Thắm đượm "tình người mùa COVID" chi viện đến vùng dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những tháng ngày qua, nước ta lại tiếp tục đón đầu đợt dịch COVID-19 với biến thể nguy hiểm hơn khiến cho tình hình dịch bệnh gia tăng phức tạp ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Hiểu được điều đó, rất nhiều đoàn chi viện trên cả nước đã và đang không quản ngại khó khăn, vất vả lên đường đến vùng dịch.
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam xuất quân chi viện TP Hồ Chí Minh.
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam xuất quân chi viện TP Hồ Chí Minh.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt

Mỗi ngày, bên cạnh những tin tức về số ca mắc COVID-19 gia tăng hay những khó khăn của người dân ở vùng dịch khiến mọi người đau đáu, trăn trở. Thì đâu đó thông tin về những đoàn y, bác sĩ, sinh viên đại học y dược, tình nguyện viên,… từ khắp nơi trên cả nước lên đường chi viện cho vùng dịch đã phần nào xoa dịu đi sự lo lắng của cộng đồng.

Quả thật, thời gian qua chúng ta đã thấy rõ được sự chung tay góp sức của cả nước đã góp công lao lớn trong việc chiến thắng ba đợt dịch trước, đợt dịch thứ tư này cũng không ngoại lệ. Không nói đâu xa, ngay bây giờ TP HCM bên cạnh những thiếu thốn về hàng hóa, nhu yếu phẩm thì khó khăn về nguồn nhân lực y tế đang thật sự đáng lo ngại. Hiểu được sự khó khăn đó, các tỉnh, thành phố không ở trong tâm dịch đã cử cán bộ nhân viên y tế tham gia chi viện cho công tác điều trị và công tác y tế dự phòng để đáp ứng với diễn biến của dịch COVID-19.

Theo Sở Y tế TP HCM, cho biết tính đến ngày 15/7, Sở Y tế TP HCM đã đón 24 đoàn công tác đến từ Sở Y tế các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện bộ, ngành và 11 trường cao đẳng, đại học chi viện chống dịch COVID-19 tại TP HCM với tổng cộng 4.473 người. Trong đó, có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ.

Những đoàn y, bác sĩ đến từ khắp các miền như: Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng,… đã lên đường với tinh thần “tất cả vì TP HCM” và dành những gì tốt nhất cho TP HCM phòng chống dịch. Đây cũng là lần chi viện có số lượng tham gia đông nhất trong bốn đợt chi viện ứng phó dịch COVID-19 mà nhiều nơi đã cử đi.

Đặc biệt hơn, còn có rất nhiều cán bộ y tế đã nghỉ hưu trên cả nước khi có thư ngỏ của ngành Y tế kêu gọi tham gia chống dịch, các bác sỹ đã gác lại việc nhà, sẵn sàng tình nguyện góp sức vào cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo thông tin từ Sở Y tế, chỉ sau 1 tuần lãnh đạo Sở Y tế gửi tâm thư đến các cán bộ y tế đã nghỉ hưu kêu gọi tham gia chống dịch COVID-19, đã có hơn 240 đơn tình nguyện tham gia.

Có những y, bác sĩ năm nay đã xấp xỉ 70 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình xung phong đi chống dịch không ngại tuổi tác. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tấn Hoàn, nguyên Trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc hồ hởi nói: “40 năm công tác trong ngành Y, với kinh nghiệm trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhiều năm, khi tham gia chống dịch, tôi sẽ cùng đồng nghiệp làm tốt các chuyên môn, kỹ thuật được phân công, góp sức bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Bên cạnh những y, bác sĩ đã có tuổi nghề, tuổi đời lâu năm thì còn có số lượng không nhỏ các bạn sinh viên cũng tham gia chiến đấu chống lại dịch COVID. Mới đây, ngày 21/7 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ xuất quân cho 239 tình nguyện viên lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ TP HCM. “Những nội dung này chúng tôi đã tập huấn kỹ cho các tình nguyện viên nên chúng tôi rất tự tin, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào” - TS Trần Anh Tuấn (Giảng viên, Trưởng khoa Nội Bệnh viện Tuệ Tĩnh), Trưởng đoàn chi viện của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết.

Thời gian qua, Sở Y tế đã tiếp nhận hơn 3.000 cán bộ giảng viên, sinh viên từ các trường đại học y trên khắp cả nước tình nguyện tham gia truy vết phòng chống dịch COVID-19. Trước Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam còn có Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Y Dược Thái Nguyên... xuất quân lên đường đến TP HCM, Bình Dương.

