Hơn 4 năm nhập vào Hà Nội, 43 thôn bản với hơn 60% đồng bào dân tộc Mường của 4 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung và Đông Xuân) của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được vinh dự làm công dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc quy hoạch nông thôn mới ở các bản Mường của miền núi Hà Nội đang được hình dung như một bức tranh còn nhiều gam màu dang dở…
Qua 4 năm sáp nhập vào Hà Nội, nhiều đường liên thôn, liên xã ở Tiến Xuân vẫn là đường đất. |
Ông Nguyễn Văn Trung nguyên là cán bộ Đoàn của huyện Thạch Thất vừa được tổ chức điều chuyển công tác nhận chức Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân được vài tháng. Công việc trước tiên của ông Trung là chỉ đạo chính quyền khẩn trương rà soát lại phần 25 dự án mà trước đây UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp đè lên diện tích tự nhiên của xã Tiến Xuân từ trước ngày 01/8/2008, mà nay phần lớn đang bị bỏ hoang hoặc dang dỡ, kém hiệu quả, để báo cáo lên cấp trên.
“Nan giải lắm. Hơn bốn năm sát nhập vào Hà Nội, trụ sở, nhà công vụ của xã Tiến Xuân vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới. Hầu hết đường liên thôn tới 18 bản của xã vẫn là đường đất và cấp phối. Mương tưới tiêu đến ruộng nương chưa được quy hoạch. Chăn nuôi tự phát. Trâu, bò chăn thả… lổm ngổm”, ông Trung nói xong rồi chống hai tay lên vò trán.
Dân số 18 bản của xã Tiến Xuân có 7010 khẩu (1.712 hộ, chiếm 69,7% dân tộc Mường) sinh sống phân bổ trên 3.457,7 ha đất tự nhiên, trong đó có 80% là đất nông lâm nghiệp, ao hồ, sông suối. Trước khi chưa sát nhập vào Hà Nội, một số bản Mường của xã Tiến Xuân còn phải dùng đèn dầu cho trẻ em ê a ôn bài buổi tối; nay 100% số chòm bản đã có điện.
Ở xã Tiến Xuân nay mới xây dựng xong hai trường tiểu học, một bán công và một tư thục. Tuy nhiên, một số chòm dân cư vẫn còn thiếu trường mầm non và các cháu phải học nhờ ở Nhà văn hóa của bản.
Về Y tế, trước đây bệnh tay, chân, miệng thường xuyên bùng phát ở một số bản Mường của xã Tiến Xuân. Nhờ sát nhập vào Hà Nội, cán bộ y tế trước mới có y sỹ nay bác sỹ cũng được tăng cường và 18 thôn bản đền có y tá về cắm bản. Nhờ đó, bệnh tay, chân, miệng ở trẻ nhỏ được hạn chế, đẩy lùi; nay chỉ còn 31 cháu đang được chữa trị, chăm sóc và theo dõi theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Rời UBND xã Tiến Xuân, chúng tôi theo trục đường Tỉnh lộ 446 đang gập gềnh với nhiều ổ gà, ổ voi để đến xã Yên Bình. Đoạn qua cánh đồng bên chân núi Cột cơ, một nông dân bản Chùa dừng công việc với bó rau lang trên tay, trò chuyện: “Từ năm 2008, trước khi sát nhập vào hà Nội, nhiều hộ dân bản Chùa đã bán ruộng với giá 30 triệu đồng/sào Bắc bộ; năm 2009, một số hộ dân bán 50 triệu đồng/sào. Năm 2010, gia đình tôi có 5 sào đã bán 3 sào được 250 triệu đồng. Bây giờ, người mua cho mượn ruộng, trồng khoai lang để trông đất cho họ”.
“Lúc bán ruộng, gia đình có công chứng và đến UBND xã Tiến Xuân, Phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Thạch Thất để làm thủ tục chuyển nhượng không?”, đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi. Người nông dân này, trả lời: “Không đến và cũng không công chứng. Chỉ có giấy viết tay với nhau thôi…”.
Bên Tỉnh lộ 446, tại thôn Gò Chói, chúng tôi ghé thăm một Văn phòng thông tin tư vấn miễn phí về nhà đất để ghi nhận, thẩm định thêm một số thông tin về tình trạng chuyển nhượng đất mang tính chất “trao tay” đang diễn ra của một số hộ dân ở các bản Mường của Thủ đô. Tại đây, chị Cầm Thị Luận, cho biết: “Rất nhiều hộ dân trong các bản đã bán đất nông nghiệp và số tiền đó đã sử dụng hết theo mục đích của họ; nay số hộ đó phải mượn lại đất của người đã mua để gieo trồng cây vụ đông để mưu sinh”.
Cũng theo chị Luận, trước thực trạng trên, chồng chị là Đinh Văn Lâm mở Văn phòng thông tin nhà đất ở đây nhằm tư vấn miễn phí, hướng dẫn giúp cho bà con biết thêm thông tin về quy hoạch, về các quy định của pháp luật về đất đai, về thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, mua bán bất động sản đúng pháp luật, nhằm tránh hiện tượng kiện cáo có thể xảy ra sau này.
Chị Luận còn cho biết, một số hộ dân vì nghèo, những năm 2009 và 2010, họ thấy nhiều người từ Hà Nội thường xuyên đến hỏi mua đất vườn, đất ruộng đón quy hoạch, xây biệt thự, nên họ bán, nhưng thủ tục mua bán rất đơn giản. Lý do của sự “đơn giản” này xuất phát từ đâu?.
Một số hộ nông dân ở Tiến Xuân sau khi bán ruộng phải mượn lại ruộng đã bán để tăng gia sản xuất. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, một phần, họ không đến Phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm thủ tục là nhằm mục đích trốn thuế; phần khác, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung và Đông Xuân do UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cấp trước khi sát nhập và Thủ đô. Hơn 4 năm qua, các loại Giấy chứng nhận quyền sử đất ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp của 4 xã này vẫn chưa được huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất (Hà Nội) chuyển đổi.
Do vậy, bà con nông dân ở đây khi phát sinh các quan hệ giao dịch bất động sản thường không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của huyện Quốc Oai và Thạch Thất chấp nhận, nên buộc lòng họ phải giao dịch chui, mặc cho hậu quả tranh chấp về mặt pháp lý sau này có thể xảy ra.
Hiện tượng mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho bất động sản (chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp) ở một số bản Mường ở xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung và Đông Xuân đã và đang diễn ra với chiều hướng phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Hà (Chủ tịch UBND xã Yên Bình) cho biết: “Việc quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng nhà công vụ, trường học, trạm y tế, đường liên thôn, liên xã của địa phương đang dỡ dang, nhưng hiện tượng mua bán đất “đi trước đón đầu” các dự án ở đây phần lớn là không đến UBND xã Yên Bình để làm thủ tục ban đầu. Hiện nay, có nhiều trường hợp mua bán đất bất hợp pháp, nên khi cần vốn mang Giấy quyền sử dụng đất đi thế chấp không được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn”.
Để chứng minh, ông Hà cung cấp cho chúng tôi một bộ hồ sơ cụ thể do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất chuển về UBND xã Yên Bình yêu cầu xác minh lại nguồn gốc đất. Đây là trường hợp của ông Đặng Văn Vũ (trú tại Thạch Bình, xã Yên Bình) được UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 795335 ngày 25/7/2008, với diện tích là 400 m2 đất ở và trồng cây lâu năm, trước thời điểm có quyết định sát nhập vào Hà Nội 5 ngày.
Giấy chứng nhận trên được ông Vũ mang đến Ngân hàng NN&PTNT Xuân Mai để giao dịch thể chấp vay vốn. Thế nhưng, sau khi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thẩm định, thì Giấy chứng nhận này của ông Vũ không hợp pháp. Theo Công văn số 172/VPĐK do bà Nguyễn Thị Chỉnh (Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ Thạch Thất) ký ngày 31/10/2012, có nội dung: “Hồ sơ cấp GCNQSDĐ của huyện Lương Sơn không bàn giao và không đầy đủ. Nếu có kết luận của các cơ quan pháp luật như Thanh Tra, Công an,… xác định thửa đất trên cấp trái pháp luật thì phải thu hồi và hủy bỏ…”.
“Cái sự lo ngại nhất hiện nay ở xã Tiến Xuân, Yên Trung, Đông Xuân và Yên Bình với hơn 60% đồng bào dân tộc Mường có đời sống kinh tế khó khăn và lạc hậu. Một số thôn bản ở đây đã và đang tồn tại hiện tượng chuyển nhượng đất ở, nông nghiệp không giao dịch qua UBND xã và Phòng đăng ký quyền sử dụng đất có dấu hiệu phổ biến, khiến việc quy hoạch các bản Mường của Thủ đô sau này bị biến dạng. Khi có tranh chấp, hậu quả pháp lý của nó sẽ rất khó lường…”, ông Nguyễn Văn Hà cảnh báo.
Phóng sự của Trọng Anh