Thắm tình quân dân ở Trạm xá quân dân y vùng biên giới An Giang

(PLVN) - Từ thời chưa thành lập trạm xá, người dân xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và một số địa phương lân cận đã tìm đến tận Đồn Biên phòng nhờ các bác sĩ quân y trị bệnh. Nhờ vậy, nhiều trường hợp đã được các y bác sĩ của Trạm xá quân dân kịp thời cứu sống trong gang tấc…
Thiếu tá, bác sĩ  Phạm Văn Dũng khám bệnh cho bà con vùng biên giới
Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng khám bệnh cho bà con vùng biên giới

Thấm đượm tình quân - dân

Đến các xã vùng biên và trải nghiệm cuộc sống nơi đây mới thấu hiểu lòng tin của người dân dành cho lực lượng biên phòng lớn và mãnh liệt đến dường nào. Bộ đội biên phòng luôn “đồng hành” giúp đỡ người dân những lúc khó khăn, mưa lũ… Khi lũ về sớm, ruộng lúa chìm trong biển nước cũng chính lực lượng biên phòng đã cùng dân thu hoạch lúa về nhà. 

Bởi niềm tin đó, hễ có khó khăn hay bệnh tật thì họ luôn tin tưởng và tìm đến lực lượng Biên phòng. Từ khi Trạm xá quân dân y kết hợp xã Vĩnh Gia được thành lập, không những người dân nơi đây phấn khởi mà người dân ở huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) lân cận và bà con bên Campuchia cũng hào hứng vì có địa điểm tin cậy mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Trước lòng tin đó, lực lượng biên phòng ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ mà còn tự giao cho mình sứ mệnh chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nghèo vùng biên giới.

Các bác sĩ luôn tận tình, chăm sóc sức khỏe cho người dân
Các bác sĩ luôn tận tình, chăm sóc sức khỏe cho người dân 

Xã Vĩnh Gia và xã Lạc Quới là những xã nghèo vùng biên thuộc huyện Tri Tôn. Nơi đây tiếp giáp với huyện Kiri Vong (tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia). Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khi trúng vụ khi thất bát và điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại nên đời sống kinh tế bà con nơi đây vô cùng khó khăn. 

Không những thế, điều kiện chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cũng nhiều hạn chế. Trước đây địa phương chưa có trạm xá mà bệnh viện huyện lại cách xa gần 50km nên mỗi khi ốm đau, bệnh tật người dân chủ yếu chỉ tự chữa theo kinh nghiệm dân gian. Khi nào bệnh thực sự nặng mới chuyển lên bệnh viện huyện. 

Thấu hiểu khó khăn đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã vận động vốn từ các doanh nghiệp xây dựng trạm xá. Đại úy Trịnh Đức Hiếu, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia cho biết, trạm xá được xây dựng với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Hiện có 6 giường bệnh và một số thiết bị y tế để khám, chữa bệnh thông thường và chính thức đi vào hoạt động tháng 9/2009. 

“Trạm không chỉ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới và bộ đội, mà còn khám chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ trong khu vực biên giới nước bạn Campuchia”, Đại úy Hiếu nhấn mạnh.

Trạm xá quân dân y kết hợp xã Vĩnh Gia đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo nơi vùng biên giới này. Trung bình mỗi năm, Trạm xá khám và điều trị cho gần 9.000 lượt bệnh nhân. Vào dịp cuối tuần, mỗi ngày có khoảng 50-70 lượt bệnh nhân từ các xã giáp biên giới thuộc huyện Kiri Vong (Campuchia) sang khám, điều trị bệnh. Lúc nào trạm xá cũng trong tình trạng quá tải.

Chuyện về những bác sĩ “quân hàm xanh”

Hơn 7 năm gắn bó và phụ trách Trạm xá này, Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng có rất nhiều tình cảm và kỷ niệm với Trạm xá quân dân y kết hợp xã Vĩnh Gia. Với ông, được giúp đỡ, hỗ trợ bà con nghèo là sứ mệnh và niềm vui. 

Thiếu tá Phạm Văn Dũng cho biết, đến với công tác quân y với ông là một cái duyên. Ông nhập ngũ từ và công tác tại Đồn Biên phòng Vĩnh Gia. Sau đó thấy tình hình ở đơn vị thiếu bác sĩ nên được cử đi học Bác sĩ đa khoa ở Sài Gòn. Sau đó ông về và phục vụ đơn vị đến bây giờ. “Bà con ở đây từ tước đến giờ rất thích quân y của đồn.

Trước khi có trạm xá, người dân đã đến đây xin khám chữa bệnh, chích thuốc rồi. Từ khi có trạm xá, bệnh nặng, bệnh nhẹ gì bà con cũng tin tưởng tìm đến đây hết. Mình phục vụ bà con từ đầu đến cuối, không phải chỉ chữa bệnh mà đó còn là tình cảm nên bà con tin tưởng lắm. Có khi người ta lại mua thuốc uống cũng ghé mình nữa. Mình phục vụ tốt nên bà con thương, bà con quý lắm”, ông Dũng chia sẻ.

Mong muốn được bổ sung thêm nhân lực và máy móc để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho dân là trăn trở của các y bác sĩ nơi đây
Mong muốn được bổ sung thêm nhân lực và máy móc để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho dân là trăn trở của các y bác sĩ nơi đây

Bên cạnh khám chữa bệnh và cấp thuốc, trạm còn lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vận động nhân dân xây dựng môi trường sống hợp vệ sinh, khi ốm đau phải kịp thời đến trạm y tế để các bác sĩ thăm khám, chữa trị kịp thời... Qua đó, nhận thức của người dân từng bước nâng cao.

“Đối với những người huyết áp cao thì mình khuyên hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn không ăn uống quá mặn. Nhiều bà vợ không “trị” nổi mấy ông chồng cũng đến đây nhờ bác sĩ khuyên. Mấy bà nói: Ở nhà nói không nghe chứ ra đây bác sĩ nói nghe hết trơn à”, ông Dũng cho biết thêm.

Ông Đặng Văn Thanh (xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết, ông thường xuyên đến trạm xá khám bệnh. Không chỉ những lúc bệnh nặng mà khi cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt ông cũng sang đây để nhờ các bác sĩ khám và truyền nước. “Bác sĩ ở đây chăm sóc chúng tôi rất tận tình, chu đáo.Các anh biên phòng rất vui vẻ và nhiệt tình. Tôi có bệnh là ra đây, riết thành quen”, ông Thanh chia sẻ

Ngoài ra, theo ông Thanh, hầu như nhân dân trên địa bàn xã, nhân dân huyên Giang Thành, nhân dân trên địa bàn giáp ranh họ cũng thường xuyên qua Trạm quân dân y của đồn để khám và điều trị. Người dân rất quý mến Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, qua đó cũng thắt chặt thêm tình quân dân

Mặc dù công tác khám chữa bệnh được người dân rất ủng hộ tuy nhiên với tư cách là một bác sĩ, một “từ mẫu” chăm lo cho sức khỏe của người dân, ông Dũng cũng không khỏi trăn trở khi điều kiện nhân lực và máy móc ở đâu còn nhiều hạn chế chưa chăm sóc hiệu quả cho bà con. Những trường hợp bị nặng chỉ sơ cứu rồi kêu xe chuyển lên bệnh viện huyện.

“Có ca trên đồng đưa xuống, huyết áp cao lắm. Vô đây bắt nằm im nhỏ thuốc vô lưỡi rồi kêu xe chuyển đi nhưng vẫn chậm, tai biến làm liệt một bên.  Thấy người ta tội nghiệp quá vì tai biến nó nhanh lắm nhưng mình đâu có khả năng. Có những trường hợp nghi ruột thừa nhưng do không có máy siêu âm nên không dám giữ lại, phải chuyển đi… Nếu có máy thử là biết liền, đỡ tốn kém cho bà con”, ông Dũng nói đồng thời kỳ vọng: “Phải chi có được 2 bác sĩ, 2 y sĩ và có người đảm nhiệm siêu âm thì phục vụ bà con rất tốt”. 

Với tinh thần trách nhiệm, không ngừng hoàn thiện để phục vụ người dân, Bộ đội biên phòng nói chung và lực lượng quân y nói riêng luôn được sự yêu thương, kính trọng của người dân. Họ xem lực lượng biên phòng như người thân trong gia đình và thắt chặt hơn tình quân dân.

Đọc thêm