Việc làm ý nghĩa
Nà Nhạn là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hầu hết dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nương, trồng sắn; mùa giáp hạt vẫn còn tình trạng thiếu đói. Cả xã có 14 thôn bản, trong đó nhiều thôn bản vùng cao vẫn chưa có đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt, nhà văn hóa bản… Đời sống khó khăn, người dân không có điều kiện để tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn với đồng bào dân tộc vùng cao còn thiếu thốn về cơ sở vật chất để làm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống. Năm 2017, Báo PLVN đã tổ chức chuyến từ thiện, vượt quãng đường hơn 400km từ Hà Nội ngược lên vùng cao Nà Nhạn (Điện Biên) để hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân nơi đây xây dựng nhà văn hoá cộng đồng.
Sau hơn ba tháng khởi công xây dựng, hai nhà văn hóa bản Nà Pen, Nà Nhạn 2 (xã Nà Nhạn) đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng, khang trang, sạch đẹp. Từ đó đến nay, nơi đây không chỉ trở thành ngôi nhà chung của bà con dân bản để sinh hoạt, hội họp, gặp gỡ mà còn là nơi giữ gìn phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có, qua các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ…
Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Nà Pen, Nà Nhạn 2 là những bản nghèo, khó khăn bậc nhất của xã, 100% dân cư là đồng bào dân tộc Thái, Mông, trình độ dân trí chưa cao, phong tục tập quán còn lạc hậu, một số tập quán như ma chay, cúng bái linh đình chưa được từ bỏ.
Người dân sống bằng nghề canh tác nương rẫy trên núi cao, trồng sắn, trồng lúa là chính, sản xuất chủ yếu phó mặc cho ông trời nên năm được mùa, năm mất mùa, tình trạng đói giáp hạt vẫn hay xảy ra.
Một cuộc họp được tổ chức tại nhà văn hóa bản Nà Pen. |
Mặc dù những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tìm giải pháp hỗ trợ giúp bà con phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt, nhất là người dân vốn mong ước có một nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi trong những dịp lễ, Tết. Nhưng cái khó là nguồn ngân sách hỗ trợ có hạn, hơn nữa cuộc sống khó khăn, việc đóng góp thêm chi phí vượt ngoài sức của người dân.
“Rất vui mừng là có Báo PLVN hỗ trợ kinh phí giúp bà con xây dựng nhà văn hóa. Giờ bà con phấn khởi lắm. Việc hỗ trợ làm hai nhà văn hóa tại xã không chỉ là việc làm ý nghĩa mà còn góp phần giúp xã hoàn thành chỉ tiêu về nhà văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Hừ chia sẻ.
Thêm đoàn kết, gắn bó, xích lại gần nhau hơn
Chúng tôi có dịp trở lại xã Nà Nhạn vào những ngày giữa tháng 3/2021 nắng đẹp. Sau gần một tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường đất đầy nhọc nhằn từ trung tâm xã lên bản Nà Pen, bao mệt mỏi dường như tan biến khi bắt gặp hình ảnh nụ cười bà con dân bản đang tập trung tại nhà văn hóa.
Sau cái bắt tay và nụ cười chào đón, anh Vàng A Tống, Trưởng bản Nà Pen cho biết: Cả bản có 220 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, bản không có nhà văn hóa nên mỗi khi bà con dân bản muốn họp bàn chuyện gì đều phải kéo hết về nhà trưởng bản, vừa chật hẹp lại vừa thiếu chỗ ngồi, có người phải đứng ngoài hiên nhà, rất bất tiện, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.
Từ khi có Báo PLVN hỗ trợ kinh phí làm nhà văn hóa, bà con dân bản không còn vất vả khi hội họp nữa. Với khuôn viên rộng hơn 400m2 và ngôi nhà ba gian rộng hơn 100m2, đủ sức chứa cho hầu hết bà con dân bản mỗi khi họp. Bây giờ mọi công to việc lớn của bản đều được tổ chức tại nhà văn hóa.
Rời bản Nà Pen, chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà văn hóa bản Nà Nhạn 2. Anh Lò Văn Chựa, Trưởng bản cho biết: “Vui lắm, từ khi được Báo PLVN giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa cho bản ai cũng phấn khởi. Có nơi sinh hoạt tập thể, việc triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phổ biến pháp luật, quy ước, hương ước của bản đến với bà con thuận lợi hơn. Nhất là việc tuyên truyền vận động người dân từ bỏ thói quen, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo”.
Nhà văn hóa tựa như “ngôi nhà chung” của bà con dân bản vùng cao Nà Pen, Nà Nhạn 2. Những ngôi nhà chung ấy không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt đoàn thể… mà còn là địa chỉ văn hóa thu hút mọi người dân đến vui chơi, giải trí bổ ích thông qua nhiều hoạt động lễ hội, biểu diễn văn nghệ.
Nơi đây còn trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng của bà con dân bản, góp phần giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và xây dựng những nếp sinh hoạt văn hóa văn minh trong cộng đồng dân cư.
Sau những ngày lao động vất vả, cứ mỗi chiều người dân lại cùng nhau tập trung về nhà văn hóa để chơi thể thao, đi dạo; mỗi tối các chàng trai, cô gái lại hẹn nhau lại sang trò chuyện giao lưu chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống thường ngày, tập văn nghệ, múa hát... Có nhà văn hóa, tình cảm của người dân Nà Pen, Nà Nhạn 2 thêm đoàn kết, gắn bó, xích lại gần nhau hơn.
Tổng kinh phí xây dựng hai nhà văn hóa Nà Pen, Nà Nhạn 2 là 640 triệu đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng nhà văn hóa Nà Pen là 370 triệu (Báo PLVN hỗ trợ 200 triệu đồng, người dân đóng góp 170 triệu); kinh phí xây dựng nhà văn hóa Nà Nhạn 2 là 270 triệu đồng (Báo PLVN hỗ trợ 50 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, người dân đóng góp 120 triệu đồng).