“Tôi là bánh khúc đây”
Hôm nay Hà Nội vào đông, những ngày giá rét, con ngõ vào nhà cũng cạn khô cái không khí ấm áp. Nó thất thểu đón tôi, mỗi tối đi làm về. Trở mình trên căn gác nhỏ, gió đập bên hiên. Hôm nay, Hà Nội thì thào quá!
Lắng nghe tiếng thở của phố, trong cái se lạnh khuya Hà Nội. Cô đơn thật! Chỉ có tiếng thở của mình nhè nhẹ vì sợ phố giật mình. Cả hai nghe nhau trong một đêm dài.
Đêm đông ở phố khác hẳn ở quê, dù sống ở đây khá lâu nhưng tôi chưa bao giờ quen với chúng. Dưới ánh đèn đường, phố đêm như cô đơn hẳn. Chúng chẳng phải gồng mình chịu đựng lượng xe cộ tấp nập như ban ngày.
“Đêm mùa đông đi trên con đường quen
Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ”.
(Đêm mùa đông Hà Nội – Hoàng Phúc Thắng)
Một câu hát quen thuộc trong bài hát của ca sĩ Phương Dung những thập niên 90, cô gái nhà bên cũng nằm mơ phố.
Mỗi đêm khó ngủ tôi lại nằm lắng nghe những tiếng đêm, trong đó có tiếng hát đầy quá khứ của em. Nhớ về những ngày Hà Nội chìm trong ánh mắt, trong bình yên, trong cả những giấc mơ.
“Tôi là bánh khúc đây”, tiếng rao quen thuộc mỗi độ đêm về. Cả đêm trằn trọc, thèm cái mùi bánh khúc nóng. Tôi chạy vội xuống nhà để tìm cái mùi hương ấy. Người đàn ông đen xạm, chất giọng trầm khàn vui vẻ trả lời: “Xôi lạc, bánh khúc chú nhé”. À, ra là vậy, hỏi ra mới biết câu rao đó là “Xôi lạc, bánh khúc đây” – một sự nhầm lẫn khá hài hước của tôi cũng như nhiều người ở Hà Nội. Tiếng xe đạp Thống Nhất đã cũ cót két trong đêm, người đàn ông khuất vào ánh đèn. Để lại cái mùi bánh khúc thơm cả phố. Đêm thật lạ, dù trở gió cũng vẫn khiến người ta ấm áp hơn!
Đêm bình yên, con đường phủ ánh đèn vàng. Ở đây được bắt đầu bằng những âm thanh, chúng báo hiệu một nhịp sống khác. Đó là cuộc sống mưu sinh!
Tiếng kiếp người
Những tiếng rao chua nghẹn trong đêm: “Xôi lạc, bánh khúc đây”, “ ngô luộc đây”, “ bánh giò”... làm cho đêm bớt đi tẻ nhạt. Âm thanh của những con người mưu sinh trong đêm tối. Họ thở than trong thành phố này, bỏ quê để tìm một miền đất hứa. Dù ở đô thị hào nhoáng, kiếm sống trong những vất vả nhưng âm thanh của họ góp nhặt vào nhịp sống thật khác.
Tiếng thở dài “ hôm nay ế quá” của ông bán nước, tiếng xua vía của những cô gái trẻ nơi bóng tối, tiếng cót két kéo xe trở về. Tiếng tạm biệt nhau nơi đầu ngõ, tiếng rồ ga của vài chiếc xe điên. Những vệt âm thanh xen nhau hòa vào đêm khiến ai nhạy cảm cũng thao thức cùng họ.
Đêm nay trời trở gió. Trong cái lạnh xuýt xoa ấy, những tiếng nhọc nhằn lại bắt đầu. Hà Nội là nơi hoa lệ, nhưng cũng muôn phần đắng cay. Dưới những ánh đèn pha lê, là bóng người leo lắt. Chẳng phải vì đêm trở gió, mà vì lòng người cũng nhiều nỗi thở than.
Đêm nay, đêm mai, đêm khác những âm thanh vẫn sẽ cất lên. Dòng người như chúng tôi vẫn ùa về góp nhặt nơi Kẻ Chợ. Vốn huyên náo cũng đầy “đa đoan” như thế. Vốn ôm ấp giấc mộng đổi đời, nhưng cũng lắm nỗi vất vả đến thế. Vẫn có những người bỏ xứ, rồi có cả những kẻ trở về trắng tay.
- Chú bỏ quê lâu chưa?
- Quê nghèo, sống sao nổi chú ơi. Phải lên mà làm ăn!
- Hà Nội, có dễ sống không chú?
- Dễ thì dễ mà khó thì cũng khó
Những gương mặt mệt mỏi sau một ngày dài, những nụ cười còn đậm lạnh sương đêm. Tiếng rao đêm, quen mà lạ. Chẳng phải ai tinh ý mới nhận ra chúng. Những tiếng kêu nhọc nhằn, mệt nhoài của những kiếp người tha hương.
Hồi xưa, bố tôi kể Hà Nội đẹp lắm. Đêm đông đúc người, những con phố mua sắm sầm uất. Nhà tôi thuê ở hẻm, cả ngày cũng ít nhìn thấy mặt trời. Thi thoảng ra dạo phố, đêm nghe chuyện của phố khi trời đông trở gió. Gió cứ ào ào, tay buốt lạnh.
Chợt nghĩ, liệu sau này Hà Nội không còn những tiếng rao, thì đêm chắc buồn lắm. Ừ phải rồi, buồn thật! Dù cái tiếng mưu sinh ấy nó nặng nề, nhưng cũng khiến ta bớt nhớ quê nhiều hơn. Hà Nội, không chỉ hoa lệ, mà còn gai góc, đời hơn sau những ánh đèn. Đầu đông, tôi vẫn nhớ khoảnh khắc đầu tiên bước chân đến Hà Nội. Sống trọn vẹn 5 năm, gắn bó mới thấy Hà Nội thật đẹp. Cùng những tiếng rao đêm thanh vắng, tiếng Hà Nội thở trong lồng ngực.
Rồi ai cũng sẽ xa, nhưng cứ đêm về nghe những âm thanh ấy, tôi lại trằn trọc. Một Hà Nội không chỉ phố xá nhộn nhịp, tắc đường, buôn bán tấp nập... mà... còn khác đi bởi những thanh âm của kiếp người.
Ngày mai, sẽ có những người khác tìm đến đây. Họ ra đi với một ước vọng kiếm sống. Những âm thanh nhỏ, giữa phố phường, nghe mà đau đáu. Rồi cũng có người ở lại, có người sẽ trở về.