Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối thu, khi những cơn gió heo may chỉ còn vương vấn và gió mùa đông bắc rình rập đổ về là mẹ tôi lại chuẩn bị củi đun cho nồi bánh chưng đón năm mới. Những gộc cây cũ còn sót lại sau vườn, trong bếp, được gom lại thành từng bó. Trấu vụ mùa thì đã quây quanh trong cót.
Gói bánh chưng |
Những ngày giáp Tết khi ba tôi lo sơn nhà cửa, quét nhà lại cho mới thì mẹ xúc thúng nếp sàng sảy cho sạch đem ngâm, rồi đi sang hàng xóm lấy thịt lợn về làm nhân bánh, vừa rẻ lại vừa tươi. Con lợn này được mấy bà hàng xóm cùng nhau chọn nuôi, không phải trả bằng tiền. Lá chuối trong vườn thì tha hồ cắt nhưng phải chọn loại không già mà cũng không non, gói bánh mới đẹp. Lá chuối lau sạch luộc qua cho héo. Nếp vò sạch đem ngâm. Thịt lợn thái vừa bằng ba ngón tay vào gia vị tiêu, hành nước mắm vừa phải để làm nhân bánh, trong nhân bánh không thể thiếu được đậu xanh và hành. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi vây quanh đứng xem trầm trồ thú vị.
Những chiếc bánh gói bằng lá chuối xanh mướt, vuông vắn tượng trưng cho “đất mẹ” theo quan niệm của người Việt thời các Vua Hùng “trời tròn, đất vuông” ôm trong lòng nó đủ các vật phẩm nuôi sống con người, từ đạm, vi-ta-min thực vật (đậu xanh, nếp) đến đạm động vật (thịt lợn) đã đầy thúng và được xếp vào chiếc nồi đồng phải hai người mới khiêng nổi.
Ngoài trời, gió bấc hun hút thổi, bầu trời đen như mực càng thêm quyến rũ lũ trẻ chúng tôi quây quần bên bếp lửa. Chờ lâu lắm, chờ dài như cả một năm tuổi, nhưng chúng tôi vẫn chờ không ngũ vì đây là đêm 30 Tết, chờ để đón Giao thừa. Bên bếp lửa hồng kêu tí tách, mùi nếp mới, mùi nhân bánh đậu xanh và thịt mỡ tiêu hành bốc lên thơm lừng, cái lạnh lẽo của đêm cuối đông như tan đi. Các anh em tôi, đôi má đỏ ửng hồi hộp đón xuân sang để được mặc áo mới chúc Tết ba mẹ, đi khoe xóm giềng.
Tôi nhớ cái không khí của mấy ngày giáp Tết khi mẹ mua về mấy bó gừng tươi, mấy trái dừa vừa già rồi gọt sạch, thái từng lát mỏng, bỏ vào chảo cùng với đường cát thật trắng để “ngào” thành mứt gừng, cái ngọt thơm của mứt dừa còn giữ y nguyên.
Trẻ con chúng tôi thì thèm cái ngọt của mứt dừa, người lớn thì thưởng thức một chút mứt gừng cay cay, nhấp một chút trà nóng, thật là ấm áp hương vị mùa xuân, lại khỏi đau bụng đau dạ vì ăn uống “lung tung” ba ngày Tết. Rồi đến mẹ bày cho tôi làm bao nhiêu thứ bánh mứt đặc trưng của quê hương như bánh chưng, bánh thuẩn, mứt quất, mứt khoai để cúng ông bà, tổ tiên và mời lối xóm , bạn bè thưởng thức xem hương vị nhà nào đặc sắc hơn, nhà nào khéo tay hơn.
Quanh năm nào có xa lạ gì cái bánh chưng, và nhiều loại mứt, bánh khác nhau. Nhưng sao chiếc bánh chưng nhà gói lấy, luộc lấy lại có nét quyến rũ lạ thường? Có lẻ nồi bánh là các thế hệ trong gia đình được dịp đoàn tụ; trẻ thì báo công học tập, lớn thì ôn lại những điều đã làm được cả năm qua, kể lại những nơi đã đi qua cùng phong tục, tập quán lạ của nơi đó. Bao kỷ niệm vui, buồn suốt một năm được dịp nhỏ to dốc bầu tâm sự. Quanh nồi bánh chưng bao chuyện vui như vậy hỏi sao không náo nức.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay không thiếu “của ngon, vật lạ”, không thiếu màu sắc để phô bày, nhưng sao có cái gì đó không ổn, có cái gì thiêu thiếu, hụt hẫng. Phải chăng đó chính là thiếu cái hồn, thiếu không khí, thiếu hương vị đậm đà bản sắc của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, thiếu những chiếc bánh chưng nhà gói lấy, luộc lấy , sự háo hức, quây quần của các thế hệ trong gia đình cùng nồi bánh chưng đón giao thừa vào những năm hết, Tết đến.
Nguyễn Văn Thanh