Thắng dịch từ sự an toàn trong mỗi gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự bình an, an toàn của mỗi gia đình được xây dựng, giữ gìn bằng ý thức và trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh…
Các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn trong thời kỳ giãn cách xã hội (ảnh minh họa)
Các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn trong thời kỳ giãn cách xã hội (ảnh minh họa)

Đại dịch tác động mạnh đến gia đình

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của xã hội, thậm chí len lỏi đến từng căn nhà khiến các thành viên có dấu hiệu căng thẳng tâm lý, kèm theo xu hướng bạo lực.

Từ ngày 1/7 – 15/9/2020, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu tác động của COVID-19 đến bạo lực gia đình tại một số quận huyện của Hà Nội với 303 người. Kết quả cho thấy, 81% phụ nữ là nạn nhân của ít nhất một hành vi kiểm soát từ phía chồng trong thời kì dịch; 34% phụ nữ báo cáo bị bạo lực về kinh tế trong thời kì dịch.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đề nghị can thiệp hỗ trợ tăng đến hơn 50% trong thời gian gần đây. Khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cho thấy, các gia đình thường xuyên ở nhà cùng nhau, 48% trẻ em bị mắng, khoảng 8% bị đánh, 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.

Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra, các yếu tố làm tăng bạo lực trong thời kỳ COVID-19 một phần do các cặp vợ chồng đột ngột mất việc hoặc ít việc. Cuộc sống thay đổi do đại dịch COVID-19 khiến nhiều gia đình không có sự chuẩn bị nên không biết phải ứng phó và đối diện như thế nào. Khi thu nhập giảm, hầu hết các xung đột, tình trạng kiểm soát, bạo lực tinh thần, thể xác… thường tăng lên. Nhiều em nhỏ bị chính cha, mẹ có hành vi bạo hành trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do những áp lực về việc làm và kinh tế bị giảm sút.

Giữ gìn tổ ấm gia đình trong những ngày giãn cách xã hội

Ở mặt tích cực, giãn cách xã hội không chỉ làm giảm thiểu tốc độ lây lan của dịch, mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình có thời gian bên nhau nhiều hơn, thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau nhiều hơn, cũng như có những bữa ăn quây quần đầm ấm. Công việc nhà vốn lâu nay vẫn thường đè nặng lên đôi vai người vợ, người mẹ thì nay được san sẻ hơn…

Tuy nhiên, việc chưa quen ngay với sự sống chậm và thời gian ở bên nhau quá nhiều cũng có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Nhịp sống vốn đang sôi động đi làm, đi học, đi chơi… nay vì giãn cách xã hội, tất cả bị dừng lại, cả người lớn và con trẻ bị căng thẳng tâm lý dễ dẫn đến những hành vi, lời nói có thể không vừa lòng. Trong khi ai cũng mong muốn được tôn trọng, được đề cao giá trị bản thân, kể cả trẻ con.

Trong buổi nói chuyện trực tuyến chuyên đề “Giữ gìn tổ ấm gia đình trong những ngày giãn cách xã hội” của Hội LHPN TP Hà Nội mới đây, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, sự bình an, an toàn của mỗi gia đình được xây dựng, giữ gìn bằng ý thức và trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

“Vì thế, các thành viên – nhất là người phụ nữ, với vai trò rất lớn của mình trong gia đình, không nên can thiệp có tính kiểm soát vào không gian riêng của người khác một cách thái quá. Mỗi người cần phải xây dựng được kỹ năng quản lý và kiểm soát cảm xúc. Biết phòng ngừa, biết giải quyết không chỉ là cách phòng, ngừa bệnh tật mà còn là cách giải quyết, hàn gắn các mâu thuẫn gia đình. Vợ chồng với nhau, không nên cho rằng cái gì mình cho là tốt, là đúng, là ngon thì người kia phải theo mình. Hãy học cách chấp nhận và sống hài hòa với chính mình và hài hòa với sự khác biệt một số thói quen, sở thích của nhau để tránh xảy ra phiền toái không đáng có. Sự sẻ chia và quan tâm trong cuộc sống mới chính là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc gia đình. Đó có thể là sự chia sẻ gánh nặng tài chính, chia sẻ việc chăm lo tổ ấm, chia sẻ việc chăm sóc và giáo dục con cái…” – ông Hoa Hữu Vân chia sẻ.

Tại hội thảo trực tuyến “Hợp tác vì các giải pháp sáng tạo nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam” do Mạng lưới GBVNET, Facebook cùng Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều sáng kiến để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, cần lồng ghép vấn đề bạo lực gia đình vào các chương trình phòng chống Covid-19; phụ nữ được trang bị kiến thức để phòng ngừa được dịch bệnh mà cũng phòng được đại dịch âm thầm trong gia đình, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực đối với phụ nữ bởi bạo lực không phải là vấn đề của cá nhân mà của xã hội…

Đọc thêm