Tuy nhiên, có rất nhiều người không chỉ lo Tết cho mình mà còn nghĩ đến những người khác, mang lại niềm vui cho họ, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo và trẻ em.
Tại Hà Nội, vừa tổ chức “Tết sum vầy” cho công nhân ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất. Hàng nghìn suất quà, hàng nghìn vé xe đã được trao nhưng hơn tất cả là sự gặp gỡ, động viên, chia sẻ, ấm áp nghĩa tình. Các doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc, góp sức vào sự đoàn viên, sum họp cho mỗi gia đình, giúp đỡ công nhân vé xe về quê, MobiFone chẳng hạn, trao đến 1.200 suất vé.
Đáng kể nhất là các đoàn thiện nguyện, họ về những vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn trao quà Tết. Không những tiền của và công sức mà còn gác công việc bộn bề lại để những ngày cuối năm đi đến với đồng bào dân tộc, mang niềm vui đến bản làng. Điều đáng mừng là những đoàn thiện nguyện này ngày càng đông người tham gia, cách gặp gỡ, trao quà cũng có nhiều đổi mới, không chỉ là động tác cho và nhận mà đó là sự giao lưu tình cảm, tôn trọng con người, giao thoa văn hóa vùng miền.
Các hoạt động hướng tới cộng đồng như “chăn ấm cho vùng cao”, “bánh chưng cho trẻ em miền núi”, “áo mới đón xuân”,... được phát động với sự tham gia của nhiều người mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cuộc sống thường nhật bon chen.
Tại TP Hồ Chí Minh, rất đặc biệt là có cái “chợ tết” cho người nghèo. Mọi thứ hàng hóa ở đây đều đồng giá 2.000 đồng. Nước mắm, bột ngọt, gia vị, mỳ tôm,... là những thứ thiết yếu của mỗi gia đình. Người mua cũng thật ý thức, họ trật tự xếp hàng và mua chỉ vừa đủ, còn dành cho người khác mua. Sáng kiến này là của một Nhà báo, ông cũng là chủ của các “quán cơm 2.000” dành cho người nghèo hoạt động suốt năm.
Cái Tết chỉ có ý nghĩa khi mọi người cùng vui, cùng được hưởng Tết bên cạnh những người thân yêu. Xã hội chúng ta đang hướng tới điều đó bằng những việc làm thiết thực. Khoảng cách giàu - nghèo đang nới rộng một cách khủng khiếp nhưng sự nhân ái, sẻ chia cũng lan tỏa mạnh mẽ. Đó là nền tảng nhân văn, cơ sở đạo lý của một cộng đồng các dân tộc ứng xử với nhau theo nghĩa “đồng bào”!