Tính đến hôm nay, 13/10, mưa lũ tại tỉnh Thanh Hóa đã cướp đi sinh mạng 14 người, khiến 5 người mất tích và 5 người bị thương. Ngập lụt đang rất nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Các công trình thuỷ lợi, đê điều, đường giao thông hư hỏng nặng. Hàng nghìn hộ dân tại các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, Thiệu Hóa… đang bị chia cắt. Hơn 17.600 nhà dân tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành và Nông Cống... của tỉnh Thanh Hóa đang bị ngập sâu.
Tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương tiếp cận để cứu trợ và đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ. Ngoài hơn 16.600 hộ dân đã được di dời từ những ngày trước, sáng nay, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục di dời thêm những hộ dân ở những vùng bị ngấp sâu ra khỏi vùng nguy hiểm. Huyện Nông Cống có 14 xã, thị trấn thì có đến 12 xã bị ngập từ 50cm đến 1,2m.
Sáng nay, toàn bộ những xã bị chia cắt đã được lực lượng chức năng tiếp cận để hỗ trợ người dân chuyển đến nơi an toàn và tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước uống. Bà Lê Vinh ở thôn 11, xã Tế Nông, huyện Nông Cống than thở: "Ao ngập hết rồi, trôi hết ra rồi, cá trắm, cá mè không còn chỗ mô, 1-2 tạ cá không vớt được con nào cả, nước lớn trôi "sạch tinh".
Tại nhiều địa phương, do các hộ dân bị chia cắt bởi nước lũ không thể di dời kịp, chính quyền địa phương đã phải vận chuyển mì tôm, lương khô, nước khoáng đến tận nơi cho bà con. Tuy nhiên, do đường đến các xã bị ngập và sạt lở nên hàng cứu trợ từ tỉnh, huyện vẫn chưa đến nơi.
Ông Phạm trọng Hưởng, Chủ tịch UBND xã Tế Nông, huyện Nông Cống, cho biết: Hội chữ thập đỏ của huyện sáng nay lên chương trình về ứng cứu những gia đình bị nước cô lập, mất điện không nấu được cơm ăn.
Hiện tại lũ trên các sông Chu, sông Bưởi, sông Mã, sông Hoàng tại tỉnh Thanh Hóa đang rút chậm. Nước trên sông Bưởi vẫn đang cao hơn mức báo động 3. Theo thống kê ban đầu, tỉnh Thanh Hóa đã có gần 28.300 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập nước và thiệt hại.Các tuyến đê sông Chu và sông Mã bị sạt lở dài 152m, thuộc xã Thọ Trường (huyện Thọ Xuân), xã Thiệu Tiến, Thiệu Thịnh ( huyện Thiệu Hoá) và xã Phú Quảng ( thành phố Thanh Hoá).
Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cũng huy động 600 cán bộ, chiến sỹ thường trực và hơn 8.500 lượt dân quân tự vệ xuống các địa phương để giúp người dân chống lũ lụt. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa huy động các lực lượng công an, quân sự và lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sự cố tại các điểm đê bị vỡ, các trạm bơm và cống tiêu thoát nước và các hồ, đập để ứng phó với tình hình mưa lũ có thể xảy ra trong những ngày sắp tới.
Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khẩn trương trong việc thông đường tạo điều kiện có lối ra vào đồng thời tăng cường các biện pháp để tiêu thoát nước giảm nguy cơ thiệt hại do ngập úng lâu ngày.
Sáng 13/10, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương ngay khi nước lũ bắt đầu rút phải kiểm tra tình hình môi trường, xử lý dịch bệnh, đảm bảo nhu yếu phẩm, nước sạch cho người dân. Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ nhằm không để hộ dân nào đói rét vì mưa lũ. Tại những nơi nước lũ đã rút, các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp dân tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tham gia khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông…