Thấm thía hành trình 15 năm tự minh oan cho chính mình, cựu giáo viên trở thành luật sư để đồng hành trên con đường công lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua nhiều bản án và quyết định giám đốc thẩm trong 15 năm, thầy giáo (nay là luật sư) Lê Cao Tánh mới chính thức thắng kiện Trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Có được một phán quyết công bằng này, thầy giáo Lê Cao Tánh đã phải quyết tâm học tập trở thành một luận sư để tự minh oan cho mình.
 Ông Lê Cao Tánh hiện là luật sư và vẫn có mong muốn quay lại trường dạy học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Lê Cao Tánh hiện là luật sư và vẫn có mong muốn quay lại trường dạy học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 3/6/2021, 10 thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm lần ba, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường Nguyễn Du (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614,68 triệu đồng.

Hành động trong lúc nóng giận vì học sinh hỗn hào

Ông Lê Cao Tánh (49 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) được Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du (nay là Trường THCS Nguyễn Du) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn vào ngày 31/12/2004. Khi đó, ông Tánh là giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân và Văn học tại trường.

Sáng 12/12/2006, trong khi đi ở sân trường ông Tánh đã bị một học sinh lớp 10 vô cớ xúc phạm ông trước đám đông. Thấy học sinh vô lễ, ông đưa học sinh này về Phòng giám thị của trường và hỏi lý do thì học sinh này trả lời quanh co. Không giữ được bình tĩnh, ông đã tát học sinh này một cái làm em chảy máu mũi.

Vài ngày sau, ông Tánh bị Hiệu trưởng Nguyễn Du ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó, nhà trường đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật ông. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở, Hiệu trưởng đã ra quyết định sa thải ông Tánh.

Quyết định kỷ luật ghi rõ: “Thi hành kỷ luật giáo viên Lê Cao Tánh ở mức sa thải, lý do vi phạm về phẩm chất của người thầy giáo. Trong quá trình xử lý học sinh vô lễ với giáo viên đã không kìm hãm được nóng nảy, đánh học sinh gây chấn thương mũi; việc làm phản tác dụng giáo dục này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội”.

Không đồng ý với quyết định trên, ông Tánh đã làm đơn thư khiếu nại nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên quyết định. Tháng 7/2007, ông khởi kiện vụ án lao động ra TAND TP Đà Lạt. Trong đơn kiện, ông yêu cầu tòa án hủy quyết định sa thải, buộc nhà trường bố trí cho ông làm việc trở lại, đồng thời bồi thường cho ông các thiệt hại phát sinh.

Trường THPT Bán công Nguyễn Du, nay là Trường THCS Nguyễn Du.

Trường THPT Bán công Nguyễn Du, nay là Trường THCS Nguyễn Du.

Trở thành luật sư trên con đường tìm công lý

Tại bản án sơ thẩm số 03/2008/LĐ-TS ngày 28/4/2008, TAND TP Đà Lạt, xử: “Không chấp nhận yêu cầu kiện quyết định sa thải trái pháp luật của ông Lê Cao Tánh đối với bị đơn là Trường THPT Bán công Nguyễn Du”.

Bản án phúc thẩm số 01/2008/LĐ-PT ngày 16/9/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng cũng xử: “Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Cao Tánh, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm...”. Ông Tánh khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm.

Tháng 6/2011, VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Lao động TANDTC đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Theo VKSNDTC, hành vi đánh học sinh của ông Tánh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương (theo khoản 1a Điều 84 - Bộ luật Lao động) hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa 6 tháng (theo khoản 1b Điều 84 - Bộ luật Lao động).

Ngày 27/9/2011, Toà Lao động - TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp kỷ luật sa thải” của ông Tánh. Tòa đã hủy cả 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Ngày 17/9/2013, TAND TP. Đà Lạt đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 để xét xử vụ án. Căn cứ Điều 85 - Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006, HĐXX cho rằng các hành vi vi phạm của ông Tánh không thuộc trường hợp xử lý kỷ luật sa thải, do vậy, quyết định sa thải của nhà trường không đúng quy định.

HĐXX đã xử buộc nhà trường phải nhận ông Tánh trở lại làm việc, thanh toán cho ông số tiền lương từ ngày bị đuổi việc oan đến nay (khoảng 232 triệu đồng), cũng như khôi phục mọi chế độ bảo hiểm cho ông. Ngoài ra, nhà trường còn phải đăng tin xin lỗi ông trên báo Trung ương và địa phương 3 kỳ liên tiếp.

Ngày 26/2013, Trường THCS Nguyễn Du đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Ngày 10/1/2014, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử phúc thẩm và quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Tánh, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Trường THCS Nguyễn Du; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “kiện quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” giữa nguyên đơn là ông Lê Cao Tánh và bị đơn là Trường THCS Nguyễn Du.

Ngày 18/8/2014, ông Lê Cao Tánh có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nói trên. Ngày 23/11/2016, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm ngày 10/1/2014 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HCM căn cứ vào khoản 343 và Điều 346 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, xét xử giám đốc thẩm.

Ngày 7/7/2017, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án lao động “tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải” giữa nguyên đơn là ông Lê Cao Tánh và bị đơn là Trường THCS Nguyễn Du. Theo đó, HĐXX đã tuyên huỷ Bản án sơ thẩm số 09/2013/LĐ-ST ngày 17/9/2013 của TAND TP. Đà Lạt và Bản án phúc thẩm số 01/2014/LĐ-PT ngày 10/1/2014 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Đầu năm 2020, TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lần 3, quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh, buộc Trường THCS Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và thanh toán cho ông Tánh số tiền gần 615 triệu đồng. Sau tòa sơ thẩm, Trường THCS Nguyễn Du kháng cáo.

Xử phúc thẩm lần 3, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên bác kháng cáo của Trường THCS Nguyễn Du, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Đối chiếu với quy định tại Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì hành vi của ông Lê Cao Tánh không thuộc trường hợp bị xử lý sa thải, cũng không thuộc trường hợp quy định khác tại nội quy, quy chế của nhà trường hoặc của ngành giáo dục. Do đó, quyết định sa thải ông Tánh của hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du là trái pháp luật”.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Cao Tánh; hủy quyết định sa thải của hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du; buộc nhà trường phải nhận ông Tánh trở lại làm việc.

Điều đặc biệt trong vụ án này là thầy Lê Cao Tánh hiện là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng. Từng học luật, khi vào Trường Nguyễn Du, ông Tánh đảm nhận dạy môn văn và giáo dục công dân. Năm 2007, khi bị kỷ luật sa thải, ông Tánh vừa theo đuổi vụ kiện, vừa theo học và lấy được chứng chỉ hành nghề luật sư. Năm 2010, ông Tánh chính thức trở thành luật sư và mở văn phòng hành nghề tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng cho đến nay.

Nói về nguyện vọng của bản thân, luật sư Lê Cao Tánh cho biết nếu bản án phúc thẩm mà ông thắng kiện được nghiêm túc thi hành, ông vẫn sẽ tiếp tục làm thầy giáo như mong muốn trước đây của gia đình ông.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Ánh – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du nêu quan điểm, nhà trường thống nhất bản án của tòa về việc sa thải ông Lê Cao Tánh trước đây là trái quy định. Tuy vậy, nhà trường chưa thống nhất nhận định của tòa về việc trường là cơ quan phải bồi thường cho ông Tánh số tiền 614 triệu đồng.

Theo đó, Trường THPT bán công Nguyễn Du trước đây là đơn vị trực thuộc Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng – cũng là đơn vị ban hành quyết định sa thải ông Lê Cao Tánh. Riêng Trường THCS Nguyễn Du mới được thành lập từ năm 2010, trực thuộc UBND TP Đà Lạt.

“Việc toà tuyên Trường THCS Nguyễn Du hiện nay là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc sa thải ông Tánh trái quy định, là điều nhà trường chưa thống nhất. Chúng tôi sẽ sớm có đơn kiến nghị gửi TAND Tối cao để phân xử, xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc bồi thường” - ông Nguyễn Văn Ánh nói.

Đọc thêm