Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, các lãnh đạo nhà nước ta đã thân chinh đi khắp các địa phương trong cả nước, đến những vùng núi rừng xa xôi, khó khăn,... để chúc Tết, tặng quà, động viên đồng bào và chiến sỹ. Sự quan tâm đó mang lại ấm áp nghĩa tình và cái Tết truyền thống càng có ý nghĩa hơn. Đúng là Tết đã đến trước ở những nơi này.
Năm nay, đặc biệt là Công đoàn các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, từ ông Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam đến các cán bộ công đoàn ở tất cả các địa phương trong nước đều hướng tới với sự sẻ chia sâu sắc với người lao động, coi họ là “vốn quý nhất” và có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm lo đến đời sống người lao động, nhất là dịp Tết đến, xuân về. Hàng trăm nghìn suất quà đón Tết đã đến tay những người lao động. Không chỉ thế, Công đoàn ở một số nơi có khu công nghiệp đã lo lắng, cung cấp tiền nong, vé xe để mọi người xa quê được sum họp gia đình. Những ai không về quê được hoặc vì nhiệm vụ mà phải ở lại thì đã được chuẩn bị sẵn sàng vật chất và tinh thần cho một cái Tết xa nhà ấm áp tình người.
Những ngày này, âm hưởng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam còn vang vọng trong tâm tưởng nhiều người và đó là món quà tinh thần làm không khí đón xuân càng thêm phấn khởi. Không chỉ có thế, tác động tích cực từ chiến thắng của đội bóng lên xã hội còn ở các khía cạnh khác.
Thủ tướng Chính phủ vừa trao cho hai Bộ trưởng món quà mà ông nhận từ đội tuyển U23 với quả bóng và chữ ký của toàn đội để bán đấu giá làm từ thiện, giúp người nghèo vui Tết. Đó thực sự là một nghĩa cử nhiều ý nghĩa.
Mới đây, quả bóng có chữ ký của đội U20 ở Cup vô địch châu Á, có chữ ký của nhiều cầu thủ trong đội U23 hiện tại đã được mang ra bán đấu giá và kết quả thật bất ngờ là gần 3 tỷ đồng thu lại từ quả bóng này. Số tiền đó giúp cho bao nhiêu người người nghèo có một cái Tết đầy đủ, ấm áp. Sức mạnh của bóng đá không chỉ ở ý nghĩa tinh thần!
Đào mai và các sản vật núi rừng đang xuống phố, ngược chiều là những chuyến xe mang nặng quà Tết và tấm lòng thiện nguyện đến với bà con dân tộc vùng núi, vùng cao. Chủ trương “không để một ai không có Tết” đã trở thành hiện thực, thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của mỗi con người. Đây không là chuyện “nhường cơm, xẻ áo” trong lúc khó khăn mà là thời điểm để thể hiện tấm lòng và sự sẻ chia trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Động thái này không chỉ đơn thuần là một nghĩa cử thiện nguyện mà là mang lại niềm vui cho người khác chính là niềm vui của mình, như thế, niềm vui càng nhân lên gấp bội.
Mùa xuân đang đến rất gần và Tết đã đến sớm với những người được cả xã hội quan tâm. Đó thực sự là những cánh én báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp!