Thạch Thất (Hà Nội): Các làng nghề mộc sống chung với ô nhiễm

(PLVN) - Những năm qua, các làng nghề làm mộc tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề một cách quá “nóng” đã tạo nên sức ép không nhỏ đến môi trường địa phương.
Đường làng, ngõ xóm tại làng nghề luôn trong tình trạng bụi bặm
Đường làng, ngõ xóm tại làng nghề luôn trong tình trạng bụi bặm

Bụi gỗ, hóa chất và tiếng ồn

Xã Hữu Bằng vốn là nơi làm nghề mộc truyền thống. Những người thợ tài hoa nơi đây chế tác rất nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao, nổi tiếng khắp cả nước. Trong những năm qua, Hữu Bằng đã có những thay đổi lớn trong cách thức sản xuất đồ gỗ theo hướng hiện đại, ứng dụng nhiều máy móc công nghệ .

Các xưởng sản xuất gỗ thu hút nhiều lao động trong vùng và các địa bàn phụ cận. Toàn xã Hữu Bằng hiện có hơn 2.000 hộ sản xuất đồ gỗ, với mức thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Đặt chân đến xã Hữu Bằng, thứ đầu tiên “tiếp đón”  PV là mù mịt bụi gỗ. Con đường liên xã đầy rẫy những mạt cưa, mùn gỗ từ việc sản xuất và vận chuyển gỗ tạo ra. Vào sâu trong làng, hiện hữu trước mắt chúng tôi là những xưởng mộc nằm san sát nhau, phần đông các gia đình ở đây đều tận dụng khuôn viên sân nhà để làm nơi sản xuất.

Đặc trưng của nghề mộc là sử dụng máy móc ở hầu hết các khâu sản xuất. Các công đoạn cắt, xẻ, bào gỗ, đánh bóng đều phát sinh ra bụi gỗ, mùn cưa. Mặc dù, các chất thải  được thu gom, bán cho các hộ dân vùng lân cận để làm chất đốt, nhưng một phần bụi gỗ vẫn bị phát tán ra môi trường xung quanh. 

Ông N.V.T, chủ xưởng mộc ở thôn Bò, xã Hữu Bằng cho biết: “Đặc trưng của nghề mộc là bụi gỗ, cắt cũng bụi, bào cũng bụi, đánh bóng cũng bụi nên đành chấp nhận, không biết làm sao cả. Gia đình tôi cũng đã đầu tư lắp hai quạt hút bụi nhưng không giải quyết được hết bụi gỗ.” 

Cùng với bụi gỗ, tiếng ồn cũng là một thứ “tra tấn” mà người dân thôn Bò phải gánh chịu suốt nhiều năm nay. Trong các xưởng sản xuất, tiếng gõ, đục lạch cạch, tiếng máy cưa, xẻ ầm ầm vang lên suốt ngày.

Người dân địa phương phản ánh, tiếng ồn chỉ tạm lắng từ lúc đêm khuya. Vào những ngày cao điểm, máy móc hoạt động hết công suất thì thôn xóm ồn ào chẳng khác nào “đại công trường”.

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn không chỉ xảy ra ở thôn Bò mà trên cả địa bàn làng nghề xã Hữu Bằng. Ở các xã khác của huyện Thạch Thất như Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn cũng diễn ra tương tự. Xưởng sản xuất của nhà ông Lê Văn Đại (thôn 7, xã Canh Nậu) có quy mô khá nhỏ (diện tích khoảng 150m2) nhưng ông Đại vẫn phải sắm đủ các máy cưa, xẻ, bào… để phục vụ sản xuất.

Những lúc máy chạy, tiếng máy móc lấn át hết tiếng nói của mọi người trong gia đình. Ông Đại tâm sự: “Cháu nội tôi mới 2 tháng tuổi nhưng phải gửi hai mẹ con về nhà ngoại dưới Phúc Thọ ở tạm vài tháng giáp Tết. Ở nhà máy móc ồn áo, cháu hay giật mình quấy khóc. Nhà tôi đang tính làm một phòng cách âm để các cháu có không gian yên tĩnh học tập, nghỉ ngơi”.

Không chỉ ô nhiễm bụi, hoạt động sản xuất tại làng nghề còn phát tán ra môi trường một lượng hóa chất đáng kể từ hoạt động phun sơn. Theo tìm hiểu, 100% các xưởng làm đồ gỗ đều sử dụng phun sơn bằng bình máy.

Đáng nói, hoạt động này có thể gây ảnh hưởng những hộ dân khác trong vòng bán kính 300m.  Đặc biệt, loại  sơn được hầu hết các hộ gia đình sử dụng phổ biến là sơn PU, véc- ni có chứa hóa chất gây độc hại rất cao, là tác nhân gây ra các bệnh như hen suyễn, viêm đường hô hấp, dị ứng da và về lâu dài có thể nguồn gốc để phát triển căn bệnh ung thư.

Mùn cưa, bụi gỗ liên tục được các công nhân “phát tán”
Mùn cưa, bụi gỗ liên tục được các công nhân “phát tán”

Anh Phí Văn Lai, người dân xã Hữu Bằng chia sẻ: “Nhà tôi ở gần mấy xưởng làm mộc, thường xuyên phải ngửi mùi sơn rất khó chịu, bà cụ nhà tôi thường xuyên kêu khó thở, tức ngực, đau đầu. Đặc biệt vào dịp cuối năm, người ta chạy hàng nhiều, phun sơn đến tận 9, 10 giờ tối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình”.

Không chỉ người dân phàn nàn, chính những người thợ làm việc tại các xưởng mộc cũng khẳng định họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc phun sơn. Một công nhân làm việc tại xưởng mộc ở thôn Đông, xã Hữu Bằng cho biết: “Tôi thường xuyên phải trang bị hai lớp khẩu trang, kính khi làm việc. Nhiều người đến đây làm một, hai buổi lại bỏ đi vì không thể thích nghi với môi trường làm việc đầy ô nhiễm này”.

Sống chung với ô nhiễm

Bài toán ô nhiễm các làng nghề mộc ở huyện Thạch Thất đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Nói về việc sản xuất đồ gỗ gây ô nhiễm môi trường, một chủ xưởng đồ gỗ ở thôn 8, xã Canh Nậu thừa nhận: “Vì làm nghề mộc nên môi trường trong thôn không được trong lành như những nơi khác. Dẫu biết làm nghề này gây hại cho môi trường nhưng nhà tôi chưa có biện pháp nào khắc phục triệt để. Tôi cũng như các hộ làm nghề khác vẫn mong muốn có một nơi sản xuất tập trung để đỡ gây ảnh hưởng tới bà con trong xóm”.

Có thể nói, hầu hết những người dân trong các làng nghề mộc đều ý thức được mối nguy hại đến sức khỏe từ việc sản xuất, cùng với đó là tác động xấu tới môi trường sinh sống. Tuy nhiên, họ vẫn phải chấp nhận để lao động sản xuất. 

Sống trong làng nghề lâu nay, những người dân ở đây đã tìm mọi cách để “sống chung với lũ”. Cụ Nguyễn Thị Mậu (xã Canh Nậu, Thạch Thất) cho hay: “Gia đình tôi không làm nghề, nhưng làng nghề chính là quê hương tôi, quê nó như vậy thì mỗi nhà phải tự thích ứng thôi. Gia đình tôi lợp tôn kín sân, phủ bạt hết các tường rào, thường xuyên đóng cửa để ngăn bụi. Sống trong môi trường này mấy chục năm nay cũng quen rồi”.

Cùng chung nỗi mong mỏi của nhân dân trong xã, ông Phan Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Hữu Bằng chia sẻ: “Mỗi năm, UBND xã đều kiến nghị huyện TP sớm phê duyệt và triển khai đề án xây dựng cụm công nghệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra ngoài đó. Đây được coi như là giải pháp ổn định và lâu dài để giải quyết vấn đề môi trường tồn tại lâu nay tại địa bàn.”

Phát triển làng nghề truyền thống đã mang lại cho người dân địa phương cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cần gắn với vảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh việc người dân phải trả giá quá đắt cho mưu sinh.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hành động mạnh mẽ hơn, có những giải pháp bền vững để giữ gìn và cải tạo môi trường làng nghề, trong đó có làng nghề gỗ ở Thạch Thất.

Đọc thêm