Thách thức an ninh nguồn nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Chính phủ hồ sơ Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng lúc Quốc hội dự thảo lần 1 Nghị quyết Phê duyệt Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 để sắp tới Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Điều này cho thấy sự cấp bách của vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ của chúng ta hiện nay.
Thách thức an ninh nguồn nước

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Việt Nam không giàu về nước, tuy có tổng lượng nước mặt khoảng 840 tỷ m3, nhưng có đến 520 tỷ m3 (tương ứng 63% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Việt Nam cũng có khoảng 3450 con sông với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính, 126 con sông bắt nguồn từ nước ngoài, 76 con sông bắt nguồn từ trong nước chảy ra nước khác, 4 con sông chảy vào sau đó chảy ra.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, sẽ có 5 lưu vực sông lớn của Việt Nam phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước, 2 lưu vực rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước rất khó khăn. 

Tại thời điểm hiện tại, nhiều vùng, địa bàn trên cả nước đã không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra thường xuyên trên diện rộng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi phải có ngay các giải pháp giải quyết kịp thời.

Thách thức lớn nữa đó là việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Mức độ ô nhiễm nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao và có xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Chính vì thế, Việt Nam không phải là một quốc gia dồi dào về nước, mà còn hiện hữu và tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước (ANNN). Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đứng thứ 10 của thế giới và thứ 3 của khu vực có chỉ số ANNN thấp.

Báo động đỏ!

Do Việt Nam nằm ở cuối nguồn các lưu vực sông quốc tế nên sẽ chịu tác động lũy tích từ tất cả các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, ANNN đang là vấn đề “cấp bách” cần giải quyết sớm đối với Việt Nam. Thời gian qua, các vùng miền của Việt Nam liên tục cầu cứu vì thiếu nước ngọt. Điển hình là Đồng bằng sông Cửu Long trong các năm 2015-2016 và 2019-2020 thiếu hụt nguồn nước dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

Không những thế, hiện Việt Nam có 7.771 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 429 đập, hồ chứa thủy điện; 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi (6.750 hồ chứa và 592 đập dâng). Các hồ chứa đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, tổng hợp từ kết quả báo cáo đánh giá hiện trạng công trình của các địa phương, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, thiếu khả năng tháo lũ, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, bị hư hỏng nghiêm trọng, cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách ngay trong năm 2020. Các hồ chứa này tiềm ẩn nguy cơ cao bị sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du đập, đặc biệt khi xuất hiện mưa lũ lớn, cực đoan.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước đã nổi lên và trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và ANNN của Việt Nam. Theo thống kê, ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông, trong hệ thống các công trình thủy lợi nơi tập trung đông dân cư và là trung tâm kinh tế điển hình như ở lưu vực sông Nhuệ, Đáy, Cầu và sông Đồng Nai, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hệ thống thủy lợi Bắc Đuống... Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu như: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và một lượng không nhỏ chất thải rắn không được kiểm soát. Trong đó, lượng nước thải sinh hoạt, nông nghiệp (bao gồm cả nuôi trồng thủy sản), công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các loại hình nước thải phát sinh, xả vào nguồn nước. 

Đọc thêm