Thảm án 2 mẹ con bị sát hại dã man trong rừng

Hơn 10 ngày nay, người dân thôn Đon Nhậu (xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) xôn xao kinh hãi bàn tán chuyện hai mẹ con vào rừng hái củi rồi bị giết chết một cách dã man. Xóm nhỏ này chưa từng chứng kiến vụ án nào kinh hoàng đến thế...

Hơn 10 ngày nay người dân thôn Đon Nhậu (xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) xôn xao kinh hãi bàn tán chuyện hai mẹ con vào rừng hái củi rồi bị giết chết một cách dã man. Xóm nhỏ này chưa từng chứng kiến vụ án nào kinh hoàng đến thế.

Thảm án trong rừng sâu

Ông Ma Văn Châu (SN 1951), bố chồng của nạn nhân chính là người đầu tiên phát hiện ra cái chết thê thảm của con dâu và cháu nội trong rừng. Ông thuật lại, khoảng 8h sáng ngày 11/12, người con dâu của ông là chị Phan Thị Tiếp (SN 1981) cùng con gái là Ma Thị Thúy Niềm (SN 2003) vào khu rừng của gia đình ở đồi Cốc Chanh hái củi. Thông thường, con dâu ông đi hái củi chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ sau là về vì đang có con nhỏ mới được 7 tháng tuổi ở nhà đang bú sữa, nếu đi lâu thì con nhỏ sẽ khóc lóc.

Thế nhưng không hiểu sao hôm đó, con cháu ông đi mãi mà không thấy quay về. Ở nhà, sốt ruột đợi mãi mà không thấy, đến khoảng 12h trưa ông mới vào rừng tìm người nhà. Đáng ra việc đi tìm này là nên để người chồng đi, nhưng vì chồng của chị Tiếp bị bệnh thần kinh tọa, cứ đi được khoảng 30m là lại đau mỏi chân không đi được nên người cha bảo con trai ở nhà.

Theo lời kể của ông Châu, đến khu rừng nhà mình, ông vừa đi vừa nghe ngóng xem có tiếng dao chặt củi gì hay không nhưng không gian im ắng không một tiếng động. Rừng núi hoang vu, cây cỏ rậm rạp, lại là lúc giữa buổi trưa nên tịnh không một bóng người. Ông đi sâu vào trong rừng cách đường cái khoảng 160m thì có một đoạn rẽ. Mới rẽ sang đoạn đó thì ông lão kinh hoàng nhìn thấy một cảnh tượng rùng rợn: Con dâu và cháu nội mình bị chém nhiều nhát, nằm bất tỉnh cạnh nhau. “Con dâu tôi nằm ngửa, đứa cháu nghiêng nghiêng bên cạnh.

Thấy con và cháu đã tắt thở, tôi bàng hoàng sợ hãi tay chân bủn rủn không kêu lên tiếng. Tôi sững lại một lúc rồi chạy về nhà thông báo sự việc cho gia đình và chính quyền địa phương”, nhân chứng thuật lại.

Người bố chồng bên hiện trường vụ án.

Ông Châu cũng cho biết thêm, khi ông vào rừng thì ở ngoài đường cái, cách nơi xảy ra vụ thảm sát khoảng 400m có một người đàn ông lạ ước chừng khoảng 40 tuổi, đội mũ bảo hiểm đứng ven đường như chờ đợi một ai đó. Khi ông vào rừng chứng kiến cảnh tượng con cháu mình chết thảm nên chạy ra, vẫn thấy người đàn ông này đứng đó. “Lúc ấy tôi hoang mang quá không còn nghĩ ngợi được gì, chỉ biết rằng có gặp một người đàn ông lạ, nhìn dáng người thì tôi chắc chắn không phải người ở trong vùng. Khi ấy tôi cũng không nhớ được biển số xe máy bên cạnh người đàn ông lạ kia là gì”, vẫn lời ông Châu.

Sau khi sự việc được báo cáo lên chính quyền xã, dân quân địa phương và công an viên trong xã đã khẩn trương đến bảo vệ hiện trường, đồng thời chính quyền thông báo sự việc lên cấp huyện, cấp tỉnh. Đến khoảng 9h tối cùng ngày, sau khi cơ quan công an tỉnh Bắc Kạn thực hiện các công việc thu thập chứng cứ hiện trường, khám nghiệm tử thi thì xác hai mẹ con xấu số mới được đưa về nhà làm ma chay trong sự thương tiếc, bàng hoàng của người dân trong xã. Kết quả khám nghiệm tử thi của công an tỉnh Bắc Kạn cho thấy hai nạn nhân chết là do bị nhiều vết thương tích ở đầu, ở ngực do vật sắc nhọn gây nên. Kết quả khám nghiệm tử thi cũng cho thấy vụ việc không có dấu hiệu cưỡng hiếp, không có dấu hiệu vật lộn đánh nhau.

Đám tang của hai mẹ con xấu số được những người hàng xóm giúp đỡ tận tình. Cả làng không ai là không rơi rệ trong ngày đưa đám. Họ khóc vì tội ác quá rùng rợn ngoài sự tưởng tượng của họ, vì cái chết quá bất ngờ, quá thương tâm của hai mẹ con còn rất trẻ. Hai nấm mồ của hai mẹ con được chôn cạnh nhau, ở ngay phía dưới hiện trường xảy ra vụ án khoảng 100m, cách đường cái khoảng 60m. Nhìn hai nấm mồ mới ở bên nhau, nhiều người đi đường không khỏi thương tiếc, xúc động. “Hai mẹ con sống và chết đều ở bên nhau. Cầu mong ở dưới suối vàng hai mẹ con sẽ được siêu thoát”, một bà lão đi đường ngẩn ngơ đứng lại và lẩm bẩm cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số.

Bản nhỏ tang thương

Vụ án xảy ra đã hơn 10 ngày nay nhưng đến nay thủ phạm gây ra tội ác tày đình này vẫn còn là một bí ẩn. Ngay sau khi được trình báo, công an cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Kạn nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và Phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Văn Cường trực tiếp chỉ đạo vụ án này.

Các điều tra viên tham gia phá án đã có nhiều ngày đêm túc trực tại thôn Đon Nhậu và các vùng lân cận để điều tra trong cái lạnh thấu xương thịt của mùa đông miền sơn cước Bắc Kạn. Công an viên xã Yên Cư được giao nhiệm vụ cứ thấy người lạ nào đến địa phương là kiểm tra hành chính để báo cáo chính quyền, công an. Người dân xã Yên Cư được chính quyền và công an tỉnh họp lại và phổ biến rằng nếu thấy người lạ hay tang vật gì ở trong vùng thì nhanh chóng  với công an hoặc chính quyền sở tại. Mọi cố gắng đó đều nhằm chung mục đích là sớm đưa hung thủ ra ánh sáng.

Thế nhưng, sau hơn 10 ngày những cố gắng đó vẫn chưa mang lại kết quả, hung thủ vẫn là một ẩn số. Điều tra viên La Thanh Châu, người trực tiếp được giao nhiệm vụ hiện điều tra vụ án này nhận định rằng đây là một vụ án nghiêm trọng và phức tạp ở chỗ, gia đình nạn nhân xưa nay sống hòa thuận, không hề có mâu thuẫn với người hàng xóm xung quanh nào. Hiện trường vụ án cũng không để lại dấu vết gì của hung thủ.

Anh Hà Văn Quynh (SN 1981), trưởng thôn Đon Nhậu trầm ngâm cho biết từ lâu nay, cả thôn Đon Nhậu gồm 45 nóc nhà sàn sống thanh bình, hòa thuận. Làng trên xóm dưới hầu chưa có một cuộc cãi vã, ẩu đả nào nghiêm trọng. Ngay cả việc mất con gà, con vịt ở trong thôn cũng rất hiếm xảy ra. Cả thôn không ai nghiện ngập, bê tha rượu chè. Ai cũng sống hiền lành, chất phác. Vấn đề an ninh trật tự trong thôn bản được đảm bảo một cách tuyệt đối.

“Dù các anh có để xe ở sát lề đường thì đến sáng mai tôi đảm bảo xe các anh không mất một cái gương, không long một cái ốc”, thấy chúng tôi dắt chiếc xe máy vào gầm nhà sàn nên anh Quynh đã “cá” như vậy để chứng minh vấn đề an ninh thôn được đảm bảo tuyệt đối từ trước đến nay. Trầm ngâm một lúc, anh Quynh thở dài rồi bảo: “Thế mà không hiểu vì lí do gì mà mẹ con nhà Tiếp lại bị chém chết thảm đến thế ở ngay khu vực của thôn”.

Theo trưởng thôn, vợ chồng chị Tiếp từ trước đến nay sống hạnh phúc với nhau, chưa xảy ra mâu thuẫn gì. Đối với bà con lối xóm, anh chị Tiếp sống hòa đồng, tình cảm, tắt lửa tối đèn có nhau. “Thế nên tôi mới khó hiểu và bất ngờ vì họ có hằn thù với ai đâu mà bị chém chết liền cùng một lúc”, anh Quynh nói.

Suốt 10 ngày nay dân làng sống trong hoang mang lo lắng, ban đêm không ai dám đi ra khỏi nhà. Vị trưởng thôn cho biết, vào khoảng thời gian này hàng năm, gia đình nào cũng có người vào rừng hái củi, tìm lá dong để chuẩn bị gói bánh ngày Tết, nhưng năm nay ai cũng lo sợ, không còn dám vào rừng hái củi từ vụ việc các nạn nhân bị giết trong rừng. Công việc đồng áng, lao động sản xuất của bà con nơi đây cũng trở nên đình trệ. Nhiều người không dám đi đâu một mình, cho dù là đi vào ban ngày vì nỗi ám ảnh hung thủ giết người vẫn đang giấu mặt. “Tôi có đứa em gái mới lấy chồng ở trong thôn này. Dù chồng con nó có cũng ở nhà nhưng nó sợ nên mẹ tôi phải xuống nhà ở cùng”, anh Quynh nói.

