Mưa lũ đã làm 39 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu cũng chịu nhiều thiệt hại sau hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, theo đó có hơn 400 ha lúa bị ngập, 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi. Diện tích hoa màu thiệt hại hơn 20.000 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập hơn 4,7 nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm...
Trong ngày 11/10, mực nước sông Thị Long dâng cao, toàn bộ thôn An Cư, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia đã bị cô lập. Ngoài ra, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân bị ngập lụt, chia cắt nhiều nơi...hiện tại cả hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục triển khai công tác cứu trợ cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình lũ quét vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Hiện tại mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 13,0m, trên BĐ3 1,0m; Sông Mã tại Lý Nhân ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m, tại Giàng ở mức 7,3m, trên BĐ3 0,8m; Sông Chu tại Xuân Khánh ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m; Sông Cả tại Nam Đàn ở mức 6,3m, dưới BĐ2 0,6m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 11,0m, trên BĐ1 0,5m, Hòa Duyệt ở mức 8,0m, trên BĐ1 0,5m; Sông La tại Linh Cảm ở mức 4,0m, dưới BĐ1 0,5m.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Mã tại Giàng lên mức 7,5m, trên BĐ3 1,0m (tương đương lũ lịch sử năm 1980); Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,7m, dưới BĐ2 0,2m. Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy).