Thảm cảnh sau ánh hào quang “giải cứu lao động Libya"- kỳ 2

Được đón về nước trong vòng vây của báo chí, được lãnh đạo các Bộ, Ban ngành bắt tay, động viên, hứa hẹn, được các Tập đoàn kinh tế lớn nhất nước tuyên bố hỗ trợ tiền tỷ song thời gian thao thiết trôi đi, sự mong ngóng của người lao động về một sự hỗ trợ thiết thực đang dần dần trở thành hão huyền…

[links()]Được đón về nước trong vòng vây của báo chí, được lãnh đạo các Bộ, Ban ngành bắt tay, động viên, hứa hẹn, được các Tập đoàn kinh tế lớn nhất nước tuyên bố hỗ trợ tiền tỷ song thời gian thao thiết trôi đi, sự mong ngóng của người lao động về một sự hỗ trợ thiết thực đang dần dần trở thành hão huyền…

a
Những lao động trở về khắc khoải chờ trả nợ lương

Khắc khoải đợi lương, mòn mỏi chờ hỗ trợ việc làm

Trở lại với chuyện của nhóm lao động trên công trường xây dựng sân vận động TP Benghazi ( Libya) đang bị chủ sử dụng nợ lương. Anh Đoàn Văn Đức ở Đò Quan- Nam Định cho biết thu nhập của anh tại Libya là 450 USD/ tháng.

Do chủ sử dụng trả lương kiểu gối đầu, nên mặc dù tháng 1.2011 chiến sự mới thực sự bùng nổ song lương tháng 11 và tháng 12/2010 anh cũng như các anh em khác làm việc cho công ty Nalidco đều chưa được nhận.

Từ ngày về nước, tôi đi phụ xây mỗi ngày được 70 ngàn tiền công. Khi về Sở LĐTBXH tỉnh nói nhà nước sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi đi XKLĐ để tìm cơ hội bù lại thiệt hại do về nước trước hạn nhưng những chương trình mà họ đưa ra toàn những thị trường tốn tiền nhiều hơn Libya, lại còn phải đi học lâu mới được đi nên chúng tôi không đăng ký. Còn việc làm trong nước thì không được giới thiệu”, anh Đức cho biết.

Anh Hoàng Văn Hưng ở Ý Yên, Nam Định cũng cho biết vì gia đình anh thuộc hộ nghèo nên cũng mong muốn có được việc làm ổn định trong nước song “các anh trên công ty toàn gọi chúng tôi lên hỏi rồi lại cho về”.

Anh Bùi Đức Hạnh ở  Quang Trung,TP Thái Bình còn cho biết anh lên công ty một lần rồi thất vọng đến mức không buồn thanh lý hợp đồng.

"Ông Nguyễn Công Đoan- giám đốc chi nhánh ISalco Hà Nội giục tôi ký thanh lý và bảo : ký đi để về sau không còn thắc mắc gì với công ty nữa. Tôi không đồng ý vì lương còn nợ của chúng tôi 4 tháng, vì sao lại bảo thanh lý để không phải giải quyết nữa. Vì vậy chúng tôi chờ giải quyết xong nợ lương thì mới lên thanh lý hợp đồng. Chúng tôi ở quê xa lên thủ đô chỗ ăn không có, chỗ ở thì không nên cứ ngồi đường thôi”, anh Hạnh bức xúc phản ảnh.

Anh Hạnh cũng cho biết nhiều lần tới Sở LĐTBXH đề đăng ký tìm việc làm nhưng ngưởi ở Sở cũng chỉ ghi tên rồi bảo về chờ đợi  nhưng cả nửa năm trôi qua cũng không có ai gọi anh lên đi làm hay được thông tin về việc tuyển dụng lao động từng đi Libya trở về trước hạn.

Tất cả những lao động gặp chúng tôi tại Nam Định và Thái Bình đều cho biết họ đều đang bị công ty Nalidco Thổ Nhĩ Kỳ nợ lương 4 tháng. “Tết sắp đến rồi, chúng tôi mong được trả nợ lương để có tiền lo cho vợ con cái tết có cái ăn, cái mặc nhưng tình hình này khó quá, gọi lên công ty thì công ty chỉ trả lời đang liên hệ, chưa có kết quả gì”, anh Hưng nói.

Rời Nam Định về huyện Kim Bảng- Hà Nam khi trời đã sập tối, trong cái lạnh tới thấu da thấu thịt, hơn 30 lao động của huyện đã chờ nhóm phóng viên lên tận đường đê để đón chúng tôi.

Anh Cao Văn Cộng xóm 6, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng cho biết anh cũng là công nhân bị công ty Nalitco nợ lương. “Khi về công ty ứng cho tôi 2 triệu cộng với 1 triệu hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra tới nay tôi chưa nhận được hỗ trợ nào khác trong khi gia đình tôi hiện đang rất khó khăn, có thể nói là một đồng lúc này cũng quý”.

Gia cảnh của anh Cộng làm chúng tôi cũng phải cất tiếng thở dài. Về nước anh không có nhà ở phải đi ở nhà, hai con còn nhỏ, vợ làm giáo viên hợp đồng mỗi tháng được 2 triệu. Bản thân anh mới đi mổ thận nên không làm gì để giúp đỡ được cho gia đình.

Gia cảnh anh Nguyễn Văn Lân ở xóm 2, Văn Lâm, thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam cũng chẳng khá hơn anh Cộng. Anh sang Lybia chưa được 2 tháng, lương chưa được nhận một đồng đã phải trở về.