Ngôi mộ hai mẹ con nằm chơ vơ bên đường.

Cũng sau vụ án, một bộ phận người dân trong xã Yên Cư viện vào… ma quỷ để giải thích sự việc. Họ đồn đại rằng ở trong rừng có thể có “ma quỷ gì đó” mới xuất hiện và sẵn sàng giết người một cách man rợ như thế. “Khi mà mọi sự chưa rõ ràng, chưa bắt được hung thủ thì một bộ phận người dân mê tín dị đoan lấy việc mà quỷ ra để giải thích cũng là điều dễ hiểu. Tôi cũng như những người dân trong thôn, trong xã mong sao cơ quan công an sớm đưa hung thủ ra ánh sáng để bà con yên tâm sinh sống và sản xuất”, vị trưởng thôn đưa ra kiến nghị.

Ban thờ không di ảnh

Chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân vào một buổi sáng sớm, khi sự việc kinh hoàng giáng xuống gia đình họ được khoảng 10 ngày. Trong căn nhà sàn đơn sơ, người chồng tên Luân ngồi thu lu một mình bên bếp lửa, khuôn mặt hốc hác vì mất ăn, mất ngủ. Gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã Yên Cư, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào hơn 3 sào ruộng và vài ha đồi hoang trong rừng. Đang dở câu chuyện với anh Luân, thì từ nhà người anh cả ở ngay bên cạnh, bố và mẹ anh bế đứa con trai mới được 7 tháng tuổi bước vào cùng ngồi bên bếp lửa.

Dù bếp vẫn cháy lên ngọn lửa nhưng không làm tan đi không khí đau thương, tang tóc đang phủ kín cả gia đình. Bàn thờ của mẹ con chị Tiếp được dựng chung trên một cái bàn gỗ đơn sơ. Trên bàn thờ không có một di ảnh của người mẹ hay người con, mà chỉ có giấy chứng minh thư của chị Tiếp. “Gia đình chúng tôi nghèo nên đến cả tấm hình của hai mẹ con mà tôi cũng không có. Giờ mỗi lần nhớ vợ, nhớ con tôi chỉ có thể tưởng tượng lại trong đầu chứ không có hình để ngắm”, người chồng rầu rĩ nói.

Anh Luân kể rằng vợ mình người ở xã bên cạnh, trong nhiều dịp đi chơi hai người đã quen và yêu nhau. Sau hai năm yêu đương thấy thật sự cần và hiểu nhau nên đã tổ chức lễ cưới vào năm 2002. Đến năm 2003 thì sinh được đứa con gái đầu lòng. Mãi đến đầu năm nay anh chị mới đẻ thêm một bé trai kháu khỉnh. “Cháu nó được 7 tháng tuổi, vẫn đang trong thời gian bú sữa mẹ. Nhưng giờ mẹ nó mất rồi, cả ngày nó gào khóc tìm sữa. Giờ uống sữa bò, ăn bột không quen nên cháu nó cứ khóc suốt, vài ngày nay còn bị sốt nhẹ”, anh Luân nói.

Nhắc đến đứa con 9 tuổi bị chết thảm vì theo mẹ vào rừng hái củi, anh Luân chỉ biết câm nín. Trước câu hỏi của chúng tôi là vì sao cháu còn nhỏ thế mà đã vào rừng hái củi, cả anh Luân và bố mẹ anh im lặng. Mãi một hồi sau, anh Luân mới ngẩng mặt lên bảo: “Ở đây trẻ con nào cũng thế cả thôi các anh ạ, cứ 8 - 9 tuổi đã phải vào rừng hái củi hoặc giúp đỡ các việc đồng áng khác của gia đình rồi. Cũng tại cái nghèo, cái đói mà phải thế chứ chúng tôi cũng thương con cái lắm chứ”.

Thở dài một hơi, anh nói tiếp: “Biết trước thế này tôi cứ để nó ở nhà, không cho theo mẹ thì sự việc thương tâm đâu có xảy ra”. Đang bế đứa cháu trai 7 tháng tuổi trong lòng, mẹ anh Luân xen vào: “Cái Niềm nó ngoan ngoãn và học giỏi lắm. Mới học lớp 3 thôi mà viết chữ rất đẹp, năm nào nó cũng được học sinh tiên tiến”. Nhìn lên bàn thờ lạnh lẽo không một di ảnh của những người đã khuất, khách đến chia buồn bỗng nhói lên một nỗi đau khó tả.

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm