Thám sát lăng mộ Quang Trung: Phát hiện dấu vết nghi của một tầng kiến trúc

(PLO) - Ngày thứ 3 công tác tìm kiếm dấu vết vùng cung điện Đan Dương và lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP. Huế), tại hố khảo cổ thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn thám sát đã đào vào một lớp đất lạ có dấu hiệu khác với các tầng đất khác.
Lớp đất lạ nghi liên quan đến một công trình kiến trúc được đoàn khảo cổ phát hiện trong ngày thứ 3 của đợt thăm dò.
Lớp đất lạ nghi liên quan đến một công trình kiến trúc được đoàn khảo cổ phát hiện trong ngày thứ 3 của đợt thăm dò.

Theo các chuyên gia trong đoàn, đây là một lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc. Lớp đất này nằm một nửa ở hố khảo cổ có màu vàng pha trắng như dấu của cát và sỏi.

Tầng đất lạ hiện được giữ nguyên và đoàn thám sát sẽ đào các tầng đất bên cạnh.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế đang xem xét lớp đất lạ
Thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế đang xem xét lớp đất lạ

Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, công việc đào hố hiện chưa tới tầng sinh thổ đất gốc, sẽ tiếp tục đào để xem xét.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý cho phép thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An-TP. Huế) để thăm dò dấu vết lăng mộ của vua Quang Trung.

Đợt thăm dò lần này sẽ được tiến hành từ ngày 5/10 đến hết ngày 15/10, trong khoảng thời gian này đoàn thăm dò do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện phó Viện Khảo cổ học. Đoàn nghiên cứu sẽ đào năm hố thăm dò tại khu vực chùa Thuyền Lâm và chùa Vạn Phước với diện tích 22m2.

Đọc thêm