Tháng cô hồn may hay không may?

(PLVN) - Nhiều người dân quan niệm tháng 7 âm lịch là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn nên hầu hết việc "đại sự" như cưới hỏi, khởi công xây dựng hoặc mua sắm, đi xa… đều tránh tháng này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những điều “kiêng kị” ấy không có căn cứ.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Kèm theo ý niệm về "tháng cô hồn" là một loạt những điều người dân cho là cấm kỵ, không nên làm trong tháng cô hồn như:

Không treo chuông gió ở đầu giường: Bởi dân gian cho rằng tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá, gây bất an cuộc sống.

Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong những ngày tháng cô hồn, nếu không sẽ dễ gặp điều không may, nhất là với trẻ em. Theo quan niệm lâu nay, trong tháng 7, Diêm Vương “thả cửa” cho ma quỷ, vong hồn về dương gian nên chúng “vất vưởng” xung quanh rất nhiều. Theo dân gian, thời điểm buổi đêm là lúc ma quỷ “lộng hành” nhất nên chúng ta nên hạn chế đi chơi quá khuya. 

Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.

Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã: Người Việt Nam lâu nay vẫn có tục đốt vàng mã, giấy áo để tỏ lòng thành kính với thế giới tâm linh như ông bà, cha mẹ đã mất. Tuy nhiên việc đốt vàng mã phải đúng ngày, đúng dịp như: Ngày rằm, ngày giỗ…Do đó nếu tùy tiện đốt vàng mã theo dân gian có thể là điều tu hút ma quỷ đến, là điều không nên.

Không phơi quần áo vào ban đêm, vì dân gian quan niệm rằng ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy, nhất là những quần áo màu trắng, đỏ. Ở nhiều nơi, người dân chỉ phơi quần áo ban đêm trong sân có mái che. 

Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.

Nhiều người cũng quan niệm khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc. Người dân cũng quan niệm không đứng gần cây đa, cây đề bởi dân gian có câu “quỷ gốc đa, ma gốc đề” ý muốn nói vào ban đêm dưới gốc cây đa, cây đề hội tụ rất nhiều âm khí. Nhất là vào tháng cô hồn tốt nhất nên kiêng đứng gần, ngồi, nằm hay trốn ở đó để tránh bị ”ma trêu quỷ hờn”.

Hạn chế làm những chuyện đại sự như kí hợp đồng làm ăn, cưới hỏi, chuyển nhà, mua xe cộ… nếu bất khả kháng phải xem kĩ ngày.

Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.

Ngoài ra, trong tháng cô hồn, mọi người cũng hạn chế nhiều việc làm khác như: Mài dao kéo, không bơi lội, không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc” dễ bị ma quỷ xâm nhập. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.

Tuy nhiên, dân gian cũng có quan niệm, tháng 7 với lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ là tháng thể hiện lòng yêu thương con người với con người, thể hiện tính nhân văn. Mọi người sẽ tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và những người đã khuất, hướng tới yêu thương, đền ơn, đáp nghĩa và lòng từ bi thay vì tự mình đặt ra những điều “kiêng kị” không có sơ sở khoa học.

Đọc thêm