Thảm cảnh sau ánh hào quang “giải cứu lao động Libya"

Gần 1 năm nay có khoảng 1000 lao động trở về tử Libya vẫn đang khắc khoải chờ đợi những đồng lương chính đáng mà họ vắt sức lao động suốt 4 tháng trước khi xảy ra chiến sự. Số tiền công ty Nalidco (Thổ Nhĩ Kỳ) - nhà thầu công trình xây dựng Sân vận động tại Thành phố Benghazi nợ công nhân Việt Nam lên tới trên 30 tỷ đồng. Cuộc “đòi nợ” mới đây nhất diễn ra vào cuối tháng 12/2011 đã thất bại.

Gần 1 năm nay có khoảng 1000 lao động trở về tử Libya vẫn đang khắc khoải chờ đợi những đồng lương chính đáng mà họ vắt sức lao động suốt 4 tháng trước khi xảy ra chiến sự.

Số tiền công ty Nalidco (Thổ Nhĩ Kỳ) - nhà thầu công trình xây dựng Sân vận động tại Thành phố Benghazi nợ công nhân Việt Nam lên tới trên 30 tỷ đồng. Cuộc “đòi nợ” mới đây nhất diễn ra vào cuối tháng 12/2011 đã thất bại.

Năm hết, tết đến, những lao động bị nợ lương theo đường dây nóng đã gọi cho báo PLVN phản ảnh thảm cảnh của họ.

Lao động cụt chân ngồi chờ chế độ

Cuộc gặp mặt cuối năm của nhóm lao động từng “chung lưng đấu cật” trên công trường sân vận động Benghazi diễn ra cấp tập ở nhà anh Vũ Hồng Quảng, vốn là quản lý lao động trên công trường này.

Ngồi thầm lặng ở một góc với đôi mắt đượm buồn, anh Hoàng Văn Trung buồn bã vén ống quần bên chân phải lên cao, để lộ cho phóng viên thấy chiếc chân giả bằng gỗ lạnh ngắt. Chúng tôi sững người nghe anh kể câu chuyện không may xảy đến với anh trước ngày Libya xảy ra chiến sự.

Anh Hoàng Văn Trung ( bên trái) với chiếc chân giả do bị tại nạn ở Lybia
Anh Hoàng Văn Trung ( bên trái) với chiếc chân giả do bị tại nạn ở Lybia

Từ quê lúa Thái Bình, tháng 8/2009 anh Trung được công ty Isalco chi nhánh Hà Nội đưa đi Libya làm việc cho công ty Nalidco. Đăng ký với công ty đi làm thợ mộc nhưng sang tới nơi anh được bố trí làm tại dây chuyển rửa cát đá của công trường. Ngày 14/12/2010 anh đang rửa cát đá thì bị một chiếc máy xúc do một lao động người bản địa lái xúc phải.

Khi đó chân tôi không bị nát, tôi cũng còn tỉnh táo. Bác sĩ của công ty và anh Quảng đưa tôi vào viện. Tôi  cũng nghĩ chỉ bó bột một thời gian là lành vì chắc chỉ gãy xương thôi nào ngờ điều trị được vài ngày thì bác sĩ nói chân tôi bị hoại tử, mạch máu không còn nên buộc phải cắt bỏ sát tới bẹn”.

Buông tiếng thở dài khi kể lại những ngày khủng hoảng tại bệnh viện khi biết chân mình phải cắt bỏ anh Trung bảo khi đó người gây ra tai nạn cho anh cũng đến hỏi thăm, cảnh sát Libya cũng hỏi anh có kiện cho người này ở tù không nhưng anh đã không kiện.

Họ cũng là lao động như mình. Tôi thấy anh ta giải thích do bị che mất tầm nhìn nên mới xúc phải tôi, họ không cố ý nên tôi không muốn kiện cho họ đi tù”, anh nói.

Cuộc “Giải cứu lao động Lybia” đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành LĐTBXH năm 2011 với nhận định : sự thành công của chiến dịch đã bảo vệ an toàn tính mạng của người lao động, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài và tạo ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.

Ánh hào quang từ cuộc giải cứu lịch sử đó đã “ghi điểm” cho nhiều “người trong cuộc”. Hình ảnh lao động Việt Nam trong vùng chiến sự phất cao lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh những lao động cuối cùng đặt chân về bến cảnh quê hương đã từng làm trào nước mắt biết bao độc giả.

Nằm viện một vài tuần anh được đưa đi giám định sức khỏe. Kết luận của bác sĩ cho thấy anh đã mất 60% sức khỏe. Công ty Nalidco cho biết với thương tật này anh có thể được bồi thường khoảng 30 ngàn USD ( tương đương với 15 năm lương cơ bản).

