Đón “giao thừa” vào mùng 10 Tết
Trước Tết, nỗi lo lắng ập đến cho người dân TP khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương và TP HCM phát hiện không ít ca bệnh có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng. Hàng loạt khu dân cư, chung cư tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Q 12, Q Bình Tân, Tân Bình, TP Thủ Đức… đã bị phong tỏa. Mùa Tết 2021, Sài Gòn vắng lặng khác thường vì thiếu đi những cụm pháo hoa, thiếu những dòng người nô nức đón giao thừa trên phố. Trong đó có cả những nỗi buồn của người dân “mất Tết” vì cách ly.
Sau Tết, tình hình bắt đầu ổn định trở lại khi một số khu dân cư bắt đầu được gỡ bỏ phong tỏa. Thời điểm người dân các khu dân cư, chung cư được gỡ bỏ phong tỏa cũng là lúc Tết bắt đầu đối với người dân những khu vực này. Chị Lê Thị Thảo, cư dân khu chung cư Felix Homes, P 6, Q Gò Vấp chia sẻ: “Chung cư chúng tôi bắt đầu bị phong tỏa vào ngày 8/2, tức 27 Tết vì có liên quan đến 4 ca nhiễm Covid-19. Trước đó, khi nghe tin, ai cũng bàng hoàng, không tin được. Tất cả dự định du xuân, về quê ăn Tết… của cư dân tòa nhà coi như không thành. Thế là chúng tôi có một cái Tết “ở yên trong nhà”. Đây cũng là cái Tết lạ lùng nhất của chúng tôi từ trước đến nay. 17h ngày 21/2, tức mùng 10 Tết, chung cư chúng tôi chính thức được dỡ bỏ phong tỏa. Thực sự là… “mừng như Tết”.
Cái vui đầu tiên là khu chung cư chúng tôi có hơn 600 người, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính hết. Mừng thứ hai là mọi người được ra khỏi nhà, được trở lại nhịp sống bình thường rồi. Trước giờ chính thức dỡ phong tỏa, người dân chúng tôi đã tập trung dưới sảnh chung cư, chuẩn bị cờ, thậm chí có người còn mang cả nồi niêu để gõ. Vẫn mang khẩu trang, nhảy múa hò reo, vui như Việt Nam vô địch cúp bóng đá và vui như khoảnh khắc giao thừa. Ngay sau đó, nhiều gia đình lập tức chở con cái đi du xuân. Bọn trẻ ở nhà nửa tháng trời, còn cuồng chân hơn cả người lớn”.
Tại nhiều khu dân cư khác, tình hình cũng như thế. Nhiều người dân cho biết, sau khi dỡ bỏ phong tỏa, họ mới bắt đầu thực sự ăn Tết. Nhiều đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân ôm nhau nhảy múa, reo hò, hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” khi được công bố lệnh dỡ bỏ phong tỏa. Tính đến ngày 23/2, TP HCM chỉ còn 1 điểm phong tỏa tại Tân Bình và cũng sớm gỡ bỏ vì sắp hết thời hạn 14 ngày. Đây có lẽ là khu dân cư “ăn Tết muộn” nhất của Sài Gòn.
Năm nay, người dân Sài Gòn về quê ăn Tết ít hơn, do các điểm dân cư phong tỏa, đồng thời nhiều vùng quê đang đỉnh dịch, cộng với tâm lý lo lắng khiến nhiều người quyết định ăn Tết tại chỗ. Đồng thời, nhiều người dân về quê ăn Tết cũng quyết định vào Sài Gòn trễ hơn thường lệ nhằm theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh cho an toàn. Cùng với việc học sinh, sinh viên nhập học trễ hơn 1 - 2 tuần so với thường lệ nên hiện tượng ùn ứ xe cộ các cửa ngõ sau Tết, hiện tượng quá tải tại các bến tàu xe, ga hàng không cũng giảm hẳn.
Hiện tại, ở các “điểm nóng” này vẫn được siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Tại Bến xe miền Đông, hàng trăm tài xế, nhân viên thuộc các chuyến xe có đi qua vùng dịch đã được lấy mẫu xét nghiệm. Người dân đi và đến bến xe phải luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế đầy đủ...
Người dân thành phố xếp hàng nhận khẩu trang tại xe bus khẩu trang. |
Cuộc sống đi về phía trước
Thời gian này, người Sài Gòn đang bắt đầu trở lại, hay nói đúng hơn là tìm lại nhịp sống trước đó. Bởi, một cái Tết phải hạn chế các hoạt động đã khiến nhiều người dân, cơ sở kinh doanh bị thất thu, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, từ người nghèo cho đến người giàu.
