Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2021: Đàn ông cũng là… nạn nhân!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS cho rằng, nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực. “Khi chúng ta dạy rằng trẻ em trai vẫn có thể khóc không có nghĩa là dạy chúng sự yếu đuối, mà đó là việc dạy năng lực mới của thế hệ nam giới mới, rằng biết thể hiện tình cảm, bao dung, đồng cảm với những người đang chung sống với mình”…
Lễ ra mắt Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Lễ ra mắt Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Nhiều nam giới cô đơn trong chính ngôi nhà của mình

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực. Chính truyền thống “nam tôn nữ ti” hàng ngàn năm đã đặt lên vai nam giới một gánh nặng mà không thể rũ bỏ, làm cho họ căng thẳng, thất vọng, cô đơn, thậm chí là tuyệt vọng khi đối mặt với xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nam giới cô đơn trong chính căn nhà của mình.

TS Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Chúng ta thấy cuộc sống hiện đại ngày càng đắt đỏ, diễn ra rất là nhanh, phải đối diện với cơm áo, việc làm, thu nhập. Chúng ta hiểu sự căng thẳng, áp lực đối với đàn ông lớn nhường nào. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ khi buồn, khổ có thể khóc, than vãn, chia sẻ nhưng nam giới không được như thế vì được gán cái danh là phái mạnh cho nên không thể chia sẻ, khóc, buồn. Họ phải luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm có thể lo sợ, hoang mang, thậm chí cô đơn, đau khổ vì như thế đánh mất hình ảnh của mình.

Chính vì vậy, nhiều người đàn ông gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Họ bị trầm cảm, tìm đến rượu và các chất gây nghiện khác. Chúng ta hiểu hậu quả của hành vi lạm dụng chất gây nghiện như thế nào. Chúng ta nhìn thấy những tai nạn giao thông hàng ngày, chủ yếu do nam giới gây ra và chính là nạn nhân của tai nạn ấy. Nam giới cũng mắc bệnh nhiều hơn do uống rượu, ma tuý, hút thuốc lá… Không phải tự nhiên mà nam giới như vậy”.

TS Hoàng Tú Anh, Chủ tịch mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới GBVNet tại Việt Nam cũng cho hay, bất bình đẳng giới gây ra rất nhiều hệ luỵ cho nam giới cũng bắt nguồn từ chính khuôn mẫu. Nam giới luôn được cho rằng phải mạnh mẽ, phải là trụ cột, không chịu những áp lực, chỉ trích nếu không theo những chuẩn mực như nữ giới. Nam giới hiện nay cũng có nhu cầu được chia sẻ, quan tâm, giải toả áp lực cuộc sống. Nam giới cũng có nhiều điều trăn trở, tâm tư trong xã hội phát triển như ngày nay, nhất là khi giao thoa với nhiều nền văn hoá, mọi người được tiếp xúc với nhiều hình mẫu nam giới khác trên thế giới.

Cách truyền thống khiến cho anh có vẻ “oai” đấy nhưng chưa chắc đã được hạnh phúc. Nam giới giờ chịu nhiều áp lực, mất nhiều cơ hội. Ngày xưa, mọi người nghĩ nam giới có nhiều cơ hội việc làm, kiếm tiền nhiều hơn nữ giới, nhưng ngày nay điều đó đã thay đổi. Thị trường lao động thay đổi khiến nhiều nam giới khó khăn để kiếm một việc làm tốt.

Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cho rằng, lý do khiến đàn ông thường khó tham gia vào vấn đề bình đẳng giới đó là: đàn ông đang là người được hưởng lợi, có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ nên ít có động lực để làm. Tuy nhiên, “bình đẳng giới không phải là đàn ông lấy một thứ gì đó của mình, trao cho phụ nữ rồi đàn ông không còn nữa. Mà bình đẳng giới sẽ giúp tất cả chúng ta đều được giải phóng khỏi những định kiến, nam giới cũng được thoải mái thể hiện những cảm xúc nhạy cảm của mình mà không bị phán xét”. Bởi vậy theo ông, bước đầu tiên để đàn ông có thể tham gia vào hoạt động này là nhận ra mình cũng chính là nạn nhân của bất bình đẳng giới.

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, được bầu làm Chủ tịch lâm thời của VNMenNet.

Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet) vừa chính thức được ra mắt. Đây là không gian mở kết nối các cá nhân và tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Ngoài ra, VNMenNet cũng hướng tới việc kết nối nam giới để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hành động trong các hoạt động chung và vấn đề đang tác động tới nam giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. PGS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, được bầu làm Chủ tịch lâm thời của VNMenNet. Ban điều hành gồm ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS); ông Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện iSEE; nhà báo Trương Anh Ngọc...

Đồng thời, theo TS Khuất Thu Hồng, nam giới bạo hành cũng liên quan một phần đến những áp lực. Trong tất cả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, chúng ta thường đẩy nam giới sang phía đối diện để chê trách, phê phán, lên án. Cách làm như vậy không mang lại hiệu quả. Việc tập trung vào phụ nữ những năm qua giúp chị em tiến bộ nhiều nhưng chúng ta bỏ quên nam giới. Đặt nam giới ở phía đối diện nên không thu hút được họ vào nỗ lực chung vì bình đẳng. Chúng ta không dành cho nam giới sự quan tâm mà lẽ ra họ được nhận. Đã đến lúc phải thay đổi cách làm để giúp nam giới có khoảnh khắc của mình, cũng được hỗ trợ, quan tâm, đồng hành cùng phụ nữ và các giới khác trong những nỗ lực chung để thay đổi quan niệm xưa cũ để bình đẳng hơn, hạnh phúc hơn…

Đàn ông “giỏi việc nước, đảm việc nhà” - tại sao không?

Thực tế, nam giới luôn được coi là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi vậy, có rất nhiều chính sách, luật để nâng cao vị thế của người phụ nữ, lên án trừng phạt hành vi bạo lực của nam giới lên phụ nữ. Tuy nhiên, tại buổi ra mắt Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet), PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng, cách tiếp cận này hiện nay cần thảo luận thêm. Theo ông Hiếu, sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong chia sẻ công việc gia đình, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

“Việc chấm dứt hành vi bạo lực giới không hẳn đòi hỏi những điều luật, chính sách, chương trình, kế hoạch đồ sộ trên giấy, mà có lẽ trước hết cần bắt đầu bằng sự thay đổi cơ bản những định kiến. Từ đó tạo ra giá trị, niềm tin mới tác động tới hành động của mỗi cá nhân, tổ chức. Chỉ có thay đổi những định kiến bình đẳng giới mới duy trì sự ổn định và xã hội có thể phát triển bền vững”, PGS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

Theo ông, mẫu người đàn ông thành đạt, thành công thường được hình dung như người đẹp trai, tài năng, giàu có, có địa vị trong xã hội, trong bộ máy công quyền. Trong gia đình, người chồng phải luôn mạnh mẽ, là trụ cột, bảo vệ, lãnh đạo gia đình. Còn người vợ phải biết nữ công gia chánh, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác và thăng tiến… Những quan niệm đó vẫn hiển hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tạo ra niềm tin cho giới trẻ rằng đó là mẫu hình cần phải phấn đấu, đạt được. Những truyền thống hàng nghìn năm về khái niệm phái mạnh đã đặt lên vai người đàn ông những gánh nặng họ không thể rũ bỏ. Thực tế, với xu hướng phát triển mẫu hình truyền thống đó, xã hội vẫn đầy rẫy những bất công diễn ra hàng ngày.

Và như thế, chúng ta có thể bắt đầu thách thức những định kiến cũ bằng cách thảo luận về những câu hỏi tưởng chừng đã được mặc nhiên, xác định như thế nào là người đàn ông lý tưởng? Xã hội, gia đình mong chờ điều gì nhất ở người nam giới? Trẻ em trai được dạy gì trong cộng đồng, trường học, gia đình về những điều cần đạt được với tư cách là nam giới? “Do đó, VNMenNet là nơi kết nối các cá nhân và tổ chức nam giới cùng hoạt động và đóng góp tạo dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, bao trùm, khoan dung, nơi tiếng nói của mỗi cá nhân đều được lắng nghe và được tôn trọng”, ông Hiếu chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra 5 mục tiêu cơ bản của VNMenNet trong thời gian tới: Thúc đẩy các mẫu hình nam tích cực; Tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới trong xã hội, cộng đồng, gia đình, cá nhân và môi trường; Tập trung thảo luận về các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất của nam giới; Làm sáng tỏ các hành vi phân biệt đối xử với nam giới; Tăng cường các mối quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.

TS Khuất Thu Hồng mong rằng, phụ nữ và nam giới cùng gánh vác, chia sẻ từ công việc gia đình đến xã hội, gánh nặng được san sẻ, hạnh phúc nhân đôi. Những thành viên nam giới rất ưu tú trong mạng lưới sẽ truyền cảm hứng cho những nam giới khác để thấy rằng khi chúng ta thay đổi suy nghĩ, cùng làm việc với phụ nữ, tham gia vào hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nếu chúng ta cùng làm việc với nhau, cùng hưởng thành quả sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với chỉ một bên cố gắng.

Đọc thêm