“Thạch Danh nổi tiếng là người ngậm bùa trong miệng mỗi khi thi đấu. Lúc lên đài, tay chân Thạch Danh múa may theo kiểu tâm linh rất kỳ quái. Nhiều lần Thạch Danh còn tự đấm vào mình như để thị uy sức mạnh. Tuy nhiên, chỉ mất chưa đầy 1 phút quan sát, tôi tung liên hoàn các cú đá như trời giáng khiến Thạch Danh phải giơ tay bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1”, võ sư Tùng cho biết.
Vô địch tự do ở tuổi 20
Năm ông lên 6 tuổi, người cha là võ sư Lê Đại Hoan mở một võ đường võ tự do và mong muốn con trai của mình theo nghiệp võ. Tuy nhiên, niềm đam mê của ông lúc ấy là đánh đàn, ca hát chứ không phải hàng ngày luyện võ. Vậy nên việc luyện võ với ông chỉ là để đối phó với cha. Hàng ngày, sau những giờ bị ép luyện võ, ông lại ôm đàn guitar thả hồn mình theo những điệu nhạc.
Năm 15 tuổi, sau 9 năm tập luyện nhưng nghiệp võ của ông vẫn dậm chân tại chỗ, không có gì tiến bộ. Một lần, võ sư Tám Denis (võ sư môn quyền anh, người gốc Pháp) đến thăm võ đường của ông Hoan và nghe ông này than ngắn thở dài về đứa con chỉ mê đàn, không mê võ.
Nhìn cậu thiếu niên 15 tuổi đang tập võ ngoài sân, võ sư Tám Denis bảo với ông Hoan rằng Tùng hợp với quyền anh hơn là võ tự do. Thế rồi võ sư Tám Denis “ra chiêu” thuyết phục Tùng theo mình tập luyện quyền anh.
Từ đó, mỗi ngày chàng trai đạp xe hơn 15 cây số đến sân vận động Cộng Hòa tập luyện quyền anh dưới sự chỉ dạy của võ sư Tám Denis và huấn luyện viên Thomson đến từ Hawaii, Mỹ. Hết buổi tập, Tùng lại thúc thắc đạp xe về.
Sau một năm chăm chỉ luyện tập, chàng thiếu niên bắt đầu lên đài đánh quyền anh. Thời điểm ấy, ông lần lượt thắng tất cả các võ sĩ đồng hạng 48kg và thắng luôn võ sĩ Xuân Thanh - nhà vô địch quyền anh quốc gia hạng 51kg.
Lúc bấy giờ, nghe đến võ sĩ trẻ Lê Thanh Tùng ai cũng nể phục, bởi chỉ cần lên đài là ông hạ đối thủ, chứ không biết mùi thua cuộc. Đến năm 1968, ông được Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam (ở miền Nam) phong tặng danh hiệu Võ sĩ trẻ triển vọng nhất.
Sau 3 năm luyện tập và đánh quyền anh, ông Tùng dần hiểu được vì sao lúc trước cha mình thôi thúc con tập võ. Nghĩ đến thời gian ương bướng với cha trước đây, ông thấy mình có lỗi nên trở về võ đường Lê Đại Hoan và chuyển sang thi đấu tự do.
Năm 1970, khi tròn 20 tuổi, tại sân Tinh Võ ở Sài Gòn, ông hạ nhà vô địch Muay Thái là võ sĩ Mai Hồng Sơn. Cũng trong năm này, ông giành chức vô địch hạng cân 51kg tại giải đấu toàn quốc do Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam tổ chức, sau khi đánh thắng võ sĩ Minh Cường của võ đường Minh Sang rất nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Một năm sau, võ sĩ trẻ này chính thức mở phòng tập võ mang tên Lê Thanh huynh đệ tại Phú Nhuận.
Hạ đối thủ người Mỹ bằng quyền anh
Từ võ đường Lê Đại Hoan, võ sĩ trẻ Lê Thanh Tùng tham gia đấu đài ở khắp các tỉnh miền Nam cho đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ông bách chiến bách thắng ở những võ đài mình đi qua. Hầu hết các trận đấu, ông đều hạ đối phương trong vòng 1 đến 2 hiệp và đều dùng đòn chân nên được mệnh danh là “Thần cước”.
Trong cuộc đời đấu võ của mình, có những trận đài mà có lẽ ông Tùng chẳng bao giờ quên. Ông kể, đêm 24/12/1971, tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, ông thượng đài đấu tự do với võ sĩ Trần Can của võ đường Hà Trọng Sơn ở Bình Định. Ngay ở hiệp đấu thứ 2, võ sĩ Trần Can trúng đòn nên không thể tiếp tục thi đấu.
Võ sĩ Lê Thanh Tùng giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường năm 1970. |
Ngay sau đó, ông John (người Mỹ, là cố vấn quân sự cho Quân đoàn 2 của Việt Nam cộng hòa) đến gặp Ban Tổ chức để thách đấu quyền anh. Lúc đó, các võ sư, võ sĩ người Việt nhìn nhau, không ai dám nhận lời thách đấu bởi tất cả đều thi đấu tự do.
