Tháng 7, cho những bông hồng cài áo…

(PLVN) - Chẳng biết từ bao giờ, dân gian lại gọi tháng 7 âm lịch là tháng “cô hồn”, với hàm ý là tháng xui rủi, đầy những tai ương chờ đón... Và cũng từ quan niệm đó, trong tháng 7 những hoạt động bình thường như mua bán, trao đổi đều lắng xuống... vì những lo ngại rủi ro. Thậm chí, nhiều người lồng ghép các câu chuyện ma quái để làm lý do cúng bái, cầu khẩn, xin xỏ lợi ích bản thân... Nhưng tất cả những lo nghĩ đó dưới góc nhìn của đạo Phật là những lo nghĩ viển vông, xa rời với chân lý, ý nghĩa nhân sinh.
Tháng 7, cho những yêu thương đong đầy. (Ảnh minh họa)
Tháng 7, cho những yêu thương đong đầy. (Ảnh minh họa)

Tháng 7, không phải để sợ!

Thiền sư Thích Thanh Từ đã nói trên tạp chí Giác Ngộ rằng: “Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu nghĩ rằng tháng Bảy là tháng cô hồn, là tháng xui rủi thì ta đã quên mất định luật nhân quả. Vì vậy, đừng quên mất ý nghĩa nhân văn và thâm sâu của tháng 7 Vu Lan, cứ lẩn quẩn trong chuyện tháng cô hồn rồi lo lắng, sợ hãi, để lòng lăn tăn mỏi mệt thì thật uổng phí, thật phụ ơn Tam bảo...”.

Thực tế, việc cúng dường để đại xá vong nhân xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật.  Mẹ ngài là bà Thanh Đề đã qua đời, nhưng do khi còn sống làm nhiều việc tội lỗi phải chịu cảnh tội đồ, là quỷ đói trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng công nuôi dưỡng sinh thành khiến ngài vẫn không khỏi thương xót liền xả thân của mình để cứu mẹ nhưng không thành. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách cúng dường, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện để giảm bớt tội lỗi giúp mẹ ông siêu thoát. 

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng 7, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan, thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát. Noi gương hiếu lễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, cứ đến ngày rằm tháng 7 hàng năm các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cho các vong linh sẽ được thoát khỏi tội đồ.

Từ một nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, Lễ Vu Lan dịp tháng 7 âm lịch hàng năm dần trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để gia đình sum họp; con cháu hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành; hồi hướng đến tổ tiên, thắp nén hương thơm nguyện cầu cho vong linh người đã khuất được siêu sinh tịnh độ.

Đức Phật Thích ca trong Kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân đã dạy: “Phàm là con người phải ghi nhớ Tứ ân. Đó là: Ân cha mẹ, Ân chúng sinh, Ân quốc gia xã hội và Ân Tam bảo”. Trong Tứ ân thì đứng đầu là Ân đức của cha mẹ dành cho con cháu. 

Đức Phật dạy: “Thiên kinh vạn quyển hiếu nghĩa vi tiên”. Nghĩa là ngàn quyển kinh, vạn quyển sách đều lấy chữ hiếu nghĩa làm đầu. Vì thế mà báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật... luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của đạo làm con.

Với người Việt Nam, Hiếu chính là Hiếu đạo, tức Đạo làm con phải Hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng), Hiếu lễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị), Hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hòa thuận với anh em)...

Tháng 7 đến, một mùa Vu Lan báo hiếu lại về. Lễ Vu Lan như là lời nhắc nhở thế hệ hậu sinh nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn! Không phải là những sợ hãi, âu lo…

Trong cuộc sống chộn rộn, hối hả hôm nay, nhiều người chợt nhận ra những vô thường. Thời gian không ngừng trôi, nếu một năm chúng ta chỉ về thăm cha, thăm mẹ một đôi lần thì con số nhiều lắm chỉ là vài chục lần được gần cha, gần mẹ mà thôi! Vậy nên, nhiều người con đã biết tận dụng những chuyến du lịch trong năm, luôn có cha, có mẹ kề bên, để con cháu, ông bà cùng làm nên những ký ức… Hoặc nếu gần hơn thì chạy về bên mẹ cha ăn bữa cơm giản dị vào ngày cuối tuần, hoặc bất cứ thời gian nào có thể… Bởi có một vị Phật ngay trong  mỗi nhà, đó chính là lòng mẹ! Và món quà vô giá với mẹ cha ấy chính là con cháu luôn vui vầy, đầm ấm, là những yêu thương, ruột thịt chan chứa khôn nguôi, dọc dài năm tháng…

Đọc thêm