Tết Thanh minh trong đời sống tâm linh người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thanh minh là ngày Tết thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tết Thanh minh được tổ chức vào tháng Ba âm lịch trong tiết trời mùa xuân, gắn với tục đi tảo mộ của người dân.
Độc đáo Tết Thanh Minh của các dân tộc Việt. (Ảnh: Nguyễn Liên)
Độc đáo Tết Thanh Minh của các dân tộc Việt. (Ảnh: Nguyễn Liên)

“Tết tảo mộ” và sum họp gia đình

“Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (“Truyện Kiều” - Nguyễn Du). Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và được người phương Đông coi là một lễ tiết. Theo ước lệ, Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 20/4 dương lịch. Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Người dân thường đi tảo mộ vào dịp này bởi tiết mưa xuân thường ẩm nồm khiến cỏ cây mọc nhanh, xanh tốt, mộ phần cũng vì thế mà rậm rạp hơn. Người đi tảo mộ sẽ dọn dẹp, phát quang xung quanh mộ phần và làm cỏ sạch sẽ. Khi những cơn mưa qua làm đất trôi nhiều khiến mộ phần xơ xác, người đi tảo mộ để đắp thêm đất cho mộ. Ngày nay, mộ đất không còn, thay vào đó là gạch gói ốp lát sạch sẽ, tinh tươm, người đi tảo mộ sẽ dọn dẹp và phát quang cỏ dại xung quanh để tránh các loại con vật làm tổ gây hại đến mộ phần, sau đó đốt vàng mã, thắp hương, cắm hoa.

Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày. Đây là dịp các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau, qua đó để thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Theo truyền thống, đại gia đình đầy đủ các thành viên sẽ cùng ra mộ viếng thăm người thân đã khuất của mình, để cùng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất, mong cho người đã khuất an nghỉ và người còn sống lạc quan hướng tới tương lai.

Những Tết Thanh minh độc đáo

Các đồng bào dân tộc tổ chức Tết Thanh minh độc đáo. Với người Dao Khâu, ngay từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch, các gia đình tất bật lo xây, đắp, sửa sang phần mộ cho những người đã khuất. Những người đàn ông Dao thì lo làm giấy cúng, mua những tờ giấy ngũ sắc cắt thành những lá cờ, đến ngày tảo mộ sẽ buộc lên những cành cây, cắm lên trên mộ. Những người phụ nữ Dao thì ủ rượu, đồ xôi, giã bánh dày.

Còn với đồng bào dân tộc Tày và Nùng, Tết Thanh minh đôi khi được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, trong tiếng địa phương là “slan mạ” hay “slan phằn”. Những nghi thức của đồng bào nơi đây trong ngày Tết Thanh minh cũng rất phong phú, bao gồm: tảo mộ, tiễn biệt và cúng thần để tri ân tổ tiên, cầu nguyện cho sự bình yên và an lành cho cuộc sống. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không có bánh trôi, bánh chay như người Kinh mà thay vào đó là “khẩu nua đăm đeng” (nghĩa là xôi nếp đỏ, đen) hoặc xôi ngũ sắc, bánh ngải, bánh dày ngũ sắc... Những ngôi mộ của người Tày, Nùng sẽ được trang trí với những cây nêu treo dải băng bằng giấy màu được cắt tỉa cầu kỳ.

Sau nghi lễ tảo mộ, mọi người thực hiện nghi lễ tiễn biệt để đánh dấu sự chia tay với những người đã khuất. Nghi thức được thực hiện với niềm tin có thể đưa linh hồn người đã khuất vào cõi vĩnh hằng một cách an lành và bình yên, họ cùng đốt những tràng pháo và cầu nguyện. Cuối cùng là nghi lễ cúng thần, là dịp để các đồng bào dân tộc Tày, Nùng bày tỏ lòng tôn kính tới các vị thần linh nhằm nhận được sự bảo trợ và hộ vệ trong cuộc sống. Các nghi lễ này được tổ chức tại nhà thờ thần, đền, chùa, hoặc những nơi linh thiêng khác.

Còn với người Dao Quần Chẹt, để chuẩn bị Tết Thanh minh, các gia đình dòng họ tề tựu về nhà thờ Tổ. Trước ngày thanh minh, người đứng đầu dòng họ phải xem ngày tốt, tránh phạm phải những ngày kỵ của dòng họ đó, để tổ chức Tết. Sau khi chọn được ngày thì bắt buộc mời hai thầy cúng khác họ để cúng lên tổ tiên. Từng gia đình cũng chuẩn bị lễ vật đa dạng như rượu, thịt lợn, gà, bánh dày... để cúng dâng tổ tiên. Trên bàn cúng của người Dao Quần Chẹt không thể thiếu hai loại tiền giấy, một là bản giấy trắng tượng trưng cho tiền bạc để chi tiêu, loại thứ hai là tiền giấy màu vàng tượng trưng cho kim loại quý là vàng. Ngoài tiền giấy, mỗi phần mộ có một giấy bản to cỡ 3 ngón tay, dài 50 - 60cm, tượng trưng cho giấy đóng ngựa (giấy có hình con ngựa để cúng, tiếng dao gọi là “mầu tải tzấy”). Theo phong tục của người Dao Quần Chẹt, cá, tôm chế biến các món trong lễ cúng càng nhiều càng ý nghĩa, thể hiện sự phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái của đầu sinh dành cho những người đã khuất.

Người Mường gọi lễ Thanh minh là xuân lộc hoặc mát nhà với ý nghĩa giải những hạn xui của năm cũ và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Lễ Thanh minh của người Mường khác với tiết Thanh minh 3/3 âm lịch. Lễ này không quy định vào một ngày, tháng cụ thể, mà mỗi nhà sẽ tự lựa chọn một ngày phù hợp để sắm lễ, mời thầy về cúng và mời họ hàng, thông gia, anh em, bạn bè thân thiết đến cùng thụ lộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: “Bên cạnh những mâm cỗ có thủ, vai, thịt, lòng lợn, xôi, gà, chè, oản, rượu xả, gạo, muối, đồ vàng mã thì thứ không thể thiếu là một con vịt. Theo quan niệm của người Mường ở Hòa Bình, con vịt là loài vừa biết bay, vừa biết bơi, sẽ là phương tiện đưa các vị thần về trần gian để đến nhà gia chủ chứng kiến lễ và ngược lại. Điều đặc biệt trong mâm cỗ cúng thanh minh, dù gia đình sang trọng hay nghèo khó, vẫn không thể không chuẩn bị một mâm cúng "cộng đồng" đặt ngay gần cửa chính. Theo quan niệm, đó là mâm cỗ dành cho những con ma đói, theo lời mời gọi của thầy mo tụ về đánh chén một bữa no nê. Sau đó sẽ không quay trở lại để quấy nhiễu gia chủ”...

Tết Thanh minh ở mỗi dân tộc một khác, nhưng đều mang ý nghĩa chung là để tưởng nhớ về người thân, tổ tiên, ông bà, quê hương nguồn cội; là ngày để con cháu thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mình. Đây là mỹ tục đã được truyền lại từ đời này sang đời khác, mang giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt.

Đọc thêm