Thẩm phán xử vụ 'hình sự hóa giao dịch hứa thưởng': 'Tôi day dứt từ lúc tuyên bản án'

(PLVN) - Có thể đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thẩm phán dám dũng cảm thừa nhận mình đã tuyên một bản án sai lầm. Những thừa nhận của ông Lê Duy Vẽ, nguyên Thẩm phán TAND huyện Tĩnh Gia (nay là TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận mình đã xử oan ông Nguyễn Văn Ngọc, cũng đặt ra vấn đề rõ ràng đây là vụ án oan, cần giám đốc thẩm để đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh oan cho người vô tội.

Trong các kết luận điều tra (KLĐT) cũng như các bản án tuyên ông Ngọc có tội sử dụng từ “chạy” đặt trong dấu ngoặc kép. Luật sư bào chữa đã hỏi để rõ nghĩa, theo đó “chạy” là từ địa phương, có nghĩa là giúp đỡ. Vậy từ “chạy” ở đây được thẩm phán hiểu thế nào? 

- Cách người ta hiểu và sử dụng từ “chạy” trong nhiều trường hợp không đúng bản chất. Ở vụ án này, rõ ràng theo đúng quy định thì lẽ ra các hộ dân được hưởng tiền đền bù đất. Theo cách hiểu của người địa phương thì “chạy” cũng có thể là giúp đỡ, tác động. Và việc ông Ngọc tác động là có thật, có nghĩa là có giúp đỡ tác động, nhưng không hẳn là “chạy chọt”.

Ông vừa nói ông Ngọc có giúp đỡ, tác động khiến 3 hộ dân được đền bù đúng quy định. Vậy tại sao trong bản án do ông ký vẫn ghi như KLĐT là ông Ngọc không liên hệ với ai, không “chạy”? Vì sao nội dung bản án khác với nội dung thẩm vấn tại phiên tòa?

- Tôi chưa đủ bản lĩnh để đánh giá bản án một cách khách quan. Tôi day dứt về điều này. 

Ông Lê Duy Vẽ, Chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ông Ngọc: “Tôi thừa nhận chưa làm tròn trách nhiệm của một thẩm phán, chủ tọa phiên tòa”. 

Ông có thể nói rõ căn cứ buộc tội một người nào đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản? 

- Phải có bị hại bị lừa, có hành vi lừa đảo trước khi chiếm đoạt tài sản. Ví dụ tôi hứa hẹn với ông chạy được cái nọ cái kia nhưng tôi không hề làm. Trong vụ án ông Ngọc, xin nhắc lại, có một điều phải thừa nhận là ông Ngọc có làm, có tác động giúp các hộ dân. 

Vì sao các cơ quan tố tụng nhận định “các bị hại bản chất bị lừa nhưng vì họ hàng nên không thừa nhận là bị hại để chạy tội cho ông Ngọc”?

- Theo quan điểm các cơ quan tố tụng thì những bị hại bị lừa nhưng vì là anh em nhà ông Ngọc nên không thừa nhận để chạy tội cho ông Ngọc, đó là người ta nói như thế. Nhưng tại phiên tòa, đối diện với HĐXX, các bị hại khẳng định không bị lừa.

Vậy vì sao ông vẫn tuyên ông Ngọc “lừa đảo”?

- Nếu không có bị hại bị lừa đảo thì không có hành vi lừa đảo. Trong bản án tôi vẫn “ghi những người này vì là anh em ông Ngọc nên từ chối việc bị lừa còn bản chất là bị lừa, ghi như thế mới kết tội được ông Ngọc”. Đấy là điều tôi day dứt, băn khoăn.

Ông có chịu áp lực gì mà phải tuyên một bản án như ông nói là khiến ông day dứt băn khoăn như vậy?

- Tôi đã rất băn khoăn về chứng cứ buộc tội bị cáo. Ngoài ra cần làm rõ việc bị hại có bị lừa đảo hay không và Chủ tịch huyện là nhân chứng quan trọng trong vụ án nhưng hai lần triệu tập không đến phiên tòa.

Ở phiên sơ thẩm lần 2, nội dung cáo trạng không có gì khác lần 1. Trước khi xử, họp CQĐT, VKS và Tòa án, có cả sự tham gia của tòa tỉnh, VKS tỉnh. Lúc đó tôi cũng đưa ra ý kiến phân vân nhưng mọi người giải thích “không có bị hại vì bị hại là anh em nhà ông Ngọc nên chạy tội cho ông Ngọc”. Sau lần đầu tiên hoãn phiên tòa, lần thứ hai tôi phải tuyên án. 

Ông Ngọc hàng chục năm nay ròng rã kêu oan. 

