Vào dịp tháng 7, căn nhà nhỏ của mẹ Tuyết nằm sâu trong ngõ phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, trở nên tấp nập. Trên bàn thờ nơi có bức ảnh ông Lưu Văn Sìn và ảnh của liệt sĩ Lưu Tất Đạt lúc nào cũng có hoa tươi và hương khói...
Vào dịp tháng 7, căn nhà nhỏ của mẹ Tuyết nằm sâu trong ngõ phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, trở nên tấp nập. Trên bàn thờ nơi có bức ảnh ông Lưu Văn Sìn và ảnh của liệt sĩ Lưu Tất Đạt lúc nào cũng có hoa tươi và hương khói.
Những lễ vật nhỏ ấy là của các học sinh ông Sìn hoặc đồng đội anh Đạt đến tưởng nhớ người thầy, người đồng đội. Chỉ khi đã vãn khách, bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tuyết mới có điều kiện kể lại và lật giở những kỷ vật của chồng và con...
|
Tuổi trẻ công an Đống Đa đến thăm mẹ Phạm Thị Tuyết |
Bà làm vợ ông Lưu Văn Sìn trong thời gian ông theo học hội hoạ ở trường Boza (trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Ông là một trong những hoạ sỹ tài ba, có những bức tranh nổi tiếng trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám và những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, các bức tranh của ông được lưu giữ ở Viện Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Tây Bắc…
Người con trai duy nhất của ông Sìn, bà Tuyết là Lưu Tất Đạt. Mười lăm tuổi, Lưu Tất Đạt được nghệ sĩ Trần Văn Lắm chọn làm mẫu để dựng tượng Lý Tự Trọng, bởi ông thấy khuôn mặt hiền hoà mà rắn rỏi, đầy cương nghị của anh phù hợp với nhân vật. Suốt mấy tháng trời, cứ sau giờ học là anh đi bộ đến nhà nghệ sĩ Lắm đứng khoảng 3 tiếng đồng hồ làm mẫu, có khi phải quên đi cái đói để ông kịp hoàn thành tượng dự triển lãm nghệ thuật thanh niên toàn quốc tháng 12 năm 1956.
Bốn năm sau, anh Đạt xung phong vào quân ngũ (dù tiêu chuẩn con một, không có tên trong danh sách đi nghĩa vụ). Trong trận chiến đấu bảo vệ cầu P (Phắc – Pha Luông – Lào) vào sáng 27/2/1966, trận chiến diễn ra ác liệt với nhiều tốp máy bay Mỹ tới dội bom liên tục. Sở chỉ huy phân đội của anh bị vùi lấp hết, chỉ kịp nghe ục… ục mấy tiếng rồi thấy tối sầm, tức ngực, nghẹt thở. Phân đội trưởng Nguyễn Ngọc Cúc và anh cùng bị vùi chung một hố, lúc đầu hai người còn kịp trao đổi trong hơi thở để đợi người đến cứu.
Nhưng tiếng bom lại nổ, đất đá lại tiếp tục vùi các anh. Sau đó, anh Cúc được đồng đội cứu thoát ra khỏi đống đất đá, còn Đạt đã vĩnh viễn ra đi trong thương tiếc của đồng đội, trong lời kể của bùi ngùi của anh Cúc mỗi lần đến thăm mẹ Tuyết. Lưu Tất Đạt ra trận bà Tuyết mong tin con hàng ngày, nhưng thật buồn, sáu năm sau bà nhận được tin con bà đã hy sinh nơi chiến trận.
Những ngày ấy, bà tưởng chừng bị suy sụp hoàn toàn, nhưng bà phải vượt lên bởi ông Sìn lâm bệnh trước. Nghị lực của người phụ nữ đã giúp bà bằng mọi cách xin vào công tác tại Cục quân nhu, Bộ quốc phòng để ngày ngày đóng gói hàng chuyển vào chiến trường cho những đồng đội của con.
Ngày 28/8/1994, Nhà nước ra Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bà Phạm Thị Tuyết là một trong số các bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý là đợt đầu tiên. Bà như thấy hồi sinh trong niềm tự hào về người con trai duy nhất đã anh dũng hy sinh cho Đảng, cho Tổ quốc.
Những ngày này, bà Tuyết vui cùng con cháu, họ tộc, dân phố và nhiều lắm những đồng đội của con, những học trò của ông Sìn, những cháu thanh niên, sinh viên tình nguyện đến hàng ngày.
Duy Tường