Tháng 5 trên quê hương Bác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không hẹn mà gặp, cứ đến dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm, hàng triệu người con từ khắp mọi miền cả nước và du khách quốc tế lại tìm về Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đông đảo du khách đến tham quan, tưởng nhớ Bác Hồ ở Di tích Kim Liên.
Đông đảo du khách đến tham quan, tưởng nhớ Bác Hồ ở Di tích Kim Liên.

Trở về Làng Sen (quê nội Bác Hồ) trong Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên đúng dịp kỷ niệm 132 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắm nhìn những hiện vật về những năm tháng ấu thơ và sự nghiệp của Bác Hồ đang được lưu giữ ở đây, du khách đều cảm thấy gần gũi mà thiêng liêng đến lạ kỳ.

Người hành hương về quê Bác có đầy đủ các thành phần già, trẻ, nam, nữ, ở mọi miền của Tổ quốc. Có người đã từng được trực tiếp gặp Bác, có người biết đến Bác Hồ qua sách vở, lịch sử dân tộc. Nhưng ai cũng rưng rưng xúc động khi được tự tay thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác.

Con đường đến với ngôi nhà xưa của Bác, hương hoa sen dịu nhẹ, thanh khiết thơm suốt dọc đường, theo bước chân của những người về với quê Bác. Bước vào trong khuôn viên ngôi nhà của Bác xưa, một không gian làng quê, cổ kính hiện ra trước mắt, ngôi nhà 5 gian mái tranh, vách nứa. Ngôi nhà là món quà do dân làng Sen dựng lên bằng tiền công quỹ từ tấm lòng trân trọng, mến mộ tài năng của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác, người đỗ Phó Bảng, mang lại vinh dự cho dân làng.

Ngôi nhà là nơi Người đã gắn bó một phần tuổi ấu thơ của mình, nơi Người đã sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, nơi mà Người đã tiếp xúc với các bậc túc nho yêu nước trong vùng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, giành lại độc lập cho dân tộc.

Trong khuôn viên di tích ở quê nội, quê ngoại Bác Hồ (làng Hoàng Trù), từng hiện vật, hình ảnh gắn liền với cuộc sống, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác cũng như tình cảm của đồng bào cả nước, bè bạn quốc tế đối với Bác được các cán bộ Khu di tích Kim Liên cẩn thận gìn giữ. Hàng triệu du khách trong nước và quốc tế lặng ngắm những mái nhà tranh, lũy tre xanh xanh rì rào trong gió để dành một khoảng lặng riêng nhớ về Bác, suy ngẫm về cội nguồn đã sinh ra một nhân vật vĩ đại của Việt Nam và nhân loại.

Hình ảnh, tư liệu về cuộc sống đời thường, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày ở Khu di tích.

Hình ảnh, tư liệu về cuộc sống đời thường, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày ở Khu di tích.

Rất nhiều người dân dù đường sá xa xôi, nhiều năm qua mới trở về quê cùng gia đình, nhưng trong những ngày này họ lại tìm về Khu di tích Kim Liên viếng Bác, thăm nơi Bác đã được sinh ra và lớn lên.

Anh Nguyễn Văn Nam (quê Gia Lai) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy cứ đến dịp lễ gia đình tôi đều bắt xe về Khu di tích Kim Liên để thắp hương viếng Bác. Mỗi dịp thăm nơi Bác đã sinh ra và lớn lên, các con tôi sẽ hiểu hơn về Bác Hồ - một con người vĩ đại, để rồi chú tâm học tập thật tốt, làm người có ích cho đất nước”.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, hàng năm Khu di tích Kim Liên đón lượng du khách bình quân từ 1,6 đến 2 triệu lượt người/năm, nhất là vào mùa hè, dịp sinh nhật Bác 19/5. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, Khu di tích đón bình quân mỗi ngày 1.000 đoàn khách với hàng chục ngàn lượt người ghé thăm.

Khu di tích Kim Liên trước đây, hôm hay và mai sau vẫn thế, nhưng cuộc sống người dân trên quê hương Bác Hồ đang đổi thay từng ngày. Về Kim Liên hôm nay, đi dưới những con đường rải nhựa, đường bê tông rộng rãi, những hàng cây xanh mát, xa xa là những cánh đồng lúa chín vàng…, ai cũng cảm nhận được bước chuyển mình trên quê hương Bác. Trong những ngày tháng 5, đi trên quê hương làng Sen của Bác, ta mới hiểu ra rằng, đây chính là quê hương là mạch nguồn sinh ra một nhân cách lớn của thời đại, một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Được biết, huyện Nam Đàn tiếp tục được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, trong đó xã Kim Liên được xác định là điểm nhấn phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Đây là thành tựu quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Kim Liên hiện thực hóa lời căn dặn của Người khi về thăm quê.

Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chia sẻ: “Với lợi thế có Khu di tích Quốc gia đặc biệt, xã Kim Liên tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất theo hướng phục vụ du lịch, nâng cao các tiêu chí văn hoá và cải tạo các cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp... Xã đã có nhiều thay đổi phát triển vững chắc xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện và con em xa quê”.

Đọc thêm