Về nước anh  ôm khoản nợ vay trước khi đi cùng với khoản lãi mẹ đẻ lãi con ( do trước khi đi anh vay lãi suất ngoài chứ không vay được ngân hàng) anh như kiệt quệ bởi cùng lúc bố đẻ và con đẻ cùng phải nằm viện.

Vợ chồng tôi vì cái khó mà đang bất hòa, nợ cũ chồng nợ mới mà khoản tiền lương, công sức của mình bỏ ra ở xứ người như bị người ta quên lãng, cố tình trốn tránh”, anh Lân bức xúc.

Cũng đang sống trong cảnh phải “khất nợ”, anh Nguyễn Mạnh Dũng ở thôn Anh Xá (Kim Bảng) cho biết anh đang đi làm phụ hồ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng/ngày trong khi lãi suất mỗi tháng phải trả lãi khoảng 500 ngàn đồng.

Công ty thanh lý hợp đồng cộng với tiền hỗ trợ của nhà nước tôi được nhận về 7 triệu đồng, không đủ trả nợ vay xuất cảnh. 4 tháng lương thì bị công ty Nalidco nợ cũng mù mịt ngày được nhận. Với tình cảnh này tôi không biết bao lâu mới trả được hết nợ”, anh Dũng cho biết.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng huyện Kim Bảng- Hà Nam có khoảng 70 lao động trở về từ Libya đang gặp hoàn cảnh khó khăn như anh Dũng. Trong đó có 4 trường hợp mới sang đã gặp chiến sự nên về mà còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng. Tỉnh Hà Nam chưa có chính sách hỗ trợ người lao động nên số nợ này đang là gánh nặng cho gia đình họ.

Lao động về nước
Lao động ngày về nước cách đây một năm....

Chờ tới bao giờ?

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng số tiền công ty Nalidco nợ của công nhân 4 công ty : Sona, Việt Thắng và Vinaconex , Isalco đã là hơn 2 triệu USD. Ngoài ra còn có các công ty như Sothern Waha và công ty BTK International cũng nợ lương của hàng trăm lao động khác.

Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày và những khoản nợ khiến những cuộc sống của những gia đình có lao động trở về từ Libya càng thêm khốn khó.

Mong muốn của chúng tôi là được công ty XKLĐ quan tâm, bố trí đi tiếp những đơn hàng tốt, thu nhập cao hơn. Các chế độ của anh em còn bị nợ lại, các công ty XKLĐ cũng nên cân nhắc, tuỳ theo điều kiện góp thêm cho anh em lo tết vì anh em chúng tôi đều rất khó khăn, con cái nhỏ, nghề nghiệp công ăn việc làm chưa ổn định”  anh Cao Văn Cộng bày tỏ.

Nguyện vọng của anh Cộng và những lao động khác đang bị chủ sử dụng nợ 4-5 tháng lương là chính đáng. Nhưng ai sẽ giải quyết quyền lợi chính đáng này cho các anh?

Bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của ngành LĐTBXH, nhóm phóng viên đã cố gắng trao đổi tình hình trên với người đứng đầu ngành là bà Phạm Thị Hải Chuyền. Tuy nhiên, trong số các câu hỏi được chuyển tới Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, chỉ có những câu hỏi chung chung về chỉ tiêu năm 2012 được trả lời.

Tìm câu trả lời từ phía Cục QLLĐNN, ông Lê Văn Thanh- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết Bộ LĐTBXH Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp giải quyết. Trong tháng 12, đoàn công tác của Bộ LĐTBXH cũng đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của LĐVN làm việc ở Libya.

Các nhà thầu cho biết, hiện họ đang bị phía Libya nợ tiền nên chờ đến khi tình hình chính trị ở Libya ổn định trở lại, họ hứa sẽ tìm nguồn và tìm mọi cách trả hết lương đang còn nợ cho lao động Việt Nam.

Ông Thanh khẳng định, các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ rất có thiện chí giải quyết nợ lương cho lao động Việt Nam và cam kết sẽ trả hết số tiền còn nợ , tuy nhiên thời điểm như thế nào còn phụ thuộc vào... tình hình chính trị ở Libya.

 Về tình cảnh khốn khó của lao động trở về từ Libya, ông Thanh cho biết, sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, xem xét lại - tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể, nếu những lao động nào thực sự khó khăn sẽ đề nghị Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kịp thời.

"Lao động chúng tôi đã gõ nhiều cánh cửa và cũng đã chờ đợi gần 1 năm nay nên cũng tuyệt vọng nhiều rồi. Chỉ mong lần này, qua các cơ quan thông tin đại chúng phản ảnh, chủ sử dụng nghe được tiếng nói của những người từng đổ mồ hôi và cả máu làm việc cho họ trên công trường ngày nào và họ sẽ thu xếp mà trả nợ lương cho chúng tôi. Dù họ có nói rằng chiến sự khó khăn thì họ cũng là những tập đoàn lớn, một vài trăm USD với họ không là gì, còn chúng tôi là cả cái tết không nợ nần", anh Hoàng Văn Trung- người để lại một chân trên xứ sở Libya nói với tôi như vậy khi chia tay.

Chúng tôi  ra khỏi con ngõ nhỏ với những bước chân nặng trĩu bởi được gửi gắm những hy vọng của người lao động.

  Thanh Lương

(xem tiếp : Người trong cuộc "hiến kế"để đòi được nợ lương)

Đọc thêm