngoại. Có những đêm đang ngủ bà thảng thốt ngồi dậy, bật lên tiếng gọi: “Má ơi!” để rồi nước mắt chảy dài trong phần thời gian còn lại chờ sáng. Chiến tranh khốc liệt, nỗi nhớ thương của má, chẳng biết gửi gắm nơi nao, đành để cả vào những món ăn mang hương vị Huế, trong khả năng có thể.
Sở dĩ nói “trong khả năng có thể” vì ngày đó, miền Bắc nghèo lắm, miếng ăn, manh áo chỉ mong no, mong ấm, chứ nào dám mong ngon, mong đẹp.
Tết là dịp để má trổ tài món Huế, dù rằng nhiều nhất cũng chỉ đến hai món mà thôi. Bánh tét là món mà Tết nào gia đình tôi cũng có. Ngày còn nhỏ, tôi thường gọi nó là “bánh toét” khiến cả nhà cười lăn.
Trong tâm thức của người miền Trung, bánh tét có vị trí không khác gì bánh chưng ngoài Bắc, khác chăng cũng chỉ ở hình dáng và sự đa dạng của nhân bánh. Bánh tét Huế có hình dáng thuôn dài tương tự như cách gói giò của người Bắc. Trông thì đơn giản như gói bánh tét không hề dễ, vì phải gói, lăn sao cho nhân nằm ở giữa trục bánh tròn, buộc dây bánh cũng phải chặt tay.
Tôi còn nhớ phải đến ba, bốn cái Tết gì đó, các chị của tôi mới gói được cái bánh tạm thời giống bánh của má, còn lại thì trước đó đều là “bánh toét” cả. Thời khó khăn nên trước Tết hàng tháng, má đã tích dần nếp, đỗ để chuẩn bị cho nồi bánh.
Năm nào cũng vậy, cận Tết má lại đạp xe ra ngoại thành xin về một nắm lá nếp thơm, rửa sạch, giã nát trộn vào nếp làm cho bánh vừa xanh vừa dậy mùi hương nếp.
Bánh tét má gói cắt ra miếng bánh tròn xoe, nhân nằm chính giữa hình tròn, trông thật hấp dẫn. Sở thích ăn bánh chưng rán của tôi bây giờ, có lẽ bắt nguồn từ những miếng bánh tét rán giòn của má từ ngày ấy.
Món thứ hai không thiếu trong cái Tết Huế của gia đình tôi là dưa món. Trước Tết khoảng nửa tháng, thấy má mua củ cải, cà rốt, đu đủ, su hào (vì sống ngoài Bắc nên má bổ sung thêm su hào cho nhiều vị) về là chị em tôi đã biết sắp sửa có dịp để nghịch ngợm, chành chọe nhau. Bình thường khi chế biến củ cải, cà rốt, đu đủ, su hào làm dưa món người ta chỉ thái miếng, nhưng má cầu kỳ dạy chị em tôi tỉa hoa từ những loại củ đó.
Chị thứ ba khéo nhất nhà nên những hoa hồng, hoa ngọc lan chị tỉa từ củ rất giống thật, còn tôi chỉ thành công nhất với loại hoa phẳng lỳ 6 cánh vì đơn giản khía tròn xung quanh củ là xong.
Nhiều lúc chán với việc tỉa tót, tôi quanh sang chòng ghẹo bằng cách lừa lúc các chị đang chăm chú lách mũi dao để tỉa, tôi liền thọc tay vào nách cù ngoéo một cái. Các chị giật mình cười ré lên, thế là hoa hồng gãy cánh, hoa lan cụt ngọn, tôi thì bị phạt phải đi dọn dẹp sau cùng.
Thành phẩm tỉa xong sẽ đem phơi vài nắng cho săn lại. Chưa lúc nào cái nắng hanh hao của mùa đông miền Bắc lại có tác dụng như lúc này, chẳng mấy chốc cả mâm củ đã săn sít lại chỉ còn hơn nửa. Má cẩn thận xếp từng lớp hoa củ vào lọ ken những quả ớt tỉa hoa vào rồi đổ nước mắm đã được đun sôi với dấm, đường, tỏi lên đủ vị chua, mặn, ngọt.