Người ta bảo “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” thật đúng với hoàn cảnh của anh Trung. Khi anh đang nằm chờ chế độ bồi thường thì chiến sự xảy ra. Vết thương vẫn còn rỉ máu và đùn ra các tạp chất anh đã phải chống nạng xuống tàu để ngày 1/2/2011 về tới Việt Nam bằng đường biển.

Tôi là trụ cột của cả gia đình. Vợ con tôi trông vào tôi. Vậy mà giờ đây tôi lại là gánh nặng cho gia đình, đến vệ sinh cá nhân cũng phải cậy nhờ vào vợ con nói gì đến làm được miếng cơm đủ nuôi thân”, anh Trung giãi bày.

 Về Việt Nam vết thương còn chưa lành, anh Trung phải vào bệnh viện Việt- Bun Thái Bình điều trị tiếp. Sau đó anh chạy vạy, vay mượn để làm chiếc chân giả với trị giá 30 triệu đồng. Vậy mà nào đã yên, anh kể những khi trái gió trở trời anh lại đau đớn.

Đôi mắt ầng ậng nước của người từng là quản lý lao động tại Benhgiz khi kể lại chuyện anh Trung bị tai nạn
Đôi mắt ầng ậc nước của người từng là quản lý lao động tại Benghazi khi kể lại chuyện anh Trung bị tai nạn

Ngồi ôm chiếc chân tàn tật, điều mà anh Trung và người vợ còm cõi của anh mong mỏi trong suốt 10 tháng vừa qua là được trả khoản bồi thường tai nạn lao động mà công ty  Nalidco đã hứa.

Gia đình tôi rất khó khăn, nhà có 3 sào ruộng thôi, sinh hoạt của cả gia đình giờ trông vào vợ tôi, khó khăn lắm, chạy ăn từng bữa, có gì ăn nấy, chỉ tội cho bọn trẻ con”. Khóe mắt người đàn ông hơn 40 tuổi rưng rưng khi nói lên những lời này.

Người đồng hương của anh Trung, anh Bùi Đức Hạnh cùng xuất cảnh một ngày, cùng về một khắc với bạn mình cũng nghẹn lời khi nói: “Tối hôm xảy ra chiến sự, họ bắn nhau bùm bùm, tôi xuống trông anh Trung mà suy nghĩ miên man lắm. Lúc ấy cũng mong khi về nước được hỗ trợ đồng nọ đồng kia thì sẽ hỗ trợ cho anh Trung một ít nhưng chẳng có gì nên thương anh ấy mà không làm gì được”.

Cả anh Trung và anh Hạnh cùng mới được công ty Isalco chi nhánh Hà Nội hỗ trợ cho 2 triệu đồng(1 triệu từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước chi trả). Anh Trung được công ty trả thêm 1 triệu nữa khi thanh lý hợp đồng cộng với 1 triệu do công ty tạm ứng tổng cộng là 4 triệu đồng, ngoài ra anh chưa được nhận thêm gì. Cùng với khoản tiền bồi thường 30 ngàn USD là hơn 4 tháng lương bị chủ sử dụng- công ty Nalidco-  nợ cũng chưa được trả lại.

 “Tôi rất bức xúc và nói với ông Nguyễn Công Đoan – giám đốc chi nhánh Hà Nội của Isalco đề nghị giúp đỡ nhưng ông Đoan trả lời rằng công ty đã làm hết sức nhưng chưa giải quyết được phần bảo hiểm dành cho tôi. Lương của tôi và tất cả anh em từng làm ở công trường sân vận động Benghazi cũng chưa đòi được”, anh Trung cho biết.

Cái rét cuối năm tê tái hơn khi anh Trung và những người bạn của mình cho biết họ chẳng có đồng nào mà mua mà sắm sửa tết khi người thì cụt chân nằm nhà, người thì đi làm thời vụ thu nhập sáu, bảy chục ngàn một ngày.

Thảm cảnh ấy, không phải chỉ ở Thái Bình mà là hình ảnh rất phổ biến của cả ngàn lao động mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở phần sau.

Thanh Lương

(Xem tiếp: Khắc khoải đợi lương, mòn mỏi chờ hỗ trợ việc làm)
                                                          


Ngày 3/1/2012, Bộ LĐ-TB - XH cho biết đã thực hiện thành công Chiến dịch sơ tán, đưa đón và hỗ trợ lao động Việt Nam về nước trong thời gian từ ngày 25/2 đến ngày 4/4 năm 2011, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Có phải Bộ LĐTBXH đã không hề biết tới thảm cảnh của cả ngàn lao động bị nợ lương và không có nổi một cơ hội việc làm bởi họ không có nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong nước và không còn tiền để tiếp tục đăng ký đi lao động ở nước ngoài?

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2012 diễn ra sáng nay, 9/1/2012 tại Hà Nội, phóng viên PLVN sẽ có câu trả lời để bạn đọc được rõ.

Đọc thêm