Trung tá Nguyễn Trung Kiên (Phó trưởng khoa giám biệt nguồn hơi) cho biết trường có sáu phòng, bốn khoa và năm cụm cơ động đóng tại Ba Trại (Hà Nội), Tây Ninh, Gia Lai, Quảng Trị; và cụm 5 có hai điểm ở Điện Biên và Lai Châu.
Trường hiện đang đào tạo hai khóa trung cấp cho 46 học viên, một khóa huấn luyện cho 50 chó nghiệp vụ. Trường còn liên kết đào tạo trung cấp cho 15 học viên Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Trước đào tạo sơ cấp, năm nay đào tạo chuyển cấp trung cấp. Trước đây, trường đã đào tạo cho cảnh sát Hoàng gia Campuchia 5 khóa chó nghiệp vụ. Tương lai trường sẽ tham gia đào tạo chó nghiệp vụ cho Lào và Campuchia.
Tại trường, chó Becgie được huấn luyện chiến đấu, tuần tra, canh gác, phục kích, bảo vệ mục tiêu, phát hiện tìm kiếm cứu nạn, giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự... Hai giống chó Malinois và Labrador thực hiện nghiệp vụ phát hiện ma túy và chất nổ.
Mật phục rừng khuya bắt tội phạm
Đại úy Đào Duy Hà nhớ lại kỷ niệm dẫn chó nghiệp vụ tham gia chuyên án bắt ma tuý có vũ trang, bắt toán tội phạm vận chuyển ma tuý từ ngoại biên vào địa bàn xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La, thu 50 bánh heroin. 15 chó nghiệp vụ được đưa vào trận đánh, chia thành nhiều mũi khác nhau. Do địa hình rừng núi, không có đường đi, bọn buôn lậu ma túy thường đi theo các bờ suối, vạt nương, bìa rừng. Trong các trận đánh, nguyên tắc tuyệt đối là bí mật. Nếu chó nghiệp vụ không tuân thủ kỷ luật, gây tiếng động thì vụ án sẽ bị lộ.
Đêm 2/11/2009, lực lượng nhận lệnh lên đường. Mũi thứ nhất do Đại úy Hà chỉ huy là mũi chính có 6 chó nghiệp vụ, trong đó có hai con Akô và Mantơ mật phục gần suối Quang. Mũi thứ hai mật phục tại ngã ba đường mới vào bản Lắc Phương. Mũi thứ ba đón lõng sát biên giới. Từ điểm xuất phát đến địa bàn phục kích dài gần 130km trong đó 20km đường quá xấu, ai cũng đều thấm mệt. Vất vả nhất là nhóm anh em chăm sóc chó nghiệp vụ. Trời rét 4-5 độ C, đi bộ quá lâu, lưng chó và người đều phủ một màn sương đọng trắng như tuyết. Vắt nhiều vô kể. Khi lội qua suối, giày ướt sũng, chân ai cũng tím ngắt.
7h tối, tổ phục kích vào vị trí mật phục. Để không gây tiếng động, huấn luyện viên phải tìm cách làm cho chó thở nhẹ lại. Trời tối như mực, sau nhiều tiếng căng mắt nhìn vào đêm đen, gần 10h đêm, lực lượng mật phục phát hiện một toán gồm sáu đối tượng cầm đèn pin, đeo năm ba lô, đi cách nhau từ 3 - 4m, trong đó hai đối tượng tay lăm lăm súng, sẵn sàng nhả đạn.
Nhóm đối tượng cảnh giác cao độ, lúc đi men bờ suối, lúc lên bờ. Khi cách đội hình mật phục khoảng 50m, chúng dùng đèn pin rọi khắp nơi. Ánh đèn loang loáng quét qua mắt những chú chó, huấn luyện viên phải che mắt chó lại. Không thấy động tĩnh gì, nhóm đối tượng đi tiếp.
