Thành cổ lại có… nhà Tây?

"Đặc điểm của quy hoạch này là không có tường, là mở, để người dân đến tham quan. Nhưng chúng tôi nhận được phản hồi là đến chỗ gọi là Trung tâm Hoàng thành nhưng chẳng thấy cái gì là Hoàng thành cả, chỉ thấy nhà Tây", GS Sử học Lê Văn Lan nói về bản Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

 
Phát lộ di tích Hoàng Thành năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 1/8/2012, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, từ bản Quy hoạch này lại thấy nhiều điều đáng lo…
Hoàng Thành thành Công viên Văn hóa - Lịch sử?
Quy hoạch nhằm bảo tồn khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa Lịch sử, làm nổi bật những giá trị toàn cầu của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 1.300 năm; bảo tồn các dấu tích, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau.
Đây là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 969/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể KDT Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.  
Một góc Hoàng thành Thăng Long
Một góc Hoàng thành Thăng Long
Tổng diện tích quy hoạch là 45.380 m2, trong đó, diện tích xây dựng nhà trưng bày khảo cổ là 13.674 m2; khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính 3.438 m2; diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195 m2; diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803 m2; diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859,3 m2; diện tích sân, đường giao thông 6.214 m2.
Chiều cao tối đa đối với công trình xây mới trong khu di tích 18 Hoàng Diệu là 5m, hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày xây 1 tầng với chiều cao thích hợp để đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.
Việc bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A-B và D4-D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học phải nguyên gốc, đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản. Một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2-D3, A6, D7, C3 được lựa chọn để bảo tồn dưới dạng hầm kính.
Về hạ tầng kỹ thuật, khu di tích sẽ có 4 lối vào từ các đường: Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng vào chính được xác định tại phía Nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Các cổng còn lại là cổng phụ chỉ sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Trong nội bộ khu di tích thiết kế hai tuyến đường tham quan đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan.
Khu di tích 18 Hoàng Diệu được kết nối khu Thành Cổ bằng đường ngầm qua đường Hoàng Diệu, tạo thành chỉnh thể thống nhất và liên tục trong Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Quy hoạch nhằm bảo tồn khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa Lịch sử, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị nổi bật về kiến trúc, hiện vật, di chỉ mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước.
Mở rộng diện tích khai quật: Khó
Cơ bản, bản quy hoạch đạt yêu cầu và đã thể hiện được lịch sử Hoàng thành Thăng Long nhưng còn một số điều ví dụ như là UNESCO yêu cầu về công tác khai quật khảo cổ phải được mở rộng thì đây là điều rất khó khăn. Việc rất quan trọng nữa là vùng đệm, bây giờ vùng này còn đang ngổn ngang, chất chứa những điều phức tạp ngáng trở cho việc thực hiện.
Để có được văn bản công phu này chúng ta đã có thời gian dài xây dựng nhưng vấn đề là thực thi, thực hiện như thế nào trong thời gian sắp tới thì chúng ta còn rất nhiều việc.
GS Sử học Lê Văn Lan- Thành viên hội đồng tư vấn khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - chưa yên tâm với bản quy hoạch này. Ông cho hay: “Đặc điểm của quy hoạch này là không có tường, là mở, để người dân đến tham quan. Nhưng chúng tôi nhận được phản hồi là đến chỗ gọi là Trung tâm Hoàng thành nhưng chẳng thấy cái gì là Hoàng thành cả, chỉ thấy nhà Tây.
Đây là phàn nàn đúng mà quy hoạch này sẽ phải sửa. Tuy nhiên, trên bản quy hoạch, tỷ lệ xây mới công trình chỉ chiếm một phần nhỏ trên diện tích chung. Công trình này cũng là nhằm phục vụ bảo tồn di tích. Có điều, bản quy hoạch không thể hiện rõ lên mà chú ý vào tổng thể chung những cái mới, cần phải làm để mọi người dễ hình dung”. 
Trong quyết định công nhận Hoàng thành là di sản, di tích thì UNESCO có mấy khuyến cáo trong đó có khuyến cáo yêu cầu Việt Nam đã cam kết rồi thì phải thực hiện đó là mở rộng khai quật khảo cổ. Như họ nhận xét bây giờ thì khai quật khảo cổ còn ít quá. Rồi điều khuyến cáo thứ hai là vùng đệm tức các công trình sát ngay cạnh khu di tích trung tâm này phải được hết sức chú ý.
Một di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ chúng được cho đến hôm nay, vì thế chúng ta phải gánh vác trách nhiệm này tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau  với  nhiệm vụ cao cả là gìn giữ bảo tồn một di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. 

Thùy Dương

Đọc thêm