Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, Bình An hiện hoàn toàn tỉnh táo, không suy hô hấp, tự thở hoàn toàn, có thể ăn sữa qua bình, đủ tiêu chuẩn để xuất viện.
Bác sĩ Giang thông tin, giai đoạn khó khăn nhất với bé đã qua, các bác sĩ đã kiểm tra rất kỹ tình hình của trẻ trước khi cho ra viện, xác định toàn trạng bé rất tốt, không có nguy cơ nào đáng kể về sức khỏe.
“Chúng tôi hy vọng Trung tâm bảo trợ sẽ bố trí người chăm sóc, nuôi dưỡng Bình An thật tốt để cháu có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường khác”, ông Giang chia sẻ.
Bé Bình An tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn chiều 15/9 |
Trong giờ phút chia tay em bé, điều dưỡng Ngô Thị Minh Loan, người trực tiếp tham gia chăm sóc con trong hơn 2 tháng qua không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Sơ sinh thường gọi các em bé là con, xưng là bố, mẹ.
Chị Loan tâm sự, Bình An đã rất nỗ lực cùng với các bố, các mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn để ngày hôm nay được khỏe mạnh ra viện.
“Là đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, mong con ngày một khỏe mạnh, cố gắng trở thành người có ích cho xã hội và mạnh mẽ vượt qua mọi trắc trở trong cuộc sống sau này. Các mẹ sẽ rất nhớ con”, chị Loan nói.
Đại diện của trung tâm bảo trợ xã hội, người nhận nuôi Bình An chia sẻ, ngay khi nhận được thông tin về trường hợp đặc biệt của bé, phía Trung tâm đã lên phương án chuẩn bị những gì tốt nhất có thể để chăm sóc cháu.
Trước khi đón bé về tổ ấm mới, Trung tâm bảo trợ gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã giúp đỡ Bình An, đặc biệt là tập thể y, bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vì những nỗ lực không ngừng để giành lại sự sống cho con.
Bình An chia tay các y bác sĩ để về Trung tâm bảo trợ |
Bình An là trường hợp thai nhi bị nạo phá tuần 31, được nhóm thiện nguyện đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu lúc 20h ngày 4/7. Thời điểm nhập viện, trẻ chỉ nặng 1.6kg, đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, toàn thân tím tái, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34.8 độ C.
Các bác sĩ ngay lập tức đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Sau đó, em bé được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, cho sử dụng kháng sinh và truyền các loại thuốc khác. Sau hơn 1 tháng thở máy, thở oxy, con có sự tiến triển tốt, được cho dừng thở oxy vào ngày 13/8.
Ngoài vấn đề về hô hấp, trẻ còn bị nhiễm trùng rất nặng. Song song với việc duy trì thở máy, các bác sĩ phải cho bé sử dụng kháng sinh liên tục trong vòng 5 tuần để cải thiện tình trạng này.
Sự hồi phục của Bình An được các bác sĩ gọi là điều “cực kỳ may mắn”, bởi những trường hợp thai nhị bị nạo phá tương tự khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé.