Thắng thua là ở bản thân mình

(PLVN) - Lâu nay tôi chỉ nghe “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng có vài anh bạn lại đối nghịch rằng cũng có thuyết “nhân chi sơ tính bổn ác”. Vậy, con người sinh ra thiện hay ác? Lớn lên ác hay thiện?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi nhỏ, tôi được dạy phải kính trọng và thương những người lớn tuổi, bất kể họ là ai, ở đâu vì mình nhỏ tuổi hơn. Gia đình tôi sống ở khu chuyển đổi, ngay cạnh nhà là một bác trung niên đứng tuổi. Khi mới về đây sống, tôi và gia đình ông rất gắn bó, tôi luôn hòa nhã và vui vẻ vì nghĩ rằng bản chất họ vẫn tốt đẹp và chừng mực.

Được một thời gian, tôi thấy ông và người vợ hai xảy ra xô xát. Họ cãi nhau suốt ngày, tiếng khóc của bọn trẻ khiến tôi hoảng sợ. Có đêm nọ, người phụ nữ nhà bên chạy ra gọi nhà tôi cầu cứu với cái giọng đầy sợ hãi. Tôi và bố chạy ra đến cổng, phía sau người vợ là ông chồng say sỉn, tay lăm lăm cái chai rượu uống dở, nhìn đến rợn người.  Tôi mở cửa nhanh chóng đỡ lấy bà vợ, còn bố tôi tiến lại can ngăn ông chồng. Ông ấy la lớn: “Thằng chó, chuyện nhà tao không đến lượt mày”. Rất nhiều ngày sau đó, ông ấy hay vùng vằng nhà tôi, có lần trộm gà, trộm cá.

Tôi cũng phiền lòng vì hình ảnh ông hàng xóm chân chất ngày xưa giờ thành ra kẻ lưu manh và bạc nhược. Nghe bà vợ kể mới biết, ông không chịu làm ăn, giao du với đám cờ bạc thành ra hư hỏng. Chẳng biết, thiện ác khi nào mà lại nghịch nhau đến thế! 

Càng về sau, khi cuộc sống dần phát triển, áp lực ngày càng lớn thì những người đang mất dần tính thiện. Giống như ông hàng xóm nhà tôi, trước kia đôi vợ chồng ấy khiến cả xóm hoan vui vì hạnh phúc, biết làm lụng kinh tế. Nhưng, giờ đây ông lại khiến mọi người khó chịu, xa lánh vì cái tính vũ phu, chửi đổng của mình. Phải chăng, vốn con người ta thiện lành từ trước, nhưng vì một môi trường nào đó mà chữ “thiện lương” ấy bị che phủ. Mà cũng không phải, chúng ta hay đổ thừa cho hoàn cảnh, cho môi trường. chứ chưa bao giờ xem xét lại bản thân. 

Có một dạo, tôi nghe về những vụ giết người kinh hoàng: nào là đổ bê tông, cuồng sát, hãm hiếp. Rồi người ta lại livestream các vụ tai nạn… để mua vui cúng thần “Facebook”,  một ông “thần” đang ở vị trí tối cao đời sống tinh thần mọi người. Tự hỏi sao giờ dã man thế. Độc ác – tàn nhẫn từ suy nghĩ đến hành động. Nhưng, trên mạng xã hội lại khác, người ta chia sẻ nhau, bình luận, ném đá, bình phẩm, phân tích đủ mọi góc cạnh của những cuộc tai nạn, chém giết và hiếp dâm.

 Gần đây, trên Facebook lan truyền những “clip riêng tư” của một hai cô gái nổi tiếng nào đó. Cả một xã hội ảo thỏa thuê xin nhau link (đường dẫn video) để thỏa chí tò mò, sau đó là các “hội đồng bình phẩm” để “mạt thị” các cô gái đầy khiếm nhã. Tôi nghe một cư dân mạng nói vui: trong khi trên trang cá nhân, diễn đàn rao giảng tẩy chay hiếp dâm… thì chính mình lại đi xin link video riêng tư của người khác để mạt sát. Đúng là nghịch lý, sự khôi hài cho những trò “đạo đức giả”, “cuộc vui ném đá”, “miệt thị”  trên mạng xã hội. Vui ư? Niềm vui đó không hề được dạy. Người ta chỉ có thể dạy làm cách nào để tìm vui trong cái lương thiện hơn thôi, còn niềm vui được hành hạ, giết chóc, ô hợp dường như là bản năng không thể che dấu, khi con người ta quá ư phấn khích…

Và như thế, mạng xã hội với những màn ném đá, bình phẩm hội đồng, cũng là nơi chúng ta phơi bày cái ác nguyên thủy bên trong mỗi người. Khi chúng ta thỏa thuê trước  cái ác, thờ ơ trước cái thiện cũng là lúc “cái ác” lên ngôi. Một xã hội lan tỏa sự tiêu cực sẽ là nguy cơ của những vấn nạn đạo đức và lương tâm sống.

Câu nói “nhân chi sơ tính bổn thiện và bổn ác”, lấy hình ảnh con người lúc còn nhỏ, khi mới sinh ra đã có tính thiện và tính ác trong con người. Có nghĩa dùng hình ảnh một đứa trẻ đại diện cho “nhân tính”. Nhưng, với tôi nó hoàn toàn chưa đủ nhận thức và khả năng thể hiện cái ác. Một đứa trẻ nếu trong quá trình sống không được hướng thiện hoặc chứng kiến nhiều cảnh tượng tiêu cực sẽ có thể biểu hiện những hành vi tiêu cực. 

Đa phần “thiện” không phải tự nhiên, nó là quá trình đấu tranh và lựa chọn. Tôi vẫn nhớ, có một vị tu hành từng nói: “Đối mặt với quyền lợi, bản chất tự nhiên là tranh giành phần mình, chỉ có đầu tranh với chính mình mới khiến người ta biết bao nhiêu là đủ. Nhìn lại chính mình, chúng ta có thể thấy “thiện và ác” là quá trình tranh đấu và chọn lựa. Khi chúng ta biết lắng nghe, thấu cảm và hòa nhập với nguồn năng lượng tích, bản thân sẽ đón nhận những điều tốt đẹp. Ngược lại, nếu mỗi người không chiến thắng “ác tâm” của chính mình thì phần thua sẽ thuộc về cái “thiện”. Sâu tận bên trong con người là cái thiện, là cái rỗng không, nhưng cái lõi đó lại bị bao bọc bởi muôn vàn lớp ác -cũng là những thứ tồn tại tự nhiên được sinh ra cùng với con người.

Nếu chỉ nói con người vốn thiện thì không bao giờ bỏ được những cái ác kia, chỉ có nhìn nhận nó, nhận ra rằng con người có nhiều cái ác tự nhiên thì mới đấu tranh, trừ bỏ và quay về với cái thiện, về với chính mình - hoặc cũng không phải là chính mình nữa, là một cái ta tốt đẹp hơn. Sơ tâm vốn có thiện, có ác, chuyện thắng - thua là ở bản thân mình. 

Đọc thêm