Thái Bình: Nghị quyết của Đảng ủy được thể hiện ở… sổ tay?

(PLO) - Cho rằng bị chấm dứt hợp đồng thuê đất thiếu căn cứ, ông Lê Quang Lập (trú tổ 8, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình) khởi kiện và yêu cầu Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Phong bồi thường thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng, hai cấp tòa đã căn cứ chứng cứ bị nghi là giả mạo để bác yêu cầu của nguyên đơn?
Phần tài sản mà  ông Lập đã đầu tư trên đất bị Tòa yêu cầu phá dỡ để trả lại đất cho bị đơn.
Phần tài sản mà ông Lập đã đầu tư trên đất bị Tòa yêu cầu phá dỡ để trả lại đất cho bị đơn.
Ra “Thông báo đòi đất” rồi bỏ lửng
Năm 1992, Hợp tác xã (HTX) Dệt Tiền Phong (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có ký hợp đồng cho 4 hộ thuê đất làm nhà để sản xuất kinh doanh tại khu vực nhà thảm, trong đó có hộ ông Lê Quang Lập. Hợp đồng nêu rõ “thời hạn thuê là 8 năm” (tức đến tháng 8/2000) và “nếu trong thời hạn thuê đất mà HTX cần xây dựng nhà hoặc công trình khác hoặc mở rộng sản xuất để phục vụ cho tập thể thì ông Lập phải dỡ bỏ công trình mà không được bồi thường. Nếu có, HTX báo ít nhất 3 tháng để cá nhân chuyển địa điểm mới...”.
Đến tháng 8/1995, cho rằng địa phương có nhu cầu sử dụng phần diện tích đất đã cho các hộ thuê trước đây, HTX Nông nghiệp (NN) Tiền Phong (đơn vị tiếp nhận đất đai, tài sản sau khi HTX Dệt Tiền Phong bị giải thể) có Thông báo gửi ông Lập với nội dung như sau: “Được sự thống nhất của Thường vụ Đảng ủy, UBND xã và HĐND xã Tiền Phong; xét thực tế địa điểm xây dựng nơi làm việc của địa phương; nay UBND xã Tiền Phong thống nhất xây dựng tại địa điểm khu vực nhà thảm thuộc HTX NN  quản lý, giao HTX NN thông báo cho các hộ gia đình thuê mượn biết và giao lại khu đất đó cho UBND xã xây dựng…”.
Tuy nhiên, sau đó HTX không tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất, không lấy lại đất và UBND xã Tiền Phong cũng không xây dựng trụ sở trên diện tích đất này. Dù vậy, vợ chồng ông Lập vẫn cho rằng, do Thông báo đòi đất nói trên mà gia đình ông đã bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng (do dừng sản xuất, bị phạt hợp đồng, phải bán rẻ máy xay xát gạo). HTX NN Tiền Phong là bên có lỗi do đã ra Thông báo đòi đất vội vàng, thiếu căn cứ, không đúng nội dung hợp đồng thuê đất nên phải bồi thường thiệt hại.
“Cần xây dựng” chỉ là nhu cầu ảo? 
Phản bác lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đại diện HTX NN Tiền Phong cho rằng, Hợp đồng thuê đất năm 1992 không bị chấm dứt bởi Thông báo đòi đất năm 1995 nên HTX không phải bồi thường. Lý giải cho việc ra thông báo đòi đất năm 1995, bị đơn xuất trình cho Tòa một số trang giấy được cho là “trích trong sổ ghi Nghị quyết của Đảng ủy xã Tiền Phong” tháng 2/1994 (có ghi chung chung là “thu lại diện tích cho thuê để xây dựng trụ sở ủy ban”). 
Khi được Tòa lấy lời khai thì ông Nguyễn Minh Nhật, nguyên Chủ nhiệm HTX NN Tiền Phong biện minh cho việc mình đặt bút ký Thông báo đòi đất năm 1995 rằng: “Năm 1994, UBND có hướng quy hoạch chuyển trụ sở UBND xã về khu nhà thảm và đã trình dự án xây dựng trụ sở mới, được UBND thị xã Thái Bình chấp nhận.”.
Tuy nhiên, ông Nhật lại không đưa ra bất cứ một “tờ trình” hay văn bản chính thức nào để chứng minh cho lời khai nói trên của mình. Bị đơn cũng không xuất trình được Nghị quyết của Đảng ủy xã Tiền Phong để xem có đúng với nội dung ghi chép trong cuốn sổ tay hay không.
Thực chất, cái gọi là “sổ ghi Nghị quyết của Đảng ủy xã Tiền Phong” do bị đơn xuất trình chỉ là một cuốn sổ tay ghi chép lại nội dung các cuộc họp, không rõ người viết, không chữ ký, không đóng dấu, không biết ai là người chủ tọa cuộc họp và cũng không có kết luận cuộc họp… Rõ ràng, đây không phải là Nghị quyết của Đảng ủy, cũng không phải một văn bản có giá trị pháp lý để thực hiện và chắc chắn cũng chẳng phải là biên bản cuộc họp. Đó là chưa nói đến việc ông Lê Quang Lập đang tố cáo đây là chứng cứ bị làm giả vì “bằng mắt thường cũng có thể thấy dòng chữ “thu lại diện tích cho thuê để xây dựng trụ sở ủy ban” đã được viết thêm vào trong cuốn sổ tay này.
Thế nhưng, cả TAND TP.Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình đã vội chấp nhận nội dung những trang sổ tay nói trên là chứng cứ của vụ án, coi đó có giá trị như là Nghị quyết của Đảng ủy mà không làm rõ về nguồn gốc, không xác định giá trị pháp lý hay giám định chữ viết trong cuốn sổ này. Ngoài ra, Tòa còn chấp nhận lời khai của người đã từng ký Thông báo đòi đất để đi đến nhận định rằng “việc HTX ra Thông báo đòi đất là có căn cứ”. Từ đây, cả hai cấp Tòa đã bác đơn yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn và tuyên bố “chấm dứt hợp đồng thuê đất” giữa ông Lập và HTX. 
Hiện, ông Lập đã có nhiều đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án này vì cho rằng Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã đánh giá chứng cứ không đúng, thiếu khách quan, đồng thời xác định sai tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Minh Nhật.
Nghi vấn bị đơn giả mạo chứng cứ 
“Thua kiện ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn đang chờ kết quả giải quyết từ cấp giám đốc thẩm và có đơn tố cáo cho rằng bị đơn đã giả mạo chứng cứ là cuốn sổ tay ghi Nghị quyết của Đảng ủy xã năm 1994.  Nhưng cả TAND TP.Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình đã vội chấp nhận nội dung những trang sổ tay nói trên là chứng cứ, có giá trị như Nghị quyết của Đảng ủy”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm