Thà chui gầm giường viện công còn hơn xông xênh viện tư?

(PLO) - Dù bệnh viện công quá tải, bệnh nhân vẫn đổ xô tới viện công. Trong khi bệnh viện tư đầu tư cả một núi tiền, với hàng trăm phòng bệnh, dịch vụ, tiện nghi như khách sạn nhưng vắng bệnh nhân. Bài toán giảm tải cho bệnh viện vẫn là một câu chuyện dài tập.

Bệnh viện tư bị bỏ rơi

Khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên trong tình trạng ghép 4-5 bệnh nhân/giường nên tình trạng bệnh nhân nằm la liệt lối đi không có gì lạ. Đây cũng chỉ là một trong những khoa điển hình vì sự quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện công. Hình ảnh bệnh nhân nằm gầm giường, hành lang, ngồi xó tường truyền hóa chất chẳng có gì xa lạ ở bệnh viện công. Dù bệnh nhân có tiền cũng không thể nằm phòng bệnh sạch đẹp.
Gầm giường trở thành chỗ nằm của bệnh nhân. Ảnh minh họa
Gầm giường trở thành chỗ nằm của bệnh nhân. Ảnh minh họa 

Trong khi đó hàng loạt bệnh viện tư đầu tư cả trăm tỷ, nghìn tỷ, trang thiết bị hiện đại, phòng ốc đạt chuẩn khách sạn vấn “ế”, máy móc đắp chiếu. Thậm chí Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hợp lực – Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đệ rất bức xúc, Thanh Hóa có 7 BV tư nhưng tới nay chỉ có BV Hợp Lực là còn hoạt động tốt, còn lại đều trong tình trạng khó khăn, có bệnh viện tư của Thanh Hóa đã phá sản, chỉ chưa công bố chính thức.

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận “Đa số bệnh viện tư có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại, giá thành không cao… nhưng tất cả đều hoạt động dưới công suất”.

PGS- TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết 10 năm qua số lượng bệnh viện tư nhân tăng gấp bốn lần, từ 40 BV năm 2004 nay đã lên 170 BV. Hiện nay tổng số giường bệnh ở các BV tư nhân mới chiếm 4,2% tổng số giường bệnh cả nước. Tỉ lệ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân cũng rất thấp, chỉ chiếm 6-7% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hằng năm của cả nước… Đặc biệt, công suất sử dụng giường bệnh của các BV tư chỉ 40-60%, trong khi đó bệnh viện công là 90-110%.

Chính bản thân nhiều bệnh nhân cũng thừa nhận chất lượng phục vụ cũng như giá của nhiều bệnh viện tư không hẳn là quá đắt. Có những bệnh viện tư phí khám bệnh chỉ 50-80 ngàn đồng/lượt còn thấp hơn cả phí khám tự nguyện ở bệnh viện công. Đó là chưa kể tới chuyện phong bì ở BV công, khó khẳng định công có thực sự rẻ hơn tư!
Một phòng điều trị nội trú của một bệnh viện tư
 Một phòng điều trị nội trú của một bệnh viện tư

Thậm chí những người có tiền vẫn chọn việc xếp hàng ở bệnh viện công chứ không tin tưởng bệnh viện tư. Chị Nguyễn Thị Liên (30 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn quyết định ôm bụng bầu chờ nửa ngày ở Viện C để được khám chứ nhất định không ra viện tư dù bạn chị cho biết chẳng phải đợi chờ, được chiều như thượng đế. Không phải gia đình chị Liên không có tiền, cũng không phải thai nhi gặp vấn đề gì nghiêm trọng nhưng chị chỉ cảm thấy yên tâm khi khám, sinh con ở Viện C. Rõ ràng cầu có, cung có nhưng sao bệnh nhân với thờ ơ với bệnh viện tư?

Căn nguyên nằm ở bác sỹ và cơ chế?

Hỏi rất nhiều bệnh nhân từng khám tại các bệnh viện tư, câu trả lời nhận được đa số là họ hài lòng về thái độ, chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất, máy móc... Tuy nhiên điều họ lăn tăn nhất lại chính bác sỹ. Người bệnh vẫn thấy yên tâm khi khám bác sỹ viện công hơn viện tư.

Nói như PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai: “Bệnh viện phải lấy được niềm tin của bệnh nhân, tin tưởng sẽ vào chứ không phải vào để ăn ở có điều kiện tốt. Bệnh nhân tới BV với mục đích để chữa bệnh”.

Một phần lời giải cho bài toán này nằm chính ở đội ngũ bác sỹ viện tư. Đây cũng là câu chuyện đau đầu của các nhà đầu tư vì ngay chính bản thân bác sỹ cũng quá “xính” BV công. Để mời một bác sỹ giỏi về bệnh viện tư là cả một công trình. Thậm chí Tổng GĐ BV đa khoa tư nhân Tràng An Vũ Thế Hùng còn bức xúc về việc có bác sỹ ở viện mình sau khi cho đi đào tạo về lại quay ngoắt sang BV công làm.

Ông Hùng cũng cho biết thêm việc mời bác sỹ bệnh viện công hợp tác với bệnh viện tư cũng gặp nhiều rào cản, thậm chí ngay từ phía giám đốc bệnh viện công không tạo điều kiện cho bác sỹ sang BV tư làm việc.
Ngoài ra những cơ chế chính sách cho bệnh viện tư cần công bằng hơn như trong thanh toán bảo hiểm y tế ở BV tư như BV công, không phân biệt công – tư khi chuyển tuyến... Hiện nay nhiều dịch vụ y tế của BV tư vẫn không được chi trả như BV công. Bệnh nhân sẽ thiệt thòi về kinh tế nếu như chuyển viện không đúng tuyến nhưng BV tư không có trong danh sách. 
Một bản thỏa thuận hợp tác giữa BV công và tư là một hình thức BV công "hỗ trợ" BV tư trong việc giảm tải BV mình và tăng lượng BV cho BV tư.

Đọc thêm