Bên cạnh những thông số trên, cho đến hiện tại số lượng các đoàn y, bác sĩ, sinh viên,… tham gia chi viện vẫn đang tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu y tế của TP HCM. Nhiều y, bác sĩ dù chưa hình dung được nhiệm vụ mình phải thực hiện sẽ ra sao nhưng mọi người trong đoàn đều rất phấn chấn, động viên cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng cùng chính quyền và nhân dân miền Nam ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Hành động từ nghĩa đồng bào

Tính đến nay, nước ta đã trải qua bốn đợt dịch COVID-19, hiện tại đợt dịch thứ tư vẫn đang diễn biến căng thẳng và phức tạp. Và với mỗi đợt dịch lại có từng đoàn y, bác sĩ, sinh viên, quân đội,… từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước lần lượt chi viện sức người cho các vùng tâm dịch. Điều đặc biệt là những con dân Việt Nam tham gia đều không cho rằng đây là mệnh lệnh từ cấp trên hay công việc phải hoàn thành. Mà mỗi người đều mang trong mình tinh thần, khẩu hiệu mệnh lệnh từ trái tim, hành động từ nghĩa đồng bào.

Quả thật như vậy, hơn lúc nào hết cần sự đoàn kết, chung tay, chung sức của toàn con dân Việt Nam tham gia hỗ trợ, giúp các vùng tâm dịch vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là hành động có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết lúc này. Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh trên tuyến đầu chống dịch, hành động vì nghĩa đồng bào, vì lợi ích, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Chính vì mang trong mình tinh thần, nhiệt huyết như vậy nên các chiến sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm mà sẵn sàng lao vào tâm dịch chiến đấu. Dường như tinh thần từ nghĩa tình đồng bào đã được chuyển hóa một cách triệt để thành những hành động dũng cảm vì nhân dân, đất nước.

Và còn có cả những hy sinh, vất vả… Câu chuyện về em sinh viên không thể về chịu tang cha do chống dịch tại TP HCM khiến cho không ít người xót xa, thương cảm. Tối 21/7 khi em D.T.A, lớp Xét nghiệm 11 (Bắc Giang) đang hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP HCM thì có điện của người nhà thông báo cha của em qua đời đột ngột.

Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ nỗi đau với em D.T.A bên bàn thờ vọng cha.

Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ nỗi đau với em D.T.A bên bàn thờ vọng cha.

“Từ lâu em D.T.A chưa về thăm nhà do vừa chống dịch ở Bắc Giang xong lại vào TP HCM luôn. Vì tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp nên nữ sinh này không thể về chịu tang cha”, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương Trần Quang Cảnh chia sẻ. Trước sự việc trên, Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lập bàn thờ vọng ngay tại địa điểm đoàn ở để em chịu tang cha.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng Đoàn công tác Bộ Y tế thường trực tại TP HCM cùng đại diện Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm y tế quận Gò Vấp (nơi các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm) đã đến động viên, chia sẻ sự mất mát này với sinh viên D.T.A.

Được biết, sinh viên D.T.A là con gái thứ hai trong gia đình. Trước đó, em cùng đoàn tình nguyện gồm các sinh viên, giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP HCM làm nhiệm vụ chống dịch bệnh COVID-19 theo lời kêu gọi của Bộ Y tế. Đoàn gồm 9 cán bộ và 312 sinh viên các ngành: Xét nghiệm, y đa khoa, điều dưỡng. Trong số này, nhiều sinh viên đã từng tham gia chi viện và có kinh nghiệm trong các đợt chống dịch dài ngày tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Bên cạnh đó, còn có những vất vả không thể nói hết bằng lời… Dù trời có mưa gió, nắng nóng, dù là sáng sớm hay đêm muộn bất cứ khi nào cần thì họ vẫn luôn nhanh chóng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ phòng dịch tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ của mình. Dù có phải rời xa gia đình, quê hương đến nơi đất khách quê người, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi hay những khó khăn trong sinh hoạt thường ngày cũng không thể đánh gục được ý chí quyết tâm của họ.

Dịch COVID-19 tại nước ta nói chung và TP HCM nói riêng đang diễn biến phức tạp. Chính sự chi viện đầy ắp tình người của các y, bác sĩ, sinh viên,… trên cả nước là điều rất đáng quý trong giai đoạn này. Cả nước rất trân trọng và cám ơn sự chi viện thiết thực, đầy ý nghĩa này của các đoàn chi viện từ khắp nơi trên cả nước.

Đọc thêm