Theo thống kê của UBND huyện, từ 15/3 - 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng chết và gần 400 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: đợt 1 từ ngày 15 - 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 - 9/4 và cá vẫn đang tiếp tục chết.
Một người dân ngụ bản Giổi, xã Ái Thượng, cho biết, gia đình ông đã nuôi cá lồng cả chục năm qua, nhưng đây là đợt đầu tiên cá chết kéo dài. Gia đình ông nuôi 2 lồng cá trắm, mỗi lồng hơn 100 con, loại cá đã lớn từ 3-5kg/con. Gần tháng qua, cá chết lẻ tẻ nhiều đợt, đến ngày 10/4, lồng cá của gia đình chỉ còn vài chục con sót lại.
Một số hộ may mắn có cá còn sống sót là do họ đã kịp đưa cá vào các ao, hồ “lánh nạn”. Tuy nhiên, cũng không thể để cá ở mãi trong ao, hồ do mực nước thấp, không đủ oxy cho cá. “Nhà nào cũng thay nhau trắng đêm theo dõi cá, cứ khi nào thấy có hiện tượng bất thường là ngay lập tức phải bắt cá vào các ao lánh nạn”, một người dân cho biết.
Cùng thời điểm, không chỉ cá nuôi lồng chết, cá tự nhiên trên sông cũng nổi lềnh bềnh trắng xóa. Bình thường nước sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh bất thường. Người dân nghi ngờ nguyên nhân khiến cá chết chính là do nước sông bị ô nhiễm.
UBND huyện Bá Thước quyết định hỗ trợ người dân 20.000 đồng/1 kg cá chết; và đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm cho người dân để bớt thiệt hại.
Theo tìm hiểu, dọc hai bờ sông Mã phía thượng nguồn thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy.
Trước đó, vào tháng 4/2020, khi cá trên sông Mã qua huyện Bá Thước cũng xảy ra tình trạng chết đồng loạt, cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện nhiều cơ sở chế biến lâm sản xả thải bẩn ra lòng sông. Một số nhà máy đã bị xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động.
Hiện UBND huyện Bá Thước cũng đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất có nước thải ra sông Mã.