Lúc này, võ sư Huỳnh Tiền và võ sư Hồng Long (thuộc Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam) làm trọng tài và giám định ở đây nói với ông Thạnh là Trưởng ban Tổ chức, cũng là Phó tỉnh trưởng Gia Lai rằng chỉ có Lê Thanh Tùng mới đánh được.
Sáng hôm sau, ông Thạnh lên tận phòng ông Tùng kể chuyện ông John thách đấu và nhắc đến lòng tự hào dân tộc. Ngay lập tức, ông Tùng nhận lời thách đấu.
“Lúc đó, tôi chẳng biết ông John là ai cả nhưng khi nghe ông Thạnh nói đến lòng tự hào dân tộc cùng với “máu” tuổi trẻ nên tôi nhận lời chẳng một chút ngần ngại. Và trận đấu diễn ra trong đêm hôm đó với sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả”, võ sư Tùng chia sẻ.
Đánh đến hiệp thứ 2, ông Tùng dùng tốc độ đánh tới tấp vào mặt đối thủ khiến ông John không kịp đỡ đòn, máu ở lỗ mũi chảy liên tục, rồi ngã quỵ và chấp nhận thua cuộc. Sau khi thấy ông John gục ngã, hàng trăm khán giả hò reo trong chiến thắng của võ sĩ người Việt trước một đối thủ người Mỹ.
“Điều đáng nói là khi ông John chấp nhận thua cuộc, một toán lính Mỹ ôm súng chạy lên sàn đấu, rồi chĩa súng về phía tôi. Ngay lập tức, nhiều binh lính người Việt cũng cầm súng chạy lên bảo vệ tôi rời khỏi sàn đấu về khách sạn an toàn. Trận đấu đó để lại cho tôi nhiều cảm xúc từ phía khán giả cũng như những mũi súng của lính Mỹ chĩa về phía mình”, võ sư Tùng kể.
Theo ông Tùng, khi tập quyền anh, các võ sĩ tập trung vào 3 đòn đánh tay là đòn thẳng, đòn vòng cung từ bên ngoài vào và đòn móc từ dưới lên. Trên đài, khi sử dụng những đòn này thì khoảng cách từ vị trí ra đòn đến vị trí của đối phương rất ngắn nên võ sĩ ít phí sức. Trong khi đó, đối phương có rất ít thời gian để chống đỡ nên rất dễ dính đòn.
“Ông John là người rất khỏe, thi đấu quyền anh rất chuyên nghiệp nên khi bắt đầu hiệp 2, tôi dồn sức tụ lực, tung đòn vừa nhanh vừa mạnh để đối phương chống đỡ không kịp. Khi đó, việc thắng đối thủ trở nên rất dễ dàng”, ông Tùng chia sẻ.
Thắng nhanh để khỏi chạy máy phát điện
Đến đầu năm 1972, tại sân vận động Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Tùng đấu với võ sĩ Thạch Danh (người Việt gốc Campuchia). Trận đấu của ông với đối thủ là trận cuối của đêm thượng đài hôm đó.
Võ sĩ Lê Thanh Tùng đá biểu diễn “Thần cước” trước sân vận động Quy Nhơn năm 1972. |
Lúc chuẩn bị lên đài, võ sư Minh Cảnh là đại diện Ban Tổ chức đến hỏi ông Tùng: “Cậu có thể thắng Thạch Danh trước hiệp 2 không? Nếu không thì Ban Tổ chức sẽ thông báo tạm ngưng trận đấu để chờ chạy máy phát điện”. Nghe xong, ông Tùng khẳng định chắc nịch: “Dạ! Được!”.
Chỉ mất chưa đầy 1 phút quan sát, ông Tùng tung liên hoàn các cú đá như trời giáng khiến Thạch Danh phải giơ tay bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1.
Theo ông Tùng, sáng hôm sau, Thạch Danh đến gặp ông, rồi bảo: “Mày đánh tao không đau, tao mệt nên thua thôi”. Ông cũng đùa lại: “Mày thua thì ráng chịu”, rồi cả hai cười khà khà.
“Khi lên đài, chúng tôi là đối thủ nên ai cũng phải thi đấu hết mình để giành chiến thắng. Khi hết thi đấu, chúng tôi là những võ sĩ như nhau nên rất vui vẻ, thoải mái trò chuyện cùng nhau”, võ sư Tùng bộc bạch.
Cũng sáng hôm đó, khi ông Tùng đang đứng trước khách sạn đối diện với sân vận động Quy Nhơn thì một chiếc xe Jeep chạy đến, trên xe có hai cô gái cùng với tài xế. Một cô xuống xe nói giọng Huế nhỏ nhẹ: “Em mời anh vào nhà em chơi”. Hỏi ra ông Tùng mới biết đó là hai cô con gái Phó tỉnh trưởng Bình Định Trần Đình Duyên. Người mời ông là cô chị tên Trần Thị Thanh Tú.
Lần ấy, hai người kết giao bạn bè. Cô Tú còn cho tài xế chở ông Tùng ra sân bay để vào Sài Gòn. Sau này, hai người thường xuyên liên lạc và họ gặp nhau ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi gia đình cô này chuyển vào đây sinh sống.
(Còn nữa…)