Khoảng chưa đến tuần sau, mấy cái mồm háu ăn của chị em tôi đã nhì nhèo đòi má cho nếm dưa món. Với tôi, chẳng có thức gì ăn với của vị nếp của bánh tét, vị béo của các loại giò, thịt ngày Tết ngon hơn dưa món của má…
Sau này, khi hòa bình lập lại, cả nhà tôi về lại miền Nam. Má gặp bà ngoại mừng mừng tủi tủi. Với sự “hợp tác” của bà ngoại và má, cái Tết năm đó tôi thỏa sức đánh chén các loại mứt, bánh, chè Huế. Mứt gừng nguyên củ sên đường của má ăn mãi không chán, món chè bột lọc bọc thịt quay của bà ngoại càng nếm càng nghiện… Nhưng với tôi hai món Tết Huế đã gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ, đói khổ sao vẫn thật khó quên.
Sống ở miền Nam một thời gian, vì sự dịch chuyển công việc của ba nên cả nhà tôi lại “hành quân” ra Bắc. Còn nhớ, cái Tết đầu tiên trên đất Bắc khi lũ bạn rủ đi chơi qua giao thừa tôi đã rất ngạc nhiên. Vì đơn giản, là người Huế má không bao giờ cho phép điều đó.
Mạng con gái nhưng tính khí con trai nên cái ngày chưa cấm đốt pháo, nhặt pháo lép, pháo rơi là thú chơi tôi khoái nhất trong mấy ngày Tết. Vậy nên, mùng Một chỉ mong sao trời mau sáng để tông cửa ra hè đường nhặt pháo. Tối giao thừa, trước khi đi ngủ, quê hương, diêm, túi nilon đựng pháo đã để sẵn đầu giường chờ “chủ nhân”.
Nào ngờ, sáng ra vừa vén màn định thò chân xuống đất đã nghe tiếng má: “Con đi đâu đấy, không nhớ má dặn gì sao?”. “Thôi chết rồi, tối qua má có dặn ngày Tết dù có thức dậy sớm cũng không được ra khỏi giường, phải đợi ba đạp đất đã. Mê pháo quá nên quên mất. May mà…” – tôi lè lưỡi lăn lại vào chăn.
Bữa cơm sáng mùng Một năm đó, má thủng thẳng kể ngày xưa má cũng bị ông ngoại mắng hoài như tôi. Mà ông thì là người cổ nên không giống ba dậy cái là bước xuống giường luôn. Ông còn ngồi luyện khí công một lúc, sau đó thong thả chải vén tóc, búi cao lên, đội khăn đóng, cài ngay ngắn cúc áo dài rồi mới thả chân xuống… Ôi chao, trong giọng kể của má tôi vẫn như thấy lại được cái nỗi sốt ruột của cô bé - má ngày nào.
Sau này, tìm hiểu về văn hóa vùng miền tôi mới biết, trong quan niệm của người Huế đêm giao thừa là lúc gia đình đoàn viên. Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân.
Mấy năm gần đây, Nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã biết ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa. Ấy là bởi cái “tục đạp đất”. Người Bắc cũng có lệ xông đất, nhưng dân Huế đã gọi rất đúng tên cổ tục này là: đạp đất. Không ai muốn về nhà sau giao thừa cũng bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình.
Người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng mồng Một Tết là những người chức sắc, có học vấn, hay là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó. Nhiều gia đình ở Huế còn “ra lệnh” cho con cái, đứa nào nặng vía thì sáng mồng 1 không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đã được cha mẹ dặn từ đêm giao thừa, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường...
Tết năm nay má đã bước sang tuổi 88. Còn tôi đã là bà má của mấy đứa trẻ như má năm nào. Sự dịch chuyển của thời gian, sự “phẳng phiu” của không gian đã làm cho những cái Tết đã phần nào nhạt nhòa đi những hương vị đặc trưng. Nhưng Tết Huế của má vẫn đọng lại trong tôi không bao giờ phai nhạt. Bởi hơn tất cả đó là ý thức gìn giữ một cái bếp ấm. Để mỗi con người, mỗi gia đình luôn có chỗ mà neo giữ, đi về.