Chờ nhóm người đến đúng cự ly, bộ đội thổi còi lệnh cho chó nghiệp vụ tấn công. Nhanh như cắt, sáu con chó lao ra đuổi bắt. Trước “lực lượng” nhanh như cắt này, nhóm buôn ma túy sững người bất ngờ không kịp nổ súng. Bị chó tấn công, toán buôn ma tuý quăng ba lô, quăng súng chạy tán loạn kẻ xuống suối, kẻ vào rừng. Hai đối tượng bị chó túm chặt ngay tại trận. Một đối tượng bị chó cắn bị thương, chạy thoát một đoạn sau đó cũng bị bắt giữ.
Lực lượng đánh án thu hai khẩu súng, một ba lô đựng 24 bánh heroin và 398 viên ma tuý tổng hợp. Mở rộng chuyên án, thu giữ thêm 26 bánh heroin, 7 viên ma túy tổng hợp.
“Chuyên gia” tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ yếu nhân
Ngoài tham gia đánh án ma túy, chó nghiệp vụ rất giỏi tìm kiếm cứu nạn. Chó nghiệp vụ của trường đã cùng bộ đội tham gia hàng chục vụ tìm kiếm cứu nạn, tìm thấy 26 nạn nhân, có vụ tìm thấy nạn nhân ở độ sâu 14m.
Như tai nạn bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên) bị sập vào tháng 4/2012. Cả tuần sau khi tai nạn, các lực lượng tìm kiếm không thấy, trường mới được điều động. Bãi thải rộng, hiện trường sập sâu hàng chục mét, bị hàng chục nghìn m3 đất đá đè lên. Hai chó nghiệp vụ Pô-ma và An-tốp quần thảo bãi thải nhiều giờ liền, sau đó sủa, cào vào một điểm sập hầm. Đào 1m chưa thấy gì, con chó vẫn tiếp tục sủa. Đào sâu thêm 3m nữa, nhóm cứu hộ phát hiện chiếc xe đạp và một... con chó chết.
Mọi người nản lòng, cho rằng chó đánh hơi sai, nhưng huấn luyện viên khẳng định: “Cứ đào, chắc chắn sẽ thấy”. Đào bới sâu thêm 6m thì thấy thi thể đầu tiên, đào thêm xung quanh phát hiện bốn thi thể nữa.
Phòng truyền thống của trường lưu giữ nhiều tiêu bản của những chú chó lập nhiều chiến công. Con Pô-ma trong bốn năm đã tìm kiếm tổng cộng 28 nạn nhân bị mất tích. Có những vụ đặc biệt như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Pô-ma phát hiện người vùi sâu 14m trong lòng đất. Tiêu bản chó Ê-vi là một trong những tiêu bản lâu đời nhất của nhà trường. Chú chó này cùng huấn luyện viên Ma Văn Ngân từng truy bắt một lúc bốn đối tượng của một nhóm phản động tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vào tháng 2/1990.
Mới đây nhất, những chú chó nghiệp vụ của trường còn tham gia tuần tiễu, bảo vệ khu vực bờ biển Sơn Trà, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Trong đó, 5 chó nghiệp vụ của Cụm cơ động chó chiến đấu miền Trung đóng tại Quảng Trị (cụm 4) tham gia bảo vệ hai mục tiêu quan trọng là hai khách sạn tổng thống Mỹ và Nga ở. Kết thúc APEC, các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ được tặng bằng khen.
Chó bắt đầu được huấn luyện khi 1-2 tuổi. Để có chó huấn luyện, trường có một số chó mẹ. Cách chọn chó nghiệp vụ là mắt chó phải sáng, hai chân trước cao hơn hai chân sau, ngực nở, chân thon, mũi luôn ẩm ướt. Đó là những con chó khỏe, tinh thông, thần kinh cân bằng, linh hoạt.
Trường còn áp dụng cả kinh nghiệm dân gian. Đó là khi chó mẹ đẻ một ổ chó con, để biết con chó con nào khôn nhất, người ta cầm bó đuốc dúi vào ổ chó. Lửa nóng đe dọa sinh mạng những con chó con, theo bản năng, chó mẹ sẽ cắp chó con chuyển tới chỗ an toàn. Con chó con nào được cắp đi đầu tiên là con chó khôn nhất, cứ theo thứ tự mà đánh giá độ tinh khôn.