Nguyên tắc tối quan trọng của thẩm phán là “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Ông có thực hiện nguyên tắc này trong vụ án ông Ngọc?  

- Tôi thừa nhận lúc đó đã chưa làm tròn trách nhiệm của một thẩm phán, chủ tọa phiên tòa; chưa đủ bản lĩnh, không dám kiên quyết đến cùng để đánh giá khách quan và làm rõ những vấn đề phân vân, chưa rõ. 

Có lần nào ông đặt vấn đề từ chối xử vụ án ông Ngọc với cấp trên?

- Có lần tôi đã thể hiện ý định đó nhưng lãnh đạo cứ nói không phải lo, việc này ba ngành thống nhất rồi, tôi không xử thì người khác làm. Tôi lo lắng nếu từ chối xử sẽ bị cho là không chấp hành sự phân công của cấp trên.

Khi tuyên ông Ngọc có tội, ông có suy nghĩ gì?

- Như tôi đã nói, tôi rất phân vân từ lúc được phân công xét xử cho đến khi tuyên án.  

Sau khi tuyên ông Ngọc có tội, tâm tư của ông thế nào?

- Tôi day dứt từ lúc tuyên bản án. Tôi ủng hộ việc bị cáo kháng cáo ngay khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, mong làm sao tòa cấp trên có quyết định khác với bản án sơ thẩm thì tôi thỏa mãn. Tôi day dứt nhất về việc kết án ông Ngọc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đúng ra tôi tuyên ông Ngọc không phạm tội.

Ông có sẵn sàng chịu trách nhiệm về những chia sẻ của mình với dư luận?

- Từ đó đến nay tôi luôn mong chờ sẽ có người nào đó, cơ quan nào đó có thể làm sáng tỏ việc này. 

Xin cảm ơn ông!

“Chưa đủ điều kiện để bị buộc tội nhận hối lộ”

Trong vụ án “nhận hối lộ, môi giới hối lộ”, điều khiến Thẩm phán Vẽ phân vân là quá trình giao nhận tiền ông Ngọc không có mặt, không tham gia mà người khác tham gia. Ông Ngọc chỉ biết ông Chúc (đã chết), còn sau đó ông Chúc liên hệ với người khác để nhờ vả. 

Theo ông Vẽ, người có chức vụ, quyền hạn trong vụ án này là ông Lê Minh Thông - Chủ tịch huyện lúc đó, người đã ký 3 quyết định cấp sổ đỏ cho 3 hộ dân. Trong lời khai của ông Thông có nói vì quá tin cấp dưới nên khi Thám trình hồ sơ lên là Thông ký. Vai trò của ông Thông trong vụ án chưa được làm sáng tỏ.

Ông Vẽ kể: “Sau khi được ông Ngọc nhờ, ông Chúc đưa tiền cho cấp dưới Chủ tịch huyện là ông Vũ Đình Thám, cán bộ Phòng TN&MT. Ông Thám chưa đủ quyền hành để nhận hối lộ vì chưa đủ thẩm quyền quyết định việc cho chuyển mục đích sử dụng đất. 

Vậy buộc tội ông Thám nhận hối lộ là dấu hiệu oan sai? 

- Đúng thế. Người chịu trách nhiệm phải là Chủ tịch huyện, người ký quyết định cấp sổ đỏ. Theo quy định thì người nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn làm việc gì hoặc không làm việc gì cho người đưa tiền.  

Tại các phiên tòa cũng như hồ sơ vụ án đều thể hiện Thám là người giúp việc cho Trưởng phòng TN&MT, trình hồ sơ cho Trưởng phòng rồi Trưởng phòng mới trình lãnh đạo huyện ký cấp sổ đỏ. Như vậy Thám là người có chức năng nhưng không có chức vụ, quyền hạn; nên chưa đủ điều kiện để bị buộc tội nhận hối lộ.  

Còn vai trò ông Ngọc trong vụ án đưa nhận và môi giới hối lộ thì sao?

- Vai trò ông Ngọc chỉ dừng lại ở chỗ liên hệ với ông Chúc, đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa cần điều tra làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng hơn. 

Vụ việc “thừa điều kiện” kháng nghị giám đốc thẩm:

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Theo Điều 370 BLTTHS, chỉ cần 1 trong 3 căn cứ sau là có thể kháng nghị, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm: 1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Thế nhưng trong vụ án này, đã hội tụ đủ 3 điều kiện đó. Đặc biệt là thẩm phán xét xử vụ án thừa nhận mình đã gây oan sai. Vì vậy TANDTC và VKSNDTC cần nhanh chóng vào cuộc xem xét lại vụ việc này”.

Đọc thêm