Chị Nguyễn Thị Tân Ánh là chủ một nhà hàng nhỏ bán món ăn dân dã ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trước Tết, chị nhập hơn 300 triệu đồng tiền thực phẩm để chuẩn bị cho một mùa “bội thu”, bù đắp lại những ngày tháng buôn bán rời rạc trước đó. Đã có vài chục công ty, hội nhóm đặt bàn ở nhà hàng của chị để liên hoan cuối năm. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trước Tết, tất cả những khách đặt tiệc đều hủy, chị “ôm” số thực phẩm dự trữ mà phát khóc. Sau đó, nhờ bạn bè, khách hàng thân quen, chị đã chuyển hướng sang bán những bữa tiệc cung cấp tại nhà, đồng thời chế biến thực phẩm thành những món ăn ngon để bán online cho người dân ăn Tết.
“Cuối cùng số thực phẩm dự trữ ấy cũng hết, nhưng tôi hầu như không có lợi nhuận, còn vất vả vô cùng. Có lẽ đó là một cái Tết thót tim nhất từ trước đến nay đối với tôi. Hiện, nhà hàng đã mở cửa trở lại, những ngày đầu năm khá đông khách. Nhưng sau sự việc trên, tôi cũng cảm thấy khá bất an, bởi những rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Có lẽ, mình cần đến sự thay đổi trong kinh doanh để thích ứng với tình hình dịch bệnh như hiện nay”, chị Tân Ánh chia sẻ.
Hiện, công việc buôn bán, kinh doanh của người dân đã bắt đầu đi vào ổn định, các công ty đã đi làm trở lại. Tại nhiều địa điểm kinh doanh như quán cafe, nhà hàng, các tòa nhà văn phòng hay trung tâm thương mại, siêu thị đã duy trì các biện pháp phòng chống dịch như đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay, nhắc nhở người ra vào đeo khẩu trang… UBND TP HCM cũng đã có công văn gửi các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù dịch bệnh, không ít người dân TP vẫn duy trì thói quen đi du xuân vào tháng Giêng. Điểm đến là các khu vực lân cận như miền Tây Nam Bộ, Vũng Tàu, Đà Lạt… Điều khác biệt là năm nay người dân lựa chọn du lịch bằng phương tiện tự túc nhiều hơn. Anh Lê Ngọc Thanh, nhân viên bán bảo hiểm, ngụ quận 4, TP HCM chia sẻ: “Dù tình hình dịch bệnh vẫn chưa thực sự yên tâm được, nhưng tôi nghĩ vẫn cần tiêu dùng, cần du lịch, có như thế mới góp phần giúp “kích cầu” kinh tế, hỗ trợ người kinh doanh đang trong tình trạng ế ẩm. Cạnh đó, bản thân mình và gia đình cũng thực sự “ngán ngẩm” những ngày tháng chôn chân ở nhà vì sợ dịch. Miễn là mình và gia đình phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Năm nay, gia đình tôi thuê xe bảy chỗ cùng nhau đi Đà Lạt. Tại điểm tiếp giáp giữa các tỉnh, tôi vẫn thấy có chốt chặn để khai báo y tế, đo thân nhiệt… nên khá an tâm”.
Sau Tết, nhiều tổ chức hoạt động xã hội tại TP HCM cũng đã bắt đầu trở lại với những chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người dân gặp khó trong dịch bệnh. Những chuyến hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương đã có mặt ở nhiều điểm tại TP HCM. Nhiều siêu thị không đồng cũng đã khởi động trở lại.
Trước Tết, ngay thời điểm “đỉnh” dịch, người dân TP HCM bất ngờ trước sự xuất hiện của chiếc “xe bus khẩu trang” tại Nhà văn hóa Thanh niên. Xe bus khẩu trang được sơn màu vàng nổi bật, trên xe đặt hai máy phát khẩu trang hoạt động hoàn toàn bằng cảm ứng tự động. Người dân chỉ cần xếp hàng giãn cách 2m đợi đến lượt, xòe tay để máy xịt sát khuẩn, sau đó đưa tay ra để nhận 2 chiếc khẩu trang miễn phí. Đây là loại khẩu trang vải kháng khuẩn, chống giọt bắn... được đóng gói trong từng túi riêng.
Sau Tết, ngày 28/2, xe bus khẩu trang bắt đầu khởi động hành trình của mình tại Khu chế xuất Tân Thuận và sẽ còn lăn bánh đến Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM… để trao hàng ngàn chiếc khẩu trang chất lượng cho người dân. Chủ nhân dự án, anh Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Dony chia sẻ, đây là dự án anh ấp ủ hơn nửa năm trời và cho ra mắt vào thời điểm dịch bùng phát. Mục đích của anh là đem khẩu trang chất lượng đến người dân, đặc biệt là những người khó khăn do ảnh hưởng của dịch, đồng thời góp phần làm giảm thiểu tình trạng đẩy giá, đầu cơ khẩu trang khiến người dân khốn khổ thời điểm trước đó.
Các cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp và cả những mạnh thường quân với tấm lòng nhiệt tình, đều đang nỗ lực để thành phố ổn định trong trạng thái “bình thường mới”. Sài Gòn chậm rãi trở về nhịp sống bình thường, với những lời cầu nguyện cho một